Samsung vượt dự báo lợi nhuận, tăng trưởng 23% trong quý II

Samsung vượt dự báo lợi nhuận, tăng trưởng 23% trong quý II

Quý II/2020, lợi nhuận của Samsung tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa dự báo của các nhà phân tích.

CNBC đưa tin, cổ phiếu Samsung đã có diễn biến tích cực vào thứ Ba sau khi gã khổng lồ về công nghệ công bố kết quả kinh doanh quý II kết thúc vào tháng 6.

Theo đó, lợi nhuận hoạt động của Samsung có khả năng tăng gần 23% lên mức 8.100 tỉ won, tương đương khoảng 6,8 tỉ USD, vượt qua dự báo ở mức 6.400 tỉ won mà các nhà phân tích của Refinitiv SmartEstimate đã dự báo trước đó. Doanh số hợp nhất có khả năng giảm hơn 7% so với cùng kỳ xuống còn 52.000 tỉ won, Samsung cho biết. Báo cáo kết quả thu nhập đầy đủ của Samsung sẽ được công bố vào cuối tháng này.

Ông Sanjeev Rana, nhà phân tích cao cấp tại CLSA cho biết kết quả kinh doanh quý II của Samsung rất tích cực, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng trong kinh doanh điện thoại thông minh và điện tử tiêu dùng cũng như tăng trưởng dự kiến ​​trong đơn vị bộ nhớ.

Các mô-đun bộ nhớ 4 tốc độ dữ liệu kép (DDR) 8GB của Samsung Electronics
Ảnh: CNBC

Các thành phần bộ nhớ được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu và trong điện thoại thông minh là hoạt động kinh doanh đóng góp chính trong tổng lợi nhuận của Samsung.

Ông Rana dự báo, khả năng quý III sẽ là một quý tăng trưởng mạnh mẽ của Samsung nhờ vào thu nhập liên quan đến bộ nhớ và đơn hàng điện thoại thông minh trong nửa cuối năm 2020. Đơn vị hiển thị của Samsung cũng có thể được hưởng lợi từ việc cung cấp các bộ phận cho Apple iPhone 12.

Tuy nhiên, ông Rana cảnh báo về sự yếu kém ngắn hạn trong thị trường bộ nhớ.

“Trong nửa cuối năm 2020, chúng tôi mong đợi một sự điều chỉnh nhẹ về giá bán trung bình của chip bộ nhớ”, ông Rana nói. Ông giải thích sự điều chỉnh sẽ là tạm thời, kéo dài tối đa 2 quý. Cũng có thể có một số điểm yếu về phía cầu trong thời gian tới, nhưng ông Rana cho biết ông kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi vào năm 2021.

Trước đó, các nhà phân tích đã dự báo nhu cầu về chip bộ nhớ sẽ được thúc đẩy bởi COVID-19 khi hàng triệu người phải làm việc tại nhà, và nhu cầu mua hàng trực tuyến gia tăng.

Nhật Lệ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư