Vì sao startup trong lĩnh vực dịch vụ tài chính Wee Digital gọi được vốn triệu USD?

Vì sao startup trong lĩnh vực dịch vụ tài chính Wee Digital gọi được vốn triệu USD?

Lần đầu tiên, InterVest, quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Hàn Quốc, đã có mặt ở Việt Nam thông qua khoản đầu tư vào Wee Digital.

Theo thông tin công bố, Wee Digital, một startup dịch vụ tài chính, vừa gọi vốn thành công từ InterVest (IV) và VinaCapital Ventures (V2). Thương vụ diễn ra nhanh chóng chỉ sau lần gặp gỡ vào tháng 4/2020. Giá trị của thương vụ được Wee Digital tiết lộ ở mức 7 con số, tức hàng triệu USD.

Ông Junseok Kang, Giám đốc InterVest, tin rằng với tiềm năng thị trường cũng như nền tảng công nghệ, Wee Digital có khả năng tạo đột phá. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của InterVest tại Việt Nam và Quỹ đang dẫn đầu khoản đầu tư ở startup này. Trước đó, VinaCapital Ventures đã đầu tư vào Wee Digital.

Sau khi nhận được vốn từ VinaCapital Ventures, Wee Digital tăng trưởng theo cấp số nhân và trở thành một trong số ít công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á huy động vốn tiếp theo thành công trong thời COVID-19. Ông Don Lam, đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành VinaCapital, đánh giá: “Wee Digital sở hữu những đặc điểm mà các nhà đầu tư tìm kiếm: người sáng lập đầy tham vọng và giàu kinh nghiệm, năng lực thực thi mạnh mẽ, sản phẩm đột phá và một thị trường rộng lớn chưa được khai thác”.

Ảnh: TL

Wee Digital là startup được thành lập cách đây không lâu (năm 2018), nhưng lại khá đình đám nhờ danh tiếng của người sáng lập Christian Nguyễn. Ông là Việt kiều Pháp, từng theo học ngành công nghệ ở Pháp. Ra trường, ông Christian có thời gian làm cho công ty viễn thông Pháp trước khi sang Trung Quốc nghiên cứu thị trường.

Đến năm 2005, ông về Việt Nam lập Sycamore. Trước khi lập Wee Digital, ông Christian đã triển khai một số dự án như dự án Element 5 (một sàn Forex lớn ở Indonesia), đồng sáng lập nền tảng OffPeak (đặt bàn ăn vào giờ thấp điểm, hoạt động ở Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam). OffPeak từng được nhận các khoản đầu tư của Gobi Partners, Yahoo Japan Ventures... Năm 2017, ông thoái vốn khỏi OffPeak.

Điểm đáng chú ý ở Wee Digital còn là lĩnh vực hoạt động khá độc đáo, chưa nhiều người tham gia. Bằng thuật toán và áp dụng sinh trắc học, các công ty có thể triển khai nhận diện khuôn mặt. Giải pháp này hứa hẹn mở ra cánh cửa mới cho chuyển đổi số ở nhiều ngành nghề, nhất là ngành ngân hàng. Bởi vì, giải pháp có khả năng giúp ngân hàng giải quyết vấn đề gian lận trong xác thực định danh điện tử, giả mạo người dùng trục lợi.

Mô hình của Wee Digital từng vượt qua 141 mô hình của các công ty công nghệ tài chính, đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ để giành ngôi quán quân trong cuộc thi Fintech Challenge (2018).

Lĩnh vực công nghệ nhận diện khuôn mặt đang rất được chú ý. Apple có FaceID, Facebook có DeepFace, Amazon có Rekognition. Theo dự báo của Infiniti Research Limited, thị trường công nghệ nhận diện khuôn mặt toàn cầu sẽ tăng 18,1 tỉ USD trong giai đoạn 2020-2024. Trong khi đó, theo Global Industry Analysts, thị trường nhận diện khuôn mặt và giọng nói dự kiến đạt 22,7 tỉ USD vào năm 2027 từ mức ước tính 7,2 tỉ USD vào năm 2020.

Thực tế, không riêng tài chính – ngân hàng mà các ngành như bán lẻ, giám sát, bảo mật và giải quyết khiếu nại... đều cần ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, nhà hàng – khách sạn cũng ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vào quản lý khách hàng, giúp khách hàng có những trải nghiệm ấn tượng. Ở tầm quốc gia, Chính phủ cũng muốn giải bài toán xác thực công dân. Đây có lẽ là lý do để Infiniti Research Limited ước tính tốc độ tăng trưởng hằng năm kép CAGR là khoảng 10%.

Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt còn khá mới mẻ. Nhưng Wee Digital không phải là người chơi duy nhất tại đây. Công nghệ nhận diện khuôn mặt của FPT được tích hợp vào quy trình định danh khách hàng điện tử eKYC. VNG mới đây cũng đã tung ra thị trường giải pháp xác thực định danh điện tử TrueID... Các ngân hàng như TPBank, ABBank... cũng khai thác công nghệ sinh trắc học để phát triển các dịch vụ tương tự như Wee@ABBank, TPBank LiveBank nhằm đảm bảo an toàn thông tin tài khoản cho khách hàng.

“Trong ngành ngân hàng, định danh và xác thực khách hàng là quy định bắt buộc. Chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức vì tình trạng giả mạo danh tính để thực hiện giao dịch trên các kênh điện tử rất nhiều”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, chia sẻ.

Cá nhân ông Christian Nguyễn từng gặp gỡ ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, để trình bày về các giải pháp của Wee Digital. Khi đó, toàn bộ hệ thống Vinpearl đang áp dụng hệ thống thẻ tích hợp dữ liệu. Chỉ với một thẻ, khách hàng có thể sử dụng mọi dịch vụ của Vinpearl. “Cá nhân hoá trải nghiệm của người dùng hiện là câu thần chú của nhiều ngành. Wee Digital cũng đang tập trung vào đó”, ông Christian Nguyễn cho biết.

Sắp tới, với trợ lực từ InterVest, khả năng hoàn thành các mục tiêu của Wee Digital càng khả thi hơn. Wee Digital không chỉ dựa vào nguồn lực tài chính mà còn có thể nhờ vào hệ sinh thái đầu tư của InterVest, khi quỹ này đang tham gia vào nhiều ngành nóng như công nghệ sinh học, chăm sóc sức khoẻ, vật liệu bán dẫn, năng lượng, máy móc, công nghệ nano, thiết bị và dịch vụ viễn thông, phần mềm và ứng dụng nội dung số ở Hàn Quốc...

Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư