Thêm Digiworld, Apple tính lớn ở Việt Nam

Thêm Digiworld,  Apple tính lớn ở Việt Nam

Apple thêm kênh phân phối cùng chuỗi cung ứng thô để mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld, mã DGW) vừa công bố thoả thuận hợp tác chiến lược với Apple, chính thức trở thành đơn vị phân phối tất cả sản phẩm Apple tại Việt Nam. Sự kiện này gây chú ý trong bối cảnh có thông tin cho rằng nhiều sản phẩm của Apple có thể được mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Cùng cắt miếng bánh 1 tỉ USD của Apple

Digiworld không phải là nhà phân phối độc quyền hay đầu tiên của Apple. Trước khi Apple ký kết hợp tác với Digiworld, 60% thị phần sản phẩm Apple ở Việt Nam đã được bán trên thị trường chính hãng, do Thế Giới Di Động, FPT Retail phân phối. Hai đối tác này ước chiếm tới 80% doanh thu của Apple tại Việt Nam. Vì thế, nếu thị trường có thêm gương mặt mới nào chen chân vào phân phối sản phẩm cho Apple, cả FPT Retail và Thế Giới Di Động đều ít bị ảnh hưởng.

Theo thông tin không chính thức, doanh số của Apple tại Việt Nam đã đạt khoảng 1 tỉ USD. Dù vậy, Apple chưa mãn nguyện với kết quả này. Bởi vì Việt Nam là một trong những thị trường smartphone lớn nhất Đông Nam Á. Theo báo cáo của GfK, Việt Nam đứng thứ 2 về số lượng sản phẩm smartphone bán ra, vượt cả Thái Lan và Malaysia, chỉ đứng sau Indonesia.

Việt Nam được xem là một trong những “mỏ vàng” đối với Apple.
Ảnh: Quý Hoà

Cũng theo báo cáo GfK, từ tháng 1-4/2020, thị phần Apple tuy đứng thứ 3 tại Việt Nam nhưng lại giữ ngôi á quân khi xét đến doanh số đóng góp cho thị trường. Việt Nam có thể nói là một trong những “mỏ vàng” đối với Apple. Đó có lẽ là lý do, trong quá khứ, Apple từng đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia có thể xem xét đặt nhà máy trị giá khoảng 1 tỉ USD. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Apple cuối cùng lại chọn Ấn Độ.

Không chọn Việt Nam làm điểm đặt nhà máy nhưng mới đây, theo Nikkei, từ quý II/2020, thông qua GoerTek, Apple có kế hoạch sản xuất 3-4 triệu máy hoặc 30% số AirPods tại Việt Nam. Nhiều đối tác lớn của Apple như Foxconn, Pegatron, Compal Electronics cũng dự tính mở rộng sản xuất tại Việt Nam ngay cả khi họ chưa tham gia chế tạo sản phẩm Apple.

Rõ ràng, Apple đang dần hình thành chuỗi cung ứng thô hoàn chỉnh tại Việt Nam. Cùng đó, Apple vẫn luôn tìm kiếm đối tác tham gia phân phối sản phẩm tại Việt Nam, vì tiềm năng thị trường và vì Apple không muốn phụ thuộc vào 2-3 đối tác. Hai năm trước, Apple đã từng bắt tay với Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPPG) để bán sản phẩm iPhone, iPad, MacBook, Apple Watch của Apple vào Việt Nam, thông qua chuỗi cửa hàng eDiGi. Mới đây, Apple đã hợp tác thêm với Petrosetco trong vai trò nhà phân phối sản phẩm cho Apple ở Việt Nam. Petrosetco cũng là một gương mặt có tiếng trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ khi có trên 10 năm nhập khẩu, phân phối, kinh doanh lĩnh vực này.

Cuộc đua “hàng chính hãng”

Về phần Digiworld tạo khác biệt ở chuỗi giá trị gia tăng toàn diện, linh hoạt (với 5 dịch vụ gồm phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cầu và dịch vụ hậu mãi). Ngoài ra, nhờ tối ưu hoá chi phí vận hành, Digiworld tự tin cung cấp các sản phẩm chính hãng của Apple với mức giá hợp lý, chế độ bảo hành chính hãng, chăm sóc khách hàng chu đáo. “Digiworld đang làm việc chặt chẽ với Apple để có thể mở bán các sản phẩm chính hãng Apple tại Việt Nam vào cuối tháng 6 này”, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Digiworld, cho biết.

Nguyễn Bạch Điệp, CEO FPT Retail, từng đánh giá: “Những mô hình như eDiGi, nếu có thể tấn công vào 40% thị phần hàng xách tay của Apple thì chắc chắn sẽ thành công”. Đây cũng là mục tiêu mà Digiworld nhắm tới. Dự kiến đến cuối năm nay, Digiworld sẽ phân phối khoảng 50.000 sản phẩm của Apple.

Thực tế, các doanh nghiệp phân phối sản phẩm ICT sẽ có cơ hội lớn khi tham gia phân phối cho Apple và giành lấy thị phần Apple từ hàng xách tay. Cuộc chiến này được người trong ngành đánh giá không quá khốc liệt vì những cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam như eDiGi, iService, FPT Service, Thakral One, Futureworld, NMS macsaigon không nhiều, chỉ khoảng 20. Trong khi con số này ở Singapore gần 600 cửa hàng, Thái Lan gần 500 cửa hàng.

Việc ít cơ hội lựa chọn đã tạo nên những rào cản cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm Apple ở Việt Nam. Nhưng đây lại là thời cơ cho các nhà phân phối. Xa hơn, người Việt mong chờ Apple Store xuất hiện. Những tín đồ của Apple đang rất hồ hởi khi đọc thấy thông tin tuyển dụng của Apple Việt Nam (hoạt động từ tháng 2/2016). Trong số đó, có những vị trí gồm cả quản lý chuỗi cung ứng. Nhiều người tin rằng, trong tương lai gần, Apple Store sẽ chính thức có mặt tại các thành phố lớn ở Việt Nam.

Apple Store là nơi trải nghiệm các sản phẩm Apple, là quân bài quan trọng của Hãng nhằm lôi kéo sự quan tâm của khách hàng trên thế giới. Qua Apple Store, khách hàng còn có thể mua được sản phẩm với giá rẻ hơn nhờ tiết giảm chi phí. Apple Store cũng giúp Hãng tăng lợi thế cạnh tranh trước Samsung, LG, Oppo, Xiaomi... Đối với nhà phân phối, Apple Store hứa hẹn tạo thuận lợi vì sản phẩm Apple sẽ được nhập thẳng từ nhà máy về Việt Nam, không phải qua kho chứa ở quốc gia khác (như Singapore).

Tuy nhiên, để trở thành nhà phân phối ủy quyền của Apple, các công ty phải thoả mãn nhiều tiêu chí khắt khe. Bù lại, một khi được Apple để mắt, bên cạnh yếu tố kinh doanh, mở rộng thị trường, doanh nghiệp có thể thúc đẩy thương hiệu.

Ngọc Thuỷ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư