The CrownX: Chặng đường mới của Masan sau khi “ôm” Vinmart và Vinmart+

The CrownX: Chặng đường mới của Masan sau khi “ôm” Vinmart và Vinmart+

Bán lẻ không có biên giới, Vincommerce sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà trở thành top 50 thương hiệu toàn cầu. Masan cũng lên chiến lược xây dựng thương hiệu riêng – hàng độc quyền trong liên kết với nhà cung cấp, mục tiêu chiếm đến 40% doanh số của hệ thống.

Phát biểu mở đầu ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Tập đoàn Masan (MSN), Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là dẫn đầu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%”.

Năm 2020, Masan đặt kế hoạch doanh thu từ 75.000-85.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông dự kiến giảm mạnh 46% về chỉ còn 1.000-3.000 tỷ đồng. Trong đó, một phần lợi nhuận tạo ra sẽ bù đắp do hợp nhất kết quả kinh doanh chuỗi VinMart, VinMart+.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan – Nguyễn Đăng Quang
Ảnh: Baodautu

Quý I/2020, Tập đoàn báo lỗ ròng 216 tỷ trong khi cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lãi 1.000 tỷ đồng. Được biết, đây là lần đầu Masan thua lỗ sau 6 năm, nguyên nhân chủ yếu do tác động hợp nhất kinh doanh với VCM (đơn vị điều hành hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+), trong đó VCM lỗ 897 tỷ, phân bổ lợi thế kinh doanh 89 tỷ và phân bổ giá trị hợp lý 54 tỷ đồng từ hợp nhất kinh doanh.

Nói về Vinmart và Vinmart+, Tân Tổng Giám đốc Danny Le đặt vấn đề: “Mọi người đang nhìn thấy gì tại hai chuỗi này – Đó là một cửa hàng tạp hoá hiện đại bán thực phẩm, nhu yếu phẩm… Nhưng, Masan thấy gì?”.

Theo ông Danny Le, Masan luôn nhìn thấy mục tiêu cuối cùng ngay từ những ngày đầu tiên, cụ thể là “Point of life”. Trong đó, Masan chia hệ thống Vinmart, Vinamart+ thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên như tất cả mọi người cùng nhìn thấy: Đó là kinh doanh ăn uống, nhu yếu phẩm, tức đây là ưu tiên trước mắt của Masan tại hệ thống bán lẻ này.

Bước sang giai đoạn thứ hai, Masan hướng đến khai thác đời sống tài chính, bao gồm: mở tài khoản ngân hàng, vay, chuyển tiền, đăng ký tín dụng, mua bảo hiểm, thanh toán hoá đơn, đầu tư, giao dịch.

Tân Tổng Giám đốc Masan – Danny Le
Ảnh: VnExpress

Kế hoạch dài hơi hơn cũng là đích đến cuối cùng của “Point of life” – Sinh hoạt kết nối và giải trí. Hệ sinh thái lúc này bao quát từ chia sẻ tương tác, trò chuyện, xem phim, nghe nhạc, đọc tin, chơi game, nhắn tin nghe gọi, học tập, sức khoẻ, mua vé máy bay…

Trở lại với ưu tiên trước mắt, theo Masan, thị trường bán lẻ nhu yếu phẩm đang chiếm đến 50% tổng ngành bán lẻ Việt Nam (tính đến cuối năm 2018), số lần người tiêu dùng đi chợ/ cửa hàng tạp hoá đạt 3-4 lần/tuần, hơn 50% người tiêu dùng mua nhu yếu phẩm 1 lần/ngày… Với sự hợp nhất Vinmart, Vinmart+, Masan sẽ có hệ thống 3.000 cửa hàng trong năm 2020 nhằm phục vụ 9 triệu người dùng.

Năm 2025, cơ sở hạ tầng hợp nhất dự kiến tăng gấp 3 lần điểm bán lẻ 10.000 cửa hàng, phục vụ cho 15-20 triệu người dùng. Cũng trong giai đoạn này, Masan sẽ khai thác hình thức nhượng quyền với khoảng 20.000 cửa hàng, tính tổng Tập đoàn sẽ có 30.000 điểm bán phục vụ 30-50 triệu người dùng.

“Bán lẻ không có biên giới, Vincommerce sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà trở thành top 50 thương hiệu toàn cầu”

Để xây dựng nền tảng bán lẻ tích hợp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, Masan đã thành lập Công ty The CrownX – sở hữu cổ phần của Masan Consumer và VCM. Trong đó, ông Trương Công Thắng – Chủ tịch Masan Consumer (MCH) – cho biết: “Bán lẻ không có biên giới, Vincommerce sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà trở thành top 50 thương hiệu toàn cầu”. Masan cũng lên chiến lược xây dựng thương hiệu riêng – hàng độc quyền trong liên kết với nhà cung cấp, mục tiêu chiếm đến 40% doanh số của hệ thống.

Riêng năm 2020, Masan dự kiến VCM sẽ đạt doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng năm nay, tăng 64% so với năm 2019. Trong đó, tăng trưởng doanh thu đến từ 24-25% các cửa hàng VinMart và VinMart+ hiện hữu, còn lại là đóng góp từ các cửa hàng được mở trong năm 2020. Masan đặt kỳ vọng EBITDA của hệ thống Vinmart và Vinmart+ đến cuối năm 2020 sẽ giảm về -3%, thậm chí chính thức hoà vốn.

Thay vì chiến lược mở rộng liên tục để chiếm địa bàn như chủ cũ Vingroup, Masan sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng theo cách chọn lọc và tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu. Công ty cũng đối sánh các điều khoản thương mại với nhà cung cấp nhằm đạt mức ngang bằng thị trường, tập trung vào việc giảm chi phí phí hoạt động tại cửa hàng song song đổi mới danh mục sản phẩm hệ thống Vinmart và Vinmart+ thông qua phát triển danh mục hàng hoá chủ chốt, đảm bảo các sản phẩm trong danh mục này có mặt tại tất cả các cửa hàng.

“Masan sẽ cố gắng tích hợp sức mạnh của VCM trong tương lai”, đại diện Tập đoàn nhấn mạnh.

Tri Túc
Nguồn CafeF