GoViet trở thành Gojek Việt Nam: Được hay Mất?

GoViet trở thành Gojek Việt Nam: Được hay Mất?

Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam lại có biến động lớn khi GoViet tuyên bố sắp đổi thương hiệu thành Gojek Việt Nam.

Giới công nghệ lẫn kinh doanh trong nước xôn xao với nhiều bàn luận xung quanh câu chuyện đổi thương hiệu này. Liệu có phải đó là một sự thay đổi hướng đi đúng đắn của startup GoViet? Người dùng, tài xế, các đối tác bị ảnh hưởng như thế nào? “Màu cờ sắc áo Việt Nam” đã bị thay thế bởi màu xanh giống đối thủ?... Những thắc mắc này đã được giải đáp bởi ông Phùng Tuấn Đức, nguyên Giám đốc Vận hành GoViet từ những ngày đầu và vừa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam.

* Chuyện đang được rất nhiều người quan tâm: tại sao lại đổi tên GoViet thành Gojek Việt Nam, thưa ông?

Sau gần hai năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, GoViet đã đạt được tăng trưởng cấp số nhân, tạo được một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ gồm người dùng và các đối tác đồng thời tạo ra những tác động xã hội tích cực cho các đối tác tại Việt Nam. Năm đầu tiên, công ty đạt mốc 100 triệu đơn hàng – con số này nhanh chóng tăng gấp đôi thành 200 triệu chỉ sau đó sáu tháng. Hiện tại, chúng tôi đang kết nối hàng triệu người dùng với 150 nghìn đối tác tài xế và 80 nghìn nhà hàng. Tỷ lệ hài lòng của người dùng liên tục ở mức cao (98%). Để có thể tiếp tục tạo ra tác động tích cực lâu dài, chúng tôi cần đổi mới chiến lược để có thể tăng tốc, và thực hiện một bước tiến mới vững vàng nhằm hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp phát triển bền vững. Vốn dĩ, GoViet đã và đang nhận được sự hợp tác về công nghệ và nguồn lực từ Gojek. Chúng tôi quyết định sẽ tận dụng lợi thế này, mối quan hệ với Gojek cũng như sức mạnh về thương hiệu của Gojek tại khu vực Đông Nam Á để đưa GoViet phát triển xa hơn.

Gojek sẽ đưa GoViet phát triển xa hơn
Ảnh: Gojek

Gojek là một cái tên rất quen thuộc trong khu vực, đã từng gây tiếng vang lớn khi trở thành một trong những siêu kỳ lân đầu tiên ở Đông Nam Á được định giá hơn 10 tỷ USD và nhận được sự rót vốn từ các tên tuổi đình đám như Facebook, Paypal, Google, Tencent, Visa, Mitsubishi, v.v... Gojek hiện đang phủ sóng tại hơn 200 thành phố, 5 quốc gia, kết nối hơn 2 triệu tài xế và 500 nghìn nhà hàng. Ứng dụng của Gojek là một siêu ứng dụng (super app), với hơn 20 sản phẩm, dịch vụ, chủ yếu dựa trên nền tảng xe mô tô 2 bánh. Gojek cũng là tập đoàn duy nhất trong khu vực đã hai lần lọt vào danh sách “Các công ty làm thay đổi thế giới” do tạp chí Fortune bình chọn, sánh vai cùng các thương hiệu lớn như Microsoft, Apple, Unilever, v.v...

* Những thay đổi nào sẽ xảy ra khi GoViet thành Gojek Việt Nam, ngoài bộ đồng phục nhận diện của các tài xế?

Trước hết, app GoViet sẽ được thay thế bằng app Gojek, và là một phiên bản app hoàn toàn mới dựa trên nền tảng công nghệ toàn cầu. Ứng dụng mới sẽ ngay lập tức mang đến những trải nghiệm cải tiến cho khách hàng với giao diện đơn giản, gọn gàng và nhiều tính năng nâng cấp. Ứng dụng mới sẽ cho phép chúng tôi đổi mới và đưa vào các tính năng và sản phẩm mới nhanh hơn và mở rộng để phục vụ nhiều người dùng hơn. Khách hàng cũng sẽ có thể truy cập ứng dụng Gojek ở tất cả các quốc gia có sự hiện diện của Gojek, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Chúng tôi cũng sẽ có logo mới, bộ nhận diện thương hiệu mới. Các đối tác tài xế sẽ có trang phục mới, có phiên bản app riêng mới dành cho tài xế, nhà hàng sẽ có các chương trình hỗ trợ mới giúp họ tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.

Ảnh: Gojek

Dẫn dắt chiến lược phát triển và định hình việc phát triển sản phẩm của Gojek Vietnam vẫn sẽ là đội ngũ lãnh đạo người Việt – chính đội ngũ đã xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng đã biết đến và yêu mến ở thị trường Việt Nam dưới tên gọi GoViet. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy sứ mệnh của Tập đoàn Gojek là “gỡ bỏ những trở ngại trong cuộc sống hàng ngày”, thông qua việc kết nối khách hàng với những nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt nhất.

* Màu xanh của logo Gojek có vẻ đã từng có đối thủ cạnh tranh sử dụng tại thị trường Việt Nam? Có tin đồn rằng Gojek sẽ sáp nhập với Grab – liệu đây có phải là một sự chuẩn bị cho sự sáp nhập trên?

Gojek ra đời năm 2010 tại Indonesia, và được coi là một đơn vị tiên phong của mô hình Super App của khu vực Đông Nam Á. Gojek xuất phát từ từ ‘Ojek’, trong tiếng Bahasa Indonesia có nghĩa là “xe ôm”, vì công ty hướng tới việc phát triển cách dịch vụ giá trị gia tăng xoay quanh xe mô tô 2 bánh. Màu xanh lá cây đã được sử dụng trong logo và trang phục của đối tác Gojek từ những ngày đầu thành lập. Là một doanh nghiệp, một thương hiệu, Gojek luôn có con đường đi riêng. Điều làm cho chúng tôi khác biệt, đó là những đổi mới về mặt công nghệ, định hướng tạo ra tác động xã hội cho hệ sinh thái của chúng tôi – thay vì phải tăng trưởng bằng mọi giá, và đội ngũ nhân viên của Gojek.

Về tin đồn nói trên, đại diện tập đoàn Gojek hồi tháng 2 đã chính thức trả lời là chúng tôi “chưa có bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến việc sáp nhập”. Tháng 3 vừa qua, Gojek đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn 1,2 tỷ USD để mở rộng hoạt động. Việt Nam vẫn tiếp tục là một thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng quốc tế của Tập đoàn Gojek. Sự thay đổi này khẳng định cam kết mạnh mẽ của Gojek về đầu tư dài hạn vào Việt Nam, nhằm tạo ra và nhân rộng tác động tích cực về mặt kinh tế – xã hội cho hệ sinh thái bao gồm các khách hàng, đối tác tài xế, đối tác nhà hàng và doanh nghiệp, nhỏ và siêu nhỏ, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ.

Ánh Dương
Nguồn CafeF