Du lịch nội địa đổi mới để tồn tại

Du lịch nội địa đổi mới để tồn tại

Dịch bệnh COVID-19 góp phần đẩy nhanh tiến trình đổi mới của các tour du lịch trong nước.

Miếng bánh thị trường nội địa vừa giảm kích cỡ, vừa thay đổi nhiều về tính chất sẽ dành phần nhiều cho những doanh nghiệp linh hoạt, sáng tạo trong làm dịch vụ.

Điểm đến “xa vắng” hút khách

“Ở đây cảnh đẹp, văn hoá lịch sử hấp dẫn nhưng dịch vụ chưa có gì, chúng tôi chưa dám đưa khách tới”. Đây là câu nói quen thuộc của nhiều đơn vị làm tour trước thời COVID-19 khi khảo sát các điểm đến hoang sơ trong nước. Biên lợi nhuận thấp, lại phải đầu tư nhiều cho thiết kế tour và tiếp thị khiến việc mở đường tour nội địa mới trở nên ít hấp dẫn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nội địa sẽ là thị trường duy nhất trong cả năm tới, nhiều công ty đã dồn nguồn lực để tạo thêm sản phẩm mới. Kỳ vọng của họ lúc này là du khách không có nhiều lựa chọn sẽ dễ tính hơn.

Nếu các điểm đến phổ thông như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết bị giảm sức hấp dẫn thì nhiều điểm đến còn vắng vẻ lại thu hút du khách nhiều hơn như Côn Đảo, Phú Yên, Măng Đen (Kon Tum)... Vừa qua, TST tourist tổ chức thành công tour đi Cần Đước (Long An) được coi là một nỗ lực từ phía lữ hành trong việc thu hút du khách yêu thích lịch sử, văn hoá.

Tương tự, thời gian này Ban lãnh đạo VietMark liên tục đi khảo sát các homestay và di tích thắng cảnh ở miền Tây Nam Bộ để thiết kế Stay Vacation – sản phẩm du lịch phục vụ du khách ăn, ở, đi lại, sinh hoạt như dân địa phương. Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc VietMark, cho biết: “Cột mốc COVID-19 đánh dấu sự thay đổi sâu, rộng về nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ”.

Các điểm đến như Côn Đảo, Măng Đen, Phú Yên đang được khách thu nhập cao, chuộng sự yên tĩnh chọn lựa. Các đơn vị làm tour ở những điểm đến này hiện khai thác mạnh yếu tố khám phá thiên nhiên, tìm hiểu hệ sinh thái bản địa. Chẳng hạn, Côn Đảo với 16 đảo lớn nhỏ trước đây thường được coi là chốn du lịch hành hương của người lớn tuổi, nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn giới trẻ với chùm tour của Côn Đảo Explorer bao gồm khám phá rừng ngập mặn, ngắm san hô, thả rùa về biển ở trung tâm bảo tồn, chụp ảnh hoàng hôn...

Điều đáng mừng là các điểm đến mới này được thừa hưởng kinh nghiệm bảo vệ thiên nhiên và phát triển bền vững, rút ra từ nhiều điểm đến trước đây. Người làm quản lý và kinh doanh ngày càng ý thức sâu sắc về sự có hạn của tài nguyên du lịch. Tại Côn Đảo, việc cho phép khai thác du lịch diễn ra khá thận trọng nhằm bảo tồn tối đa hệ sinh thái.

Cơ sở lưu trú mới nhất của đảo – The Secret Côn Đảo 4 sao đã lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để làm ấm nước, cũng như sản xuất một phần điện để sử dụng trong khách sạn. Là khách sạn đầu tiên được sở hữu và quản lý bởi Tập đoàn AKYN của Việt Nam, The Secret Côn Đảo đánh dấu bước ngoặt AKYN tham gia vào thị trường khách sạn cao cấp trong nước. Tập đoàn AKYN có định hướng phát triển các dòng thương hiệu cho những phân khúc thị trường khác nhau tại các điểm đến như Hội An, Quy Nhơn, Cam Ranh, Long Hải và TP.HCM...

Không chờ được đến lúc thị trường ấm lên

Tính đến ngày 21/9, Vietnam Airlines ghi nhận sản lượng vận chuyển khách bay nội địa đạt gần 40.000 lượt khách, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019. Một tín hiệu tích cực khác được ghi nhận những ngày qua là đã có khách đoàn liên hệ, đăng ký tour trở lại thay vì chỉ có khách gia đình, khách lẻ. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Công ty TST tourist, cho biết, lượng khách đã trở lại sau đợt dịch lần 2. Số lượng khách trong tháng 9 của Công ty đạt trên 900 khách, bao gồm tour đoàn doanh nghiệp, nhóm khách gia đình đi tour riêng và tour theo lịch khởi hành định sẵn.

“Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, chúng tôi dự đoán tour đoàn sẽ tăng trở lại từ nay đến cuối năm với số lượng từ 100-500 khách. Chúng tôi cũng đang xúc tiến hợp đồng và làm việc với các khách đoàn cho kế hoạch tour MICE, team building... từ tháng 10-12 khá nhiều. Các dịch vụ năm nay có giá khá tốt do được tích hợp từ những chương trình kích cầu của hàng không, khách sạn và công ty lữ hành, giá có thể tốt hơn cùng kỳ từ 15-30% tuỳ tuyến và không có tình trạng quá tải dịch vụ”, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết. Để đáp ứng nhu cầu mới của du khách, ngoài những sản phẩm tour trọn gói, công ty này cũng bán đa dạng các dịch vụ tour F&E, tour option, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, cho thuê ô tô...

Theo Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch, hiện nay 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động. Công suất phòng của các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt 10%; những địa phương có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách. Các điểm đến là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng như Khánh Hoà, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh..., công suất buồng phòng cũng chỉ đạt 3-5%.

Ảnh: myquynhon.com

Nhiều doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên gần như mất khả năng trả lãi vay ngân hàng. Do đó, Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay, áp dụng đến tháng 12/2021. Đồng thời, chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ, khoanh món nợ, khoanh tiền lãi vay.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% trong năm 2020-2021 bởi chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có tác dụng. Ngoài ra, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, như gói 62.000 tỉ đồng cũng cần được tạo thuận lợi hơn về điều kiện, thủ tục để dễ tiếp cận.

Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư