Thị trường fast-food Việt: Tăng doanh thu hơn 40%, Jollibee trở lại cuộc đua bám đuổi KFC, Lotteria

Thị trường fast-food Việt: Tăng doanh thu hơn 40%, Jollibee trở lại cuộc đua bám đuổi KFC, Lotteria

Trong khi tăng trưởng doanh thu của KFC, Lotteria những năm gần đây giảm về dưới 5%, dấu hiệu dần đi ngang thì chuỗi gà rán từ Philippines duy trì tăng trưởng hai con số. Kết quả này khiến cuộc đua song mã trên thị trường fast-food đang dần trở thành tam mã.

KFC, cụm từ viết tắt của Kentucky Fried Chicken – là một trong các thương hiệu fast-food thuộc Tập đoàn Yum Brands (Mỹ). Lotteria là chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh thuộc tập đoàn Lotte – một trong năm tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Còn Jollibee là chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh ra đời từ năm 1974 tại Philippines.

Tiến công vào thị trường từ giai đoạn đầu sơ khai, ba thương hiệu này cũng là những cái tên trong nhóm đầu về thị phần ngành hàng đồ ăn nhanh (fast-food). Năm 2019, tổng doanh thu ba chuỗi này đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lại có sự chênh lệch lớn, dẫn tới khoảng cách giữa ba thương hiệu này dần bị thu hẹp.

KFC và Lotteria là hai chuỗi đứng đầu với doanh thu lần lượt là 1.498 tỷ và 1.683 tỷ đồng, vị thế được xác lập một phần nhờ vào việc gia nhập thị trường từ sớm.

KFC khai trương nhà hàng đầu tiên tại TP.HCM từ năm 1997 và đến nay, hệ thống này đã phát triển tới hơn 140 nhà hàng, có mặt tại 32 tỉnh, thành phố. Lotteria tham gia thị trường Việt Nam sau KFC một năm, hiện nay cũng là một trong những chuỗi nhà hàng dẫn đầu ngành công nghiệp ăn uống quốc nội với hơn 210 nhà hàng tại hơn 30 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, dù vẫn duy trì tăng trưởng dương nhưng tỷ lệ chỉ còn vài phần trăm. So với 2018, doanh thu KFC chỉ tăng gần 1,3%, thấp hơn mức tăng 7,5% và 18,3% hai năm trước. Tăng trưởng của Lotteria có phần nhỉnh hơn khi doanh thu chuỗi này năm 2019 tăng gần 8%, cải thiện so với mức tăng chỉ 2% của năm 2018 so với 2017, nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng trung bình hai con số trong giai đoạn 2014 – 2016.

So với hai thương hiệu dẫn đầu, Jollibee – một phân nhánh của tập đoàn kinh doanh đồ ăn nhanh lớn bậc nhất tại Philippines – có phần “sinh sau, đẻ muộn” khi chuỗi này phải tới 2005 mới tham gia thị trường Việt Nam.

Giai đoạn 2014 – 2016, doanh thu chuỗi này chỉ loanh quanh 200 – 400 tỷ đồng, chưa tới một nửa so với KFC và Lotteria, với thị phần chỉ ở mức khiêm tốn. Nhưng, ba năm gần đây, chuỗi này bắt đầu vươn lên khi mở rộng quy mô số cửa hàng vượt qua con số 100 và ra mắt nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu người Việt.

Năm 2019, thương hiệu từ Philippines cán mốc doanh thu nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm gần nhất đạt hơn 37%, vượt trội hơn hẳn mức tăng 4% của KFC và 5% của Lotteria.

Tuy nhiên, trong ba cái tên này, chỉ có KFC có lãi. Ba năm gần đây, thương hiệu gà rán từ Mỹ duy trì lợi nhuận trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, đã cải thiện đáng kể nhưng Lotteria vẫn chịu lỗ, tương tự với Jollibee.

So với hai chuỗi trên, KFC có phần khác biệt hơn nếu xét về cơ cấu trên bảng kết quả kinh doanh. Nếu như kết quả kinh doanh của hai chuỗi Lotteria và Jollibee phụ thuộc chính vào chi phí bán hàng thì với KFC, kết quả kinh doanh lại phụ thuộc việc cải thiện biên lợi nhuận gộp.

So với hai đối thủ cạnh tranh, biên lợi nhuận gộp của KFC thấp hơn đáng kể. Giai đoạn 2014 – 2016, tỷ lệ này chỉ đạt quanh ngưỡng 10%, khiến lợi nhuận của chuỗi này lúc lãi, lúc lỗ với con số mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, năm 2017, khi biên lợi nhuận gộp của KFC tăng lên xấp xỉ 20%, lợi nhuận của chuỗi này bất ngờ kéo lên 103 tỷ đồng và duy trì trên ngưỡng 100 tỷ đồng trong những năm gần đây.

Trong khi đó, Lotteria và Jollibee dù duy trì biên lợi gộp trong khoảng 50 – 60%, tương đồng với nhiều chuỗi nhà hàng quy mô lớn, nhưng chi phí bán hàng của hai chuỗi này lại cao đột biến. Kết quả là dù doanh thu tăng liên tục nhưng cũng không đủ bù chi phí hoạt động.

Ngoài ra, FKC còn một điểm khác biệt lớn là cấu trúc sở hữu. KFC là liên doanh giữa tập đoàn Mỹ và đối tác Việt Nam – gia đình Bầu Kiên, trong khi hai chuỗi còn lại là công ty con của hai tập đoàn mẹ nước ngoài. Áp lực về lợi nhuận, vì thế, cũng là khác nhau.

Tuyết Lan
Nguồn CafeF