HSBC: COVID-19 khiến người tiêu dùng thay đổi mạnh thói quen tiêu dùng

HSBC: COVID-19 khiến người tiêu dùng thay đổi mạnh thói quen tiêu dùng

Rời xa thế giới ảo, mức độ làm việc tại nhà đang tăng dần có thể cho phép các công ty thu hẹp quy mô văn phòng và các bất động sản thương mại khác.

Vào ngày 15/6/2020, ông Herald Van Der Linde – Giám đốc Chiến lược Nguồn vốn tại châu Á – Thái Bình Dương của HSBC công bố báo cáo mới nhất về xu thế tiêu dùng tại châu Á trong thời kỳ COVID-19 có tên “Dịch bệnh COVID-19 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng châu Á”. Dưới đây là nội dung chính của báo cáo:

Bên cạnh những thay đổi tức thời và rõ ràng trong hành vi người tiêu dùng ở Châu Á do dịch COVID-19 gây ra, như thói quen dùng tiền mặt không còn được ưa chuộng và mức tăng trưởng vượt bậc của tương tác trực tuyến, nhiều xu hướng khác cũng được ghi nhận ngày càng gia tăng.

Dịch vụ số là một trong số các lĩnh vực chính của sự chuyển đổi. Trước đại dịch, làm việc tại nhà khó được tán thành ở nhiều quốc gia. Ngày nay, điều này đã trở thành một phần của “bình thường mới”, với nhu cầu lớn dành cho mạng không dây và các thiết bị công nghệ tại nhà.

Mức độ sử dụng Internet ở các nước châu Á không thật sự đồng đều, ngay cả ở các nền kinh tế quan trọng như Ấn Độ và Indonesia tỷ lệ này vẫn còn khá thấp. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm chất xúc tác để gia tăng tốc độ sử dụng băng thông rộng tại hộ gia đình ở những thị trường này và những công ty viễn thông lớn được hưởng lợi từ việc triển khai mạng 5G nhanh hơn.

Điều này cũng thúc đẩy nhu cầu đối với các dịch vụ công nghệ thông tin phụ trợ, như giải pháp họp trực tuyến, thương mại điện tử, công cụ giáo dục tại nhà và game online. Hoạt động dịch vụ y tế trực tuyến, chủ yếu được cung cấp qua các ứng dụng, cũng đã phát triển mạnh mẽ ở khu vực châu Á từ khi dịch bệnh khởi phát. Một số nhà cung cấp cho biết lượt truy cập dịch vụ đã tăng gấp 10 lần.

Rời xa thế giới ảo, mức độ làm việc tại nhà đang tăng dần có thể cho phép các công ty thu hẹp quy mô văn phòng và các bất động sản thương mại khác. Tuy nhiên, ở những nơi có chi phí nhà đất đắt đỏ như Singapore, trong giai đoạn phong toả, đã có sự chuyển đổi quan trọng trong cách vận hành của các nhà bán lẻ như đưa ra các hướng dẫn giữ khoảng cách an toàn, đã khuyến khích thói quen tự thanh toán, thanh toán không sử dụng tiền mặt và không tiếp xúc.

Về lâu dài, chúng ta có thể thấy các nhà bán lẻ sẽ dịch chuyển từ sử dụng không gian vật lý sang chỉ một chiến lược trực tuyến thuần túy. Các cửa hàng thực phẩm có thể chuyển trọng tâm từ các không gian vật lý sang các căn bếp “đám mây” và ứng dụng giao đồ ăn.

Trong khi đó, sự cảnh giác của mọi người trước việc lây lan trên các phương tiện công cộng có thể khuyến khích việc sử dụng xe đạp để đi lại nhiều hơn. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã báo cáo có sự gia tăng đáng chú ý về doanh số bán xe đạp.

Nhiều bài báo đã viết về sự gia tăng các khoản nợ hộ gia đình tại nhiều nước châu Á trong những năm gần đây. Xu hướng này đã hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng và cho phép “tái cân bằng” nền kinh tế khỏi đầu tư và nhu cầu bên ngoài đối với chi tiêu hộ gia đình khắp châu Á. Đây là một xu hướng đáng hoan nghênh khi nền kinh tế lúc này ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn. Trường hợp này trên hết đã xảy ra ở Trung Quốc và cũng tương tự ở những nơi khác.

Nhưng kết quả là một khoản nợ tích lũy đáng kể, đặc biệt là do chi phí nhà ở cao. Các khoản vay mua nhà ở Trung Quốc tương đương với 84% thu nhập khả dụng ở thành thị vào năm 2019, tăng từ mức dưới 50% trong năm 2014, với sự gia tăng chủ yếu là do các quy định nới lỏng hơn khi mua nhà và số tiền thế chấp, giúp nhiều người có thể tận dụng để mua nhà ở khu vực thành thị Trung Quốc.

Câu hỏi là các hộ gia đình sẽ điều chỉnh như thế nào. Những loại chi tiêu nào sẽ giảm bớt lại nhất khi ngân sách được siết chặt vì thu nhập thấp và những khoản nợ cao hơn?

Về độ nhạy cảm thu nhập, HSBC thấy rằng du lịch, những mặt hàng quá bền và dịch vụ viễn thông sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các mặt hàng nhu yếu phẩm như thực phẩm và quần áo. Nhưng một ngoại lệ là lĩnh vực xa xỉ được cho là không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nhiều hơn hầu hết các lĩnh vực khác và cũng phục hồi nhanh hơn trong các cuộc khủng hoảng trước đây.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ không có ảnh hưởng gì đáng kể sau dịch COVID-19.

Một số đặc điểm trong xu thế tiêu dùng mới:

  • Chuyển dịch tiêu dùng: Dịch bệnh đã thúc đẩy sự dịch chuyển số từ các cửa hàng truyền thống sang thương mại điện tử, từ tiền mặt sang ví điện tử. Mọi người cũng quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ, vệ sinh và y học cổ truyền.
  • Nhà lãnh đạo mạnh mẽ: Trong những thời điểm bất ổn, người tiêu dùng thường thích giao dịch với những công ty lớn vì những doanh nghiệp này thường được đánh giá là an toàn và đáng tin cậy hơn.
  • Giữ kết nối: Nhu cầu kết nối tăng cao do xu hướng làm việc tại nhà đã thúc đẩy doanh số bán màn hình và máy tính xách tay, giải pháp hội nghị trực tuyến, và phần mềm đám mây.

Herald Van Der Linde
Nguồn BizLive