Tạp hoá hoà mình vào công nghệ số

Tạp hoá hoà mình vào công nghệ số

Sự xuất hiện của các loại hình bán lẻ hiện đại dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến các cửa hàng kinh doanh tạp hoá truyền thống.

Tạp hoá vẫn chiếm lợi thế

Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm.

Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hoá) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Điều này cho thấy, các cửa hàng tạp hoá lại không hề lép vế, thậm chí còn có phần phát triển mạnh hơn.

Lợi thế của mô hình kinh doanh cửa hàng tạp hoá là tiện lợi, ngay sát trong hẻm nhỏ dễ đi lại, thậm chí có thể ghi nợ. Một khảo sát của Nielsen cho thấy có đến 9/10 người được hỏi thích mua nhu yếu phẩm tại tiệm tạp hoá vì giá rẻ và gần nhà. Kênh bán lẻ truyền thống nói chung hiện nay gồm chợ và cửa hàng tạp hoá chiếm tới 80% doanh thu ngành bán lẻ.

Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm
Ảnh: keshopthoitrang

Nhiều cửa hàng tiện lợi như VinMart, Circle K, FamilyMart, Co.op Smile... đều cố gắng thâm nhập sâu vào ngõ ngách, khu dân cư nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi với các cửa tiệm tạp hoá.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), gần 30 năm liên tục phát triển, song đến thời điểm hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được khoảng 25-26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hoá. Tỉ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ.

Theo báo cáo gần nhất của McKinsey & Company, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Cụ thể, thị trường bán lẻ Việt có doanh thu hàng năm khoảng 108 tỉ USD, dự báo sẽ tăng trưởng luỹ kế khoảng 7,3%/năm trong giai đoạn 5 năm tới.

Nhiều cửa hàng tiện lợi như VinMart, Circle K, FamilyMart, Co.op Smile... đều cố gắng thâm nhập sâu vào ngõ ngách, khu dân cư
Ảnh: baocongthuong

McKinsey & Company cũng chỉ ra tạp hoá và thực phẩm là mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất của thị trường bán lẻ Việt, lên đến 44% và càng có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Nhìn vào kết quả này, “chiếc bánh” bán lẻ vẫn đang do kênh truyền thống nắm giữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, tương lai, kênh bán lẻ truyền thống sẽ đối mặt với nhiều thách thức và thị phần sẽ bị kéo giảm bởi kênh mua sắm hiện đại, gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…

Tạp hoá có thể thích ứng trong thời đại công nghệ?

Nếu nhìn tổng thể, kênh bán lẻ truyền thống vẫn giữ chủ đạo. Thống kê của Nielsen về hàng tiêu dùng nhanh thì các kênh bán lẻ truyền thống hiện chiếm 80% doanh thu, tuy nhiên tăng trưởng lại không cao. Doanh thu bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 17% nhưng tăng trưởng đến 19%.

Chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang rất sôi động và tiềm năng, bởi khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, họ có nhu cầu chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm thuộc nhóm tiêu dùng và thực phẩm hàng ngày.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, “bán lẻ truyền thống cũng đã phải vượt qua chính mình để phù hợp hơn trong thời đại mới”. Các nhà bán lẻ truyền thống đã chấp nhận cạnh tranh thay vì sợ hãi trước bán lẻ hiện đại. Các cửa hàng bán lẻ truyền thống hiện cũng đã kết hợp cả những yếu tố truyền thống và tiếp cận xu hướng hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong thời đại mới.

Theo đó, việc sử dụng thanh toán điện tử, bán hàng online với offline qua nhiều kênh, tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày… là những xu hướng cửa hàng tạp hoá cần cập nhật để có thể phục vụ nhanh nhất những khách hàng bận rộn, bà Mỹ Loan, chia sẻ.

Mô hình tạp hoá công nghệ từ VinID
Ảnh: GenK

Giới chuyên gia đánh giá, mô hình bán lẻ truyền thống như tiệm tạp hoá sẽ “sống khỏe” khi biết cách thích ứng trong thời đại công nghệ mới.

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, cửa hàng tạp hoá là mô hình phổ biến ở Đông Nam Á. Theo nghiên cứu mới đây từ hãng tư vấn Bain & Company và Facebook, tổng chi tiêu cho hàng tạp hoá ở Đông Nam Á đạt khoảng 350 tỉ USD, và tạp hoá trực tuyến hiện chiếm phần nhỏ trong tổng giá trị đó, nhưng lại đang có xu hướng trở nên phổ biến, theo các chuyên gia trong ngành.

Cũng theo nghiên cứu, người tiêu dùng Đông Nam Á đang mua hàng trực tuyến nhiều hơn, trong đó 43% người được hỏi cho biết, hiện họ có xu hướng mua nhiều hàng tạp hoá. Khoảng 62% người tiêu dùng cho biết mạng xã hội, video ngắn và tin nhắn là những kênh trực tuyến ưa thích để khám phá các thương hiệu và sản phẩm mới.

Ví điện tử cũng chứng kiến ​​sự phát triển tăng vọt. 22% người tiêu dùng tiết lộ đó là phương thức thanh toán ưa thích của họ, so với 14% vào năm 2019.

Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư