Cờ đến tay Health Tech

Cờ đến tay Health Tech

Công nghệ hiện đại không chỉ được ứng dụng vào bệnh viện mà còn là xu hướng mới cho các cơ sở y tế, nhân viên y tế và cộng đồng trong hoạt động phòng và chữa bệnh. Tiềm năng của thị trường còn rất lớn với nhu cầu đa dạng trong các lĩnh vực hệ thống thông tin y tế, khám bệnh từ xa, theo dõi và chăm sóc tại nhà, quản lý và phân phối dược phẩm, trang thiết bị y tế...

Xu hướng này kéo theo làn sóng các startup công nghệ trong lĩnh vực y tế (health tech), gắn liền với sự bùng nổ smartphone, 5G...

Đặc thù dân số và mức độ sử dụng smartphone tạo điều kiện để Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho các công nghệ mới liên quan đến khám chữa bệnh, đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho quá trình này được đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Theo báo cáo của Tổ chức OECD, mức độ chi tiêu của người dân Đông Nam Á cho lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ đã tăng đáng kể trong những năm qua. Trong vòng 5 năm tới, các quốc gia ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Singapore, Thái Lan và Indonesia có thể sẽ tăng tổng chi tiêu lên 750 tỉ USD.

Trong đó, chi tiêu cho công nghệ y tế sẽ vượt mốc 113 tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những công nghệ mới chỉ liên quan tới việc quản lý hệ thống là chính, còn đầu tư chiều sâu cho thiết bị y tế hiện đại vẫn còn ở bước đầu.

Sân chơi còn quá lớn

Các công ty khởi nghiệp Health Tech được dự báo sẽ trở thành lực lượng chủ lực trong ngành công nghiệp y tế tương tự như các công ty khởi nghiệp Fintech trong lĩnh vực tài chính. Theo báo cáo Startup Health Insights về thị trường vốn các startup y tế trên thế giới, quý I/2020 ghi nhận mức đầu tư kỷ lục lên tới 4,5 tỉ USD bao gồm đầu tư vốn mạo hiểm và đầu tư tư nhân. Đây là mức cao nhất trong 10 năm qua, tăng tới 41% so với cùng kỳ. So sánh với dữ liệu cùng kỳ năm ngoái, việc rót vốn cho các startup trong lĩnh vực y tế từ xa (telemedicine) và theo dõi sức khoẻ bệnh nhân (patient monitoring) đã tăng trưởng đáng kể, lần lượt tăng 1.818% và 168%.

Thiết bị xét nghiệm hiện đại ở Bệnh viện Triều An
Ảnh: Quý Hoà

Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng startup trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn, chỉ dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại Châu Á. Chỉ một vài cái tên xuất hiện trên thị trường như eDoctor, Mosia, Jio Health, BuyMed, Bsgiadinh... Nguyên nhân là ngành y tế rất đa dạng về hình thức hoạt động, đông người tham gia, nhiều loại kỹ thuật và đối tượng bệnh nhân vừa đông vừa đa dạng. Đáp ứng được hoạt động của bệnh viện đòi hỏi phải có kiến thức về y khoa lâm sàng, tổ chức y tế, kỹ thuật y tế và công nghệ thông tin. Khi nói về công nghệ y tế cũng là nói về 2 loại công nghệ: một là các kỹ thuật ứng dụng vào thiết bị y tế và hai là công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế.

Công nghệ ứng dụng trong y tế là những kỹ thuật được tích hợp vào các thiết bị y tế như máy xét nghiệm tự động, máy chụp CT, MRI, robot phẫu thuật... Hiện nay, nhờ các ứng dụng này mà công việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ trở nên rất chính xác và hiệu quả.

Ví dụ nhờ có những loại máy CT Scanner, MRI mà việc chẩn đoán các khối u, các dị dạng mạch máu nhỏ nằm sâu trong cơ thể đã được phát hiện sớm; nhờ có máy xét nghiệm hiện đại mà có thể từ một mẫu máu nhỏ có thể cho hàng trăm thông số sinh hoá, huyết học, miễn dịch trong 7 phút; nhờ có công nghệ mổ nội soi, mổ robot mà việc mổ xẻ trên cơ thể chính xác hơn, thời gian rút ngắn, ít nhiễm trùng, ít biến chứng sau mổ; công nghệ mổ cận bằng laser không đụng chạm vào cơ thể nhưng hiệu quả thì rất cao...

Công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế là một mảng khác, giúp số hoá bệnh án, lưu trữ và khai thác thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Tất cả các đơn vị chức năng trong bệnh viện đều phải số hoá và chuyển thông tin liên hoàn cho nhau. Điều này tiết kiệm giấy tờ, thời gian và tuyệt đối chính xác. Kết quả cao nhất của một hệ thống quản lý dữ liệu là bệnh án điện tử – là kho tàng quý báu cho nghiên cứu y học.

Bác sĩ Phan Xuân Trung, thuộc Trung tâm Y khoa Medic, cho biết: “Cả hai loại công nghệ trên đều là nhu cầu cần thiết phải có của một nền y tế phát triển và là xu hướng tất yếu trong tương lai”. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ vào thiết bị y tế là công việc của những hãng sản xuất thiết bị y tế lớn tại các nước tiên tiến. Việt Nam không có các nhà máy sản xuất thiết bị y tế cao cấp, do đó lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật vào máy móc y tế cao cấp đương nhiên không hoạt động. Một vài nhà máy sản xuất máy đo huyết áp của nước ngoài đặt ở Việt Nam như Omron thì không đáng kể.

Còn đối với công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế, các nước tiên tiến cũng đang ở giai đoạn trăm hoa đua nở, các công ty đua nhau phát triển sản phẩm để cuối cùng chọn ra một sản phẩm tốt nhất còn lại trên thị trường. Việt Nam cũng vậy, có vài công ty tham gia cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện.

Hiện nay, các bệnh viện đều đã có phần mềm kê đơn, tính viện phí bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, giá trị thương mại của Việt Nam rất thấp. Trong khi một phần mềm bán ở nước ngoài có giá vài triệu USD, thì một phần mềm có chức năng tương tự giá đắt nhất cũng chỉ bằng 1/10. Hơn nữa, đây là lĩnh vực “khó ăn” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nên các công ty lớn sau một thời gian hoạt động đã phải rút lui.

Còn theo quan điểm của startup, Tiến sĩ Huỳnh Phước Thọ, đồng sáng lập, Phó Tổng Giám đốc của eDoctor, lại có cái nhìn tích cực hơn: “Chúng tôi đánh giá startup công nghệ y tế tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi động, với rất nhiều startup cùng mô hình kinh doanh và công nghệ mới. Do vậy, các quỹ đầu tư cũng đang rất thận trọng khi tìm kiếm và đầu tư vào những startup tiềm năng. Đầu tư vào lĩnh vực y tế đòi hỏi sự kiên trì, thận trọng, cũng như tìm hiểu sâu do đặc trưng của ngành. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng dòng vốn đầu tư mới trong thập niên tới đây sẽ tập trung nhiều vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ”.

Bước qua những rào cản

Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, có những công ty lập trình dành cho ngành y tế và tốc độ phát triển gần như tương đương nhau. Trong khi tất cả các ngành khác như kế toán, đồ hoạ, quân sự... đều đã ứng dụng công nghệ rất thành công từ lâu, thì đến nay, công nghệ thông tin y tế thế giới vẫn ở bước khởi đầu. Lý do là ngành y tế rất rộng lớn, phức tạp, đa dạng, đa hình. Muốn khai thác được mảng này đòi hỏi phải có kiến thức về y khoa.

Bác sĩ Phan Xuân Trung chỉ ra rằng: “Ở Việt Nam có một, hai công ty phần mềm do bác sĩ đứng ra thành lập, hầu hết là công ty không có kiến thức về y tế. Các công ty này xem lập trình quản lý dữ liệu y tế như thể quản lý doanh nghiệp. Đây là sai lầm lớn vì bệnh viện phức tạp hơn bất cứ cơ quan kinh doanh nào khác”. Theo ông, ở góc độ quản lý nhà nước, đã có một chủ trương ngầm là giao trách nhiệm phát triển phần mềm ngành y tế cho những tập đoàn chuyên về viễn thông như VNPT, Viettel trong khi các công ty cũng không có nền tảng kiến thức y tế. Điều nguy hiểm là khi các tập đoàn này lấn sân, chiếm thị trường thì tiêu diệt các công ty nhỏ lẻ đang phát triển khác, tiêu diệt động lực phát triển công nghệ thông tin y tế.

Còn khi nói về tài chính, bệnh viện công không có tiền hoặc không có quyền đầu tư kỹ thuật mới, cộng với việc đầu tư máy móc kỹ thuật cao có thể là một rủi ro. Đơn cử, đối với một máy chụp X-quang toàn thân (OS X-Ray) có giá trị cao trong chẩn đoán chỉnh hình nhưng giá thành đắt và ít được chỉ định, làm cho việc đầu tư kinh doanh không hiệu quả.

Mặt khác, do tốc độ phát triển công nghệ y tế quá nhanh, việc đầu tư máy móc có thể bị lạc hậu sau một thời gian ngắn. Do vậy, các doanh nghiệp y tế sẽ phải chấp nhận rủi ro. Tuỳ theo lãnh đạo bệnh viện, có thể chấp nhận đầu tư vì lợi ích lâu dài, có người đầu tư chỉ vì có hoa hồng cao, máy mua về thì không sử dụng.

Hệ thống X-quang EOS chụp toàn thân tư thế đứng của Medic
Ảnh: Thiên Ân

Thời gian thử nghiệm cũng là yếu tố then chốt đối với việc áp dụng công nghệ mới, CEO của eDoctor cũng nhận định: “Việc có thể đưa một công nghệ mới vào bệnh viện cũng phụ thuộc rất nhiều vào tính chất cụ thể của công nghệ đó, giá thành và mức độ rủi ro khi triển khai. Trước khi đưa vào sử dụng đều phải trải qua quá trình thử nghiệm và đánh giá rất chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi và sức khoẻ của người bệnh. Có thể mất từ 1-3 năm để đưa một công nghệ mới vào sử dụng trong bệnh viện”.

Bệ phóng đã sẵn sàng

Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, công nghệ và hành vi người dùng luôn tạo ra nhiều cơ hội cho những startup bền bỉ và nguồn lực tốt. Đây là “giai đoạn vàng” để nâng tầm và thay đổi cách thức mỗi người chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là thói quen khi khám chữa bệnh. Các startup công nghệ đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía Nhà nước, cơ sở y tế, Bộ Y tế và người dùng. Sự bùng nổ của dịch bệnh nguy hiểm đã tạo ra một môi trường cho việc người dân thay đổi và tìm hiểu thông tin liên quan đến sức khoẻ thông qua các nền tảng kỹ thuật số khác nhau. Một số người lần đầu tiên sử dụng tư vấn trực tuyến với các bác sĩ để tránh rủi ro lây nhiễm.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân lực tại bệnh viện công cũng thúc đẩy các startup tìm cách lấp đầy khoảng trống với những dịch vụ chăm sóc tại nhà và từ xa. Chẳng hạn, CEO Doctor Anywhere cho biết nhu cầu tư vấn trực tuyến trên Doctor Anywhere đã tăng gấp 5 lần kể từ khi COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, đại diện của Jio Health tin tưởng có thể đáp ứng khoảng 80% nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho hầu hết bệnh nhân thông qua sự kết hợp giữa các dịch vụ trực tuyến và ngoại tuyến.

Hiện nay, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cao cấp, xét nghiệm cao cấp hầu như đã phổ biến khắp các tỉnh thành, y tế tư nhân và y tế nhà nước đua nhau trang bị máy móc mới để phục vụ cho khám chữa bệnh. Những hệ thống máy xét nghiệm tự động, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cao cấp, các robot phẫu thuật được nhập khẩu từ nước ngoài đã giúp y tế Việt Nam phát triển đáng kể.

Công nghệ thông tin quản lý tuy vẫn còn sơ khai, nhiều phần mềm vẫn đang tập trung vào chức năng tính viện phí mà chưa tạo ra được bộ bệnh án điện tử, nhưng bệnh nhân ngày nay cũng đã hưởng lợi khá nhiều, khi đơn thuốc, kết quả xét nghiệm được in rõ ràng, không còn kiểu “chữ bác sĩ“ như trước đây. Điều này thật sự quan trọng vì tránh được rủi ro do dùng sai thuốc, chẩn đoán sai bệnh.

Ngoài ra, cũng nhờ sự phát triển của công nghệ 4G, 5G, Internet có tốc độ đường truyền cao, có thể truyền hình ảnh, âm thanh, video... giúp ứng dụng vào việc truyền tin trong ngành y tế rất phát triển, gọi là telehealth hay telemedicine nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi.

Ứng dụng quản lý dịch vụ y tế trên smartphone

Đối với người dùng, việc tiếp xúc trực tiếp với thầy thuốc sẽ mang lại cảm giác an tâm hơn. Tuy nhiên, ứng dụng thăm khám từ xa ngày càng thuyết phục người dùng về tính hiệu quả. Bác sĩ Phan Xuân Trung nhận xét: “Với những trường hợp bệnh nhân cảm thấy khoẻ, không có triệu chứng nặng thì việc thăm khám từ xa sẽ giúp cho bệnh nhân đỡ mất thời gian đến bệnh viện. Còn lại là ứng dụng trong hỗ trợ ý kiến, tư vấn khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Điều này có thể ứng dụng cho các trường hợp khẩn cấp, quan trọng, ngay tức thời. Mặc dù vậy, hình thức hội chẩn từ xa như hiện nay chỉ mang tính thử nghiệm ban đầu”.

Ngành y tế có hoạt động đa dạng, nhiều chuyên khoa, nhiều nhân sự, nhiều khách hàng... Mỗi chuyên khoa, mỗi quy mô bệnh viện cần có một ứng dụng công nghệ phù hợp, không thể áp dụng như nhau một cách đồng bộ. Một phần mềm dành cho bệnh viện tâm thần sẽ khác với phần mềm dành cho bệnh viện chuyên khoa tim mạch. Muốn có hệ thống quản lý y tế tốt đòi hỏi phải có kiến thức y tế tốt và kèm theo sự bền bỉ theo đuổi mục tiêu và trải nghiệm lâu dài.

Theo bác sĩ Phan Xuân Trung, không thể đẩy nhanh được ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế khi mà mục tiêu quản lý tổng thể ngành y tế còn quá xa và giao sai người phụ trách. Nhà nước cần tuân thủ luật cạnh tranh tự nhiên của thị trường, không nên can thiệp một cách thiên vị cho các tập đoàn viễn thông chiếm lĩnh thị trường một cách cưỡng ép. Ngoài ra, cần tạo ra sân chơi cho những cuộc thi so tài và chọn lọc ra các sản phẩm tốt nhất để đầu tư phát triển.

Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư