Credit Suisse và UBS sáp nhập: Phác thảo chân dung siêu ngân hàng Thuỵ Sĩ

Credit Suisse và UBS sáp nhập: Phác thảo chân dung siêu ngân hàng Thuỵ Sĩ

Sáng ngày 15/9, một thông tin gây chấn động toàn bộ ngành ngân hàng thế giới được đưa ra, đó là hai ngân hàng hàng đứng đầu Thuỵ Sĩ và thế giới là UBS và Credit Suisse sẽ sáp nhập và tạo thành một siêu ngân hàng tại khu vực Châu Âu vào năm 2021.

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, đây là thông tin gây bất ngờ cho rất nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới. Quy mô của UBS và Credit Suisse được cho là sẽ gây ra nhiều vấn đề về việc độc quyền sau khi hai ngân hàng sáp nhập; các nhà làm luật cũng đã rất chú ý vào vấn đề này, nhưng dịch bệnh đã làm thay đổi suy nghĩ của họ.

Credit Suisse là ngân hàng có 164 năm tuổi đời với trụ sở đặt tại Zurich, Thuỵ Sĩ, cung cấp các dịch vụ về ngân hàng đầu tư, ngân hàng tư nhân, quản lý tài sản và một số dịch vụ khác. Đây là một trong số những ngân hàng hiếm hoi trên thế giới ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, với danh tiếng đã được khẳng định trong nhiều năm qua.

Ngân hàng được đánh giá là một trong những thành viên chủ chốt của ngành ngân hàng thế giới, nằm trong danh sách 9 ngân hàng lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất; Credit Suisse cũng được nhiều tổ chức uy tín đánh giá là ngân hàng tư nhân và ngân hàng tốt nhất Thuỵ Sĩ.

Tính đến hết quý II năm nay, doanh thu của ngân hàng này đạt 13,21 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 16% so với nửa đầu năm 2019; tổng tài sản được quản lý bởi ngân hàng đạt 1,51 nghìn tỷ USD.

Gần đây, danh tiếng của Credit Suisse có phần suy giảm khi họ là nhà tư vấn đầu tư cho SoftBank trong thương vụ WireCard khi công ty thanh toán trực tuyến hàng đầu ở Đức này gần như đã tuyên bố phá sản vì không thể chứng minh được nguồn tiền mặt.

Các mảng kinh doanh chính của Credit Suisse, trong đó quản lý tài sản đem về doanh thu lớn nhất
Ảnh: Seeking Alpha

Trong khi đó, đối tác của vụ sáp nhập này là UBS cũng không hề thua kém Credit Suisse. UBS Group AG được thành lập từ năm 1998 bởi sự sáp nhập của hai ngân hàng lâu đời là Union và ngân hàng Thuỵ Sĩ, là một công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư đa quốc gia với trụ sở chính được đặt tại Zurich và Basel.

Hiện diện ở tất cả các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, UBS được biết đến là ngân hàng Thuỵ Sĩ lớn nhất toàn cầu. Vị thế lớn của ngân hàng tại các thị trường Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương giúp UBS trở thành một tổ chức tài chính quan trọng trong hệ thống nền kinh tế rộng lớn, không chỉ của khu vực Châu Âu mà còn trên toàn thế giới.

Cũng như Credit Suisse, doanh thu của ngân hàng này tốt hơn so với cùng kỳ năm trước dù phải đối mặt với dịch bệnh, khi doanh thu đạt 3,591 tỷ USD (+9% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 2,827 tỷ USD (+12% YoY).

UBS là một trong những ngân hàng có lượng tài sản quản lý lớn nhất thế giới
Ảnh: Business Insider

Tới hôm nay, hai ngân hàng với tổng tài sản lên tới 1,9 nghìn tỷ USD – gấp đôi GDP hàng năm của Thuỵ Sĩ, đã lên kế hoạch về một cuộc sáp nhập với tên gọi Signal (Tín hiệu). Đây là ý tưởng của chủ tịch UBS, ông Axel Weber, sau khi đã bàn bạc với người đồng cấp Urs Rohner của Credit Suisse và có được sự ủng hộ từ bộ trưởng tài chính của Thuỵ Sĩ, ông Ueli Maurer.

Ngành ngân hàng trên toàn cầu đang triển khai việc hợp nhất giữa các ngân hàng lớn sau đại dịch, do xu hướng áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào trong ngành cũng như ảnh hưởng bởi lãi suất suy giảm mạnh, thậm chí về mức âm dẫn đến việc cắt giảm chi phí là điều bắt buộc.

Tại Châu Âu, hai ngân hàng Caixia và Bankia của Tây Ban Nha cũng đang dự kiến về một cuộc sáp nhập sẽ tạo ra ngân hàng lớn nhất nước này khi sở hữu tổng tài sản lên tới 650 tỷ euro. Và cuộc sáp nhập giữa hai ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sĩ cũng không nằm ngoài guồng quay này, khi cả Credit Suisse và UBS đã nghiên cứu rất kỹ về việc về chung nhà từ cách đây 2 năm, và đây có thể là thời cơ mà họ chờ đợi.

Ngành ngân hàng Châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng do dịch COVID-19
Ảnh: Wolf Street

Chủ tịch của UBS – ông Weber là người thường xuyên kêu gọi việc hợp nhất giữa những ngân hàng ở Châu Âu nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ ở Mỹ. Trước Credit Suisse, ngân hàng này cũng đã có ý tưởng sáp nhập với Deutsche Bank AG, ngân hàng hàng đầu của Đức, sau khi ngân hàng này không thành công trong việc sáp nhập với một ngân hàng khác là Commerzbank AG. Mặc dù đã có một cuộc đàm phán được diễn ra, nhưng đó cũng là lần cuối cùng người ta được nghe về việc UBS và Deutsche Bank AG sẽ được hợp nhất.

Trước đây, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng là UBS và Credit Suisse cũng gặp nhiều trắc trở. Năm 2008, Ủy ban Ngân hàng Liên bang Thuỵ Sĩ đã cản trở việc sáp nhập UBS với Credit Suisse. Một sự kết hợp của hai người khổng lồ vào thời điểm đó được cho là đi ngược với những nỗ lực của Thuỵ Sĩ nhằm ngăn chặn rủi ro vỡ nợ đối với nền kinh tế Axel Weber vốn phụ thuộc lớn vào ngành ngân hàng. Ngoài ra, những lo ngại về những rào cản trong việc chống độc quyền đã khiến các cuộc đàm phán giữa hai ngân hàng không thể tiến triển.

Với tỷ lệ cho vay và huy động trong nước vượt trội, việc sáp nhập giữa UBS và Credit Suisse đã bị cản trở trong năm 2008
Ảnh: Investing Matters/ Nguồn data: SNB

Việc sáp nhập lần này của Credit Suisse và UBS cũng sẽ phải đối mặt với các rào cản lớn về quy định cũng như những yêu cầu bổ sung về vốn và thanh khoản. Những khoản chi phí này được cho là lớn hơn chi phí tiết kiệm được từ việc sáp nhập giữa hai ngân hàng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Châu Âu đã cởi mở hơn trong việc bật đèn xanh cho các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng.

Việc làm này giống như một cách giúp đỡ các ngân hàng đang gặp khó khăn trong thời gian qua có thể hoạt động hiệu quả, cũng như cắt giảm nhiều loại chi phí khác trong giai đoạn lãi suất đang ở mức rất thấp hoặc thậm chí ở mức âm tại khu vực Châu Âu hiện nay.

Việc lãi suất giảm mạnh xuống mức âm là một trong những tác nhân khiến các cơ quan quản lý Châu Âu nới lỏng hơn trong vụ sáp nhập này
Ảnh: ECB

Sự kết hợp giữa hai ngân hàng có thể dẫn đến cắt giảm từ 10% đến 20% số lượng nhân viên của hai ngân hàng, tương đương với 15.000 người hoặc cao hơn trên toàn thế giới. Cổ phiếu của Credit Suisse tăng 4% trong khi UBS tăng 2,5% vào thứ Hai tuần trước sau tin tức về kế hoạch sáp nhập, được báo cáo lần đầu tiên bởi blog Inside Paradeplatz của Thuỵ Sĩ. Mặc dù vậy, nhìn từ đầu năm tới nay, cổ phiếu Credit Suisse đã giảm 22%, trong khi cổ phiếu UBS giảm 8%.

Như vậy, có thể thấy mặc dù có nhiều sự đồn đoán về việc hai ngân hàng khổng lồ của Thuỵ Sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sáp nhập, song trong bối cảnh làn sóng này ở Châu Âu đang nở rộ vì dịch COVID-19, nhiều khả năng thương vụ này sẽ thành công trong năm 2021. Khi đó, một siêu ngân hàng kết hợp giữa Credit Suisse và UBS với mảng kinh doanh chính là quản lý tài sản sẽ ra đời, làm dấy lên nhiều lo ngại về việc cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ở khu vực Châu Âu và trên toàn thế giới.

Phạm Tiến Đạt
Nguồn CafeF