Nhiều nguyên nhân khiến cho IMF bất ngờ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á năm 2020

Nhiều nguyên nhân khiến cho IMF bất ngờ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á năm 2020

Việc IMF điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á trái ngược với việc IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Châu Á trong năm nay có thể suy giảm nhiều hơn so với tính toán ban đầu, một số nền kinh tế mới nổi trong khu vực tăng trưởng chậm lại đáng kể bởi phải ứng phó với đại dịch COVID-19, theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo vào ngày 21/10.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, IMF dự báo kinh tế Châu Á có thể tăng trưởng âm 2,2% trong năm nay.

Mức này tồi tệ hơn so với dự báo công bố vào tháng 6/2020, khi đó IMF dự báo kinh tế Châu Á có thể tăng trưởng âm 1,6%. Việc IMF điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á trái ngược với việc IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

IMF khẳng định rằng việc điều chỉnh triển vọng kinh tế Châu Á có nguyên nhân chính từ việc kinh tế Ấn Độ, Philippines và Malaysia đi xuống sâu hơn kỳ vọng trước đây, đặc biệt trong khoảng thời gian quý II/2020 bởi xét đến việc số lượng các ca nhiễm COVID-19 tăng và tình trạng phong toả kéo dài.

Ảnh minh hoạ

Dưới đây là một số chi tiết của dự báo kinh tế Châu Á mà IMF đưa ra trong báo cáo mới đây:

Trong năm tài khoá kết thúc vào 31/3/2021, kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng âm 10,3%, mức suy giảm này sâu hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng âm 4,5% được công bố hồi tháng 6/2020.

Kinh tế Philippines được dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm 2020, mức tăng trưởng kém hơn rất nhiều so với mức dự báo âm 3,6% trước đó.

Kinh tế Malaysia có thể tăng trưởng âm 6% trong năm nay, tệ hơn mức tăng trưởng âm 3,8% theo tính toán trước đây của IMF.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nền kinh tế tại Châu Á đều bị hạ triển vọng tăng trưởng. IMF nhận xét kinh tế Châu Á đang tăng trưởng với nhiều tốc độ. Trung Quốc là nước đầu tiên công bố các ca nhiễm COVID-19, tuy nhiên đến hiện tại đang dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc thuộc nhóm số ít những nền kinh tế Châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng trong năm nay. IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 lên 1,9% trong khi đó vào tháng 6/2020 mức tăng trưởng được tính toán ở mức 1%. Kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua đã hồi phục nhanh hơn so với tính toán.

“Sau khi gặp khó trong tháng 2/2020, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sau đó đã được hỗ trợ bởi hạ tầng, tăng trưởng đầu tư vào bất động sản, xuất khẩu tăng mạnh, chủ yếu là xuất khẩu trang thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cũng như các sản phẩm điện tử phục vụ cho việc làm việc tại nhà”, IMF nhấn mạnh trong báo cáo của mình.

IMF dự báo kinh tế Trung Quốc năm sau có thể bật tăng lên mức 8,2%.

Ảnh: Brinks News

Việc kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh và kinh tế Mỹ, Châu Âu dần phục hồi sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Châu Á, tuy nhiên con đường để kinh tế phục hồi lại hoàn toàn sẽ còn rất dài.

Kinh tế Châu Á có thể phục hồi tăng trưởng lên 6,9% trong năm 2021, cao hơn so với dự báo 6,6% theo tính toán của IMF vào tháng 6/2020. Dù vậy, sản lượng kinh tế Châu Á sẽ vẫn thấp hơn mức trước đại dịch trong một khoảng thời gian nữa.

Theo lý giải của IMF, có những yếu tố sẽ tác động đến triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Châu Á bao gồm:

  • Nỗi lo sợ về rủi ro lây nhiễm cũng như các biện pháp giãn cách xã hội đang gây tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng, hoạt động kinh tế sẽ vẫn chịu rất nhiều hạn chế cho đến khi có được vaccine.
  • Các chỉ số của thị trường lao động hiện đang xấu hơn khá nhiều so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm phụ nữ và người lao động trẻ tăng.
  • Phần lớn các nền kinh tế tại Châu Á tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào thương mại, tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng toàn cầu yếu kém, các biên giới đóng cửa, căng thẳng Mỹ – Trung Quốc đã xấu đi nhiều.

Trung Mến
Nguồn BizLive