Phép thử lớn của xe Việt khi đặt mục tiêu tiến vào thị trường Mỹ

Phép thử lớn của xe Việt khi đặt mục tiêu tiến vào thị trường Mỹ

Thị trường Mỹ là phép thử lớn cho các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam để trở thành “Detroit châu Á”.

Tận dụng cơ hội sau dịch bệnh

Tận dụng cơ hội đại dịch kết thúc sớm trong nước, các hãng ô tô đã triển khai ngay chiến lược phát triển mới, trong đó kênh xuất khẩu, đầu tư công nghệ cao và năng lượng sạch là các mục tiêu trung tâm để gia tăng vị thế cạnh tranh trong các năm tới. Đơn cử như Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) công bố kế hoạch thay đổi toàn diện với mục tiêu từ một hãng lắp rắp ô tô trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành.

Theo đó, tập đoàn này quy hoạch ô tô và cơ khí là ngành chủ lực, đưa nông lâm nghiệp và đầu tư – xây dựng trở thành các ngành chính, đi kèm mảng bổ trợ khác là logistics, thương mại.

Nhà máy sản xuất ô tô Mazda của THACO tại Chu Lai
Ảnh: THACO

Đặc biệt, THACO sẽ tách ra thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO Group). Pháp nhân mới này sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu cho cổ đông của THACO. Danh sách cổ đông, tỉ lệ cổ phần giữ lại THACO và chuyển sang THACO Group do Hội đồng Quản trị THACO uỷ quyền xác định.

Giá trị tài sản chuyển từ THACO sang THACO Group sẽ được tính bằng giá trị tài sản là phần vốn góp của THACO trong Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, Công ty Cổ phần Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp THADI, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần Hùng Vương và các công ty khác không thuộc lĩnh vực ô tô và cơ khí. Như vậy, có thể hiểu THACO Group sẽ chịu trách nhiệm quản trị các lĩnh vực mới nằm ngoài mảng ô tô.

Dự kiến, Công ty còn dùng toàn bộ thặng dư vốn cổ phần và phần lớn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức và cổ phiếu mới cho cổ đông. Vốn điều lệ sau nghiệp vụ này sẽ tăng gần gấp đôi, từ 16.950 tỉ đồng lên hơn 30.510 tỉ đồng.

Một thương hiệu nội địa khác là VinFast lên kế hoạch thâm nhập thị trường Mỹ bằng chiếc ô tô điện đầu tiên của mình. Chiếc SUV này dự kiến sẽ trình làng tại cuộc triển lãm Los Angeles Auto Show cuối năm nay và bắt đầu thử nghiệm vào đầu năm sau. Dòng pin dùng cho mẫu xe sẽ do liên doanh LG Chem và VinFast sản xuất tại Hải Phòng.

Bước đệm lớn đi ra thế giới

Theo các chuyên gia, sẽ phải mất 3 năm để VinFast hoàn thành các giấy chứng nhận chất lượng của Mỹ nhưng việc thâm nhập vào thị trường khó tính nhất thế giới này có thể giúp thương hiệu VinFast cải thiện đáng kể và là bước đệm để tấn công vào các thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc. “Điều này cũng như một phép thử, nếu chúng ta làm được thị trường khó nhất thì vào những thị trường khác sẽ đơn giản, dễ dàng. Với những công ty mới, mang tính startup, chúng ta phải đặt những mục tiêu rất cao, rất nghiêm khắc”, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup, nói.

VinFast cũng mới khai trương văn phòng tại Melbourne, Úc, tuyển hàng trăm kỹ sư để mở rộng trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Úc, nhằm phục vụ việc phát triển các mẫu xe hơi và xe điện tiếp theo của Hãng. Mới đây, VinFast được cho là đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Holden, nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn tại Úc.

Thị trường Mỹ còn là đích nhắm mà THACO dự kiến đẩy mạnh thâm nhập sau thị trường ASEAN. Cuối tháng 5 vừa qua, THACO đã xuất khẩu 36 sơmi rơ moóc sang thị trường Mỹ trong tổng số 69 sơmi rơ moóc theo hợp đồng phân phối với Pitts Enterprises đã ký vào tháng 2. Năm 2020, THACO dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 1.600 xe các loại có tổng giá trị hơn 50 triệu USD, kèm theo đó là các lô hàng linh kiện như áo ghế 8 triệu USD và bọc cần số trị giá 2,5 triệu USD.

“Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cùng với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường ô tô hiện nay, THACO đã bước đầu thành công khi lội ngược dòng xuất khẩu các sản phẩm ô tô, linh kiện phụ tùng và cơ khí ra nước ngoài”, lãnh đạo THACO cho biết.

Có thể thấy, việc nhắm tới nền tảng công nghệ, ô tô điện và đẩy mạnh xuất khẩu của VinFast là bước đi phù hợp với xu thế phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Đơn cử như Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho mẫu xe sử dụng năng lượng mới, trong khi người dân châu Âu ngày càng ưa chuộng động cơ điện. Đại dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi và hướng đến các sản phẩm cơ khí thân thiện với môi trường hơn.

Dây chuyền lắp ráp xe VinFast
Ảnh: VinFast

Theo Tạp chí Foreign Policy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào phụ tùng nhập khẩu. Hạn chế bấy lâu nay của ngành chính là yếu kém trong đổi mới công nghệ. Để khuyến khích các hãng nâng cấp hàm lượng công nghệ và phát triển công nghiệp phụ trợ, Chính phủ mới đây đã ban hành quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Như vậy, các hãng xe sẽ được ưu đãi lần này bao gồm THACO, VinFast, TC Motor, Toyota, Ford, sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu.

Về lâu dài, bên cạnh thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh cũng là đối tượng khách hàng tiềm năng. Theo báo cáo của PwC, số người Việt trung lưu sẽ đạt 44 triệu vào năm 2020 và 95 triệu vào năm 2030. Sự phát triển này sẽ thay đổi lối sống trong xã hội Việt Nam và tăng chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Mức sống của đất nước đang tăng lên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ô tô tăng cường rót vốn đầu tư.

Ngọc Sơn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư