Công nghệ “lái xe rảnh tay” vào cuộc đua nước rút, vẫn đang thiếu các tiêu chuẩn an toàn

Công nghệ “lái xe rảnh tay” vào cuộc đua nước rút, vẫn đang thiếu các tiêu chuẩn an toàn

Nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng hiện nay đã sẵn sàng chi thêm tiền để sở hữu các công nghệ tiên tiến hướng đến sự thuận tiện.

Autopilot, ProPilot, CoPilot, có nhiều cách gọi khác nhau cho hệ thống lái tự động giúp tài xế “rảnh tay”, nhưng hiện chưa có bất kỳ tiêu chuẩn nào về an toàn và hiệu suất để tuân thủ, khi các nhà sản xuất ô tô đang ráo riết chạy đua tung ra công nghệ rất được kỳ vọng này.

Thành công của Tesla, cộng thêm mong muốn bắt đầu thu lời từ hàng tỷ USD đầu tư vào khâu nghiên cứu và phát triển công nghệ tự lái, nhiều hãng xe hơi đang đẩy nhanh kế hoạch tự động hoá các thao tác thông thường như lái xe trên đường cao tốc và cố gắng phổ biến rộng rãi trong 5 năm tới, Reuters đưa tin.

Trước đây, các nhà sản xuất ô tô truyền thống vẫn phản đối việc cho phép tài xế rời tay khỏi vô-lăng trong một quãng thời gian dài, chủ yếu do lo ngại về các vụ kiện cáo trách nhiệm sản phẩm.

Giờ đây, các hệ thống lái xe rảnh tay (hands free) hứa hẹn mang đến nguồn lợi nhuận mới, rõ ràng là cần thiết, thì mọi thứ có thể được xem xét lại. Công nghệ này không đi kèm theo xe mà sẽ được bán rời cùng các tùy chọn bổ sung khác.

Ảnh: Internet

“Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền – đôi khi là rất nhiều tiền – cho công nghệ tiên tiến và các tính năng hướng đến sự thuận tiện thay vì tập trung vào sự an toàn”, Jeremy Carlson, nhà phân tích của công ty cung cấp thông tin toàn cầu HIS cho biết.

Để giải quyết những quan ngại về trách nhiệm pháp lý, một số hãng xe hơi đã và đang lắp camera trong khoang lái, kết hợp hệ thống cảnh báo để đảm bảo các tài xế dù rời tay khỏi vô-lăng vẫn chú ý vào tình huống trên đường và sẵn sàng nắm quyền kiểm soát khi cần thiết.

Dư luận cho rằng công nghệ xe tự lái trên đường cao tốc, đỗ xe và điều hướng đang được triển khai trong một môi trường thiếu các tiêu chuẩn toàn ngành và thuật ngữ chung. Điều này dễ tạo ra sự nhầm lẫn về những gì hệ thống có thể thực hiện một cách an toàn.

“Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền – đôi khi là rất nhiều tiền – cho công nghệ tiên tiến và các tính năng hướng đến sự thuận tiện thay vì tập trung vào sự an toàn”

Trả lời Reuters, Cơ quan Quản lý An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) cho biết, họ vẫn đang tiến hành nghiên cứu và thu thập dữ liệu về các công nghệ lái xe rảnh tay, theo báo cáo là “chưa đủ tin cậy để yêu cầu các tiêu chuẩn chính thức của liên bang”.

Autopilot của Tesla, một trong những hệ thống lái xe bán tự động đầu tiên đã bị NHTSA chỉ trích vì cho phép lái xe chuyển sự chú ý của họ khỏi con đường, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. NHTSA đã điều tra 15 vụ tai nạn liên quan đến xe Tesla được trang bị Autopilot kể từ năm 2016.

Lúc đầu, Autopilot được quảng cáo là “lái xe rảnh tay”, nhưng Tesla đã nhanh chóng thay đổi và hiện tại khẳng định các tài xế vẫn phải đặt tay trên vô-lăng khi Autopilot được triển khai.

Hôm 14/7, một toà án ở Đức đã cấm Tesla lặp lại các tuyên bố sai lệch trong quảng cáo về hệ thống hỗ trợ lái xe của hãng, bao gồm các phương tiện có khả năng tự lái.

Tesla hiện vẫn yêu cầu người lái đặt tay lên vô-lăng khi hệ thống lái tự động được kích hoạt.
Ảnh: Electrek

Trong trường hợp không có quy định hoặc tiêu chuẩn cụ thể, một nhóm nhà tư vấn đang cố gắng thuyết phục các hãng xe hơi đồng ý về thuật ngữ và định nghĩa chung – sáng kiến này đã được Bộ Giao thông vận tải Mỹ và Hiệp hội Kỹ sư ô tô Mỹ tán thành.

Tuy nhiên, nhóm này cũng đang tranh cãi về những cách gọi khác nhau. Không ai muốn dùng từ “rảnh tay” nữa nhưng chưa thể ngã ngũ xem nên gọi là “hỗ trợ lái xe chủ động” hay “lái xe thả tay (khỏi vô-lăng) mở rộng”.

Thống kê từ J.D. Power cho biết, số lượng người dùng thích mua xe có các hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến ở Mỹ đang tăng nhanh, bao gồm các tính năng giữ làn đường tự động (chiếm 70% số xe mới xuất xưởng) và kiểm soát hành trình thích ứng (77%), hai thành phần chính của hầu hết các hệ thống lái xe rảnh tay.

Theo các hãng xe hơi, việc triển khai rộng rãi công nghệ lái xe tự động sẽ dẫn đến giảm thiểu các vụ va chạm và giảm tỷ lệ bảo hiểm cho người dùng. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm nói họ vẫn cần thêm dữ liệu để cho thấy công nghệ này thực sự giúp giảm các chi phí đền bù tai nạn.

Hoài Điệp
Nguồn BizLive