[Nhật ký sáng tạo] Đừng bỏ cuộc

[Nhật ký sáng tạo] Đừng bỏ cuộc

Lời động viên của đại ca sau cuộc họp tang thương với khách hàng làm mình nhớ đến email nhận được cách đây 3 năm với tiêu đề “Tin khong vui”:

Anh rất lấy làm tiếc, em chưa đủ điều kiện để làm copywriter thực tập tại Sexy & Sexy. Đừng buồn nhé, để tồn tại trong ngành quảng cáo này em cần phải biết kiên nhẫn. Mong sớm gặp em đâu đó trong chốn giang hồ.

Nhìn lại chặng đường, quả thật nếu không có những lời tổng động viên từ các tiền bối cũng như tự vận động mình thì chắc đã bỏ cuộc từ lâu. Hôm nay thống kê lại hết, bạn bè đồng đạo khi nào có chuyện không vui thì mong những chia sẻ sau giúp bạn đứng dậy và bước tiếp.

- ★ -

1. Khách hàng hắc ám.

Giết ý tưởng chỉ trong 1 giây. Ép viết cả trăm câu, cuối cùng lấy câu đầu tiên. Không đưa ra định hướng gì, không nói rõ là mình muốn cái gì. Chỉ làm có một cái brochure kèm member card thôi mà cũng kêu pitching 3,4 Agency. Brief sơ sài. Tóm lại là “Trời ơi, tụi nó ngu quá, chịu không nổi!!!!!!”

Khách hàng không ngu. Khách hàng có trí tưởng tượng khác chúng ta mà thôi. Nếu tưởng tượng và sáng tạo như Agency thì các Marketers đã tự làm rồi, cần gì bỏ ra một cục tiền để thuê Agency! Đôi khi mình trách khách hàng không chịu hiểu ý tưởng vân vi kì diệu của mình mà không tự hỏi lại là mình đã tìm đúng cách để bán cái ý tưởng đó cho họ chưa. Cho người khác thấy ý tưởng khi nó chưa thành hiện thực là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự chín muồi của kĩ năng thuyết trình, trình bày, bán hàng, thuyết phục… Trong đầu bạn nó cao đẹp lắm, nhưng trong đầu người khác thì chưa hẳn. Như một câu nói “Cây to, rễ bám chắc, cơn bão đi ngang làm sập cây thì chắc chắn là rễ cây chưa đủ chắc rồi, đừng đổ thừa gió lớn!”. Hãy tự nhủ là lần này do mình chưa tìm được cách để cho khách hàng thấy tiềm năng của ý tưởng này nên họ không thích là dĩ nhiên rồi, lần sau mình sẽ làm kĩ lưỡng hơn. Lỗi một phần là của mình.

There is joy and sorrow of being a creative. Get used to it!

“Đắt phải xắt ra miếng”, câu nói nào của ông bà mà còn tồn tại đến tận thời đại kĩ thuật số này thì không bao giờ sai cả. Bạn cũng làm y vậy nếu ngồi ở vị trí khách hàng. Đồng tiền ngày càng khó kiếm, quảng cáo dần trở thành một thứ xa xỉ, là cuộc chơi của những kẻ lắm tiền. Áp lực chi tiền và phải có kết quả ngay càng ngày càng lớn đối với các Marketers. Chọn ý tưởng càng mới thì càng kèm theo đó là nỗi lo thất bại. Sợ chạy ngốn tiền tỷ mà hàng không bán được. Nếu vậy năm ngoái làm ý tưởng A, bán hàng tàm tạm, năm nay làm ý tưởng A’ thôi là được rồi, cho nó an toàn, cho nó nhẹ tâm trí. Ai cũng có một cái vòng an toàn của mình, Agency chưa dẫn dắt Client bước chầm chậm ra cái vòng an toàn đó thì lỗi, một phần là của mình.

Bản chất con người là lười biếng. Thật lòng nhìn lại, nếu khách hàng dễ dãi, không ép Agency suy nghĩ nhiều thì đúng là ý tưởng có phần sơ sài thiệt! Nhìn lại, có một số khách hàng khá dễ tính, sáng tạo vài bận là duyệt hết nên ý tưởng chưa “tới” lắm, hơi tiếc vì ngày đó nếu ráng chút thì ý đã sắc hơn nhiều rồi, ây da, thiệt là có lỗi quá đi á! Nhất là các khách hàng đã kí hợp đồng cả năm với Agency thì chúng ta rất hay “nó là của mình rồi, đâu sợ mất nữa!” Bắt đầu lười cả lũ, lười đồng loạt, lười tập thể. Account lấy brief cũng sơ sơ, Creative suy nghĩ cũng qua loa. Đừng có nói là bạn chưa bao giờ như vậy! Chúng ta cũng là con người bình thường, không ai gồng mãi được. Mưa xuống cỏ sẽ mọc lên. Kèm thêm là các Agency nhỏ nhỏ mọc ra như nấm, service tốt hơn, ý tưởng không thua kém do người đứng đầu cũng từ các Agency lớn, làm lâu năm thì nhảy ra làm riêng khiến thị trường sáng tạo cạnh tranh khốc liệt. Khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, ngu gì không thử các Agency khác, coi như một động tác “nắn gân” Agency hiện tại “Em đang in relationship với anh nhưng nó cũng complicated lắm à nghen!”. Nếu Agency không tạo cho khách hàng cảm giác tin tưởng, chất lượng ý tưởng luôn đều đặn, không “quen quá hoá lờn” kiểu Việt Nam thì ai đâu mà cứ pitching hoài. Làm brief rồi tổ chức brief cho các Agency, sau đó dí, rồi nghe thuyết trình ý tưởng mệt lắm chứ bộ, bạn mệt, họ cũng mệt chứ sướng gì! Một phần lỗi là của mình.

- ★ -

2. Sếp không giỏi.

Sếp luôn giỏi. Đã leo lên cái ghế đó thì chắc chắn là con người ta phải có cái gì đó hơn mình. Bạn nói sếp bạn giỏi nịnh hót mới leo lên được, bạn thử nịnh xem mấy kiếp sau có giỏi như ổng không. Bạn cho rằng sếp bạn sống lâu lên lão làng mà thôi, nhớ câu đó, để xem sau này “lão” rồi thì bạn sẽ ở đâu. Giỏi chuyên môn không phải là tất cả như nhiều người hay trông mong ở sếp. Bạn có thể ghét cách làm việc của sếp nhưng chính cách ấy đã khiến họ có ngày hôm nay, họ không dễ dàng thay đổi đâu, bạn mới chính là người phải mềm dẻo tí xíu. Cái gì tồn tại thì cái đó có lý. Chắc chắn sếp có một kĩ năng / tài năng nào đó hơn mình. Bạn có thể không thích, nhưng không được khinh thường. Cái gì tốt đẹp cũng cần có một quá trình. Luôn có một khoảng cách kha khá lâu để từ nhân viên cấp cao lên làm sếp. Sếp của bạn cũng đang trưởng thành dần trong vị trí lãnh đạo mà thôi nên chắc chắn phải có những quyết định sai lầm. Mình đã từng bất bình với nhiều giám đốc sáng tạo trẻ, 1 năm sau có dịp làm việc cùng thì họ đã ok hơn rất nhiều rồi. Dù gì người ta cũng đang dạy bạn những điều- sếp-không-nên-làm, dám cá là 99% sau này, khi bạn được cất nhắc lên làm sếp cũng sẽ phạm phải mà thôi. Hãy cho sếp một cơ hội. Sếp cũng là người, cũng cần va vấp để trưởng thành.


Người Việt hay có kiểu “ôm hận trong lòng”, đa phần là ở các bạn sinh viên Made in VN mới ra trường. Sếp của bạn không ba đầu sáu tay, không có thiên lý nhãn nên bạn có ấm ức gì là phải hẹn hò ra mà nói. Không nói thì email. Đa phần là ôm hận, nghĩ là “ổng / bả” bất công, ngu xuẩn, không thấy được tài năng hiển lộ của mình, thôi đi nơi khác biết trọng dụng nhân tài. Thế là một ngày đẹp trời, sếp bạn té ngửa khi nhận được đơn xin thôi việc, mọi chuyện đã trễ vì bạn đã đâm đơn thì thường là đã nhận được việc ở nơi khác. Sếp bạn xứng đáng được nghe sự thật từ bạn, hãy cho họ biết. Có thể họ sẽ không đáp ứng được cho bạn, nhưng ngại, nhát mà không nói thì chắc chắn là không bao giờ đáp ứng. Bạn phải nhận một phần lỗi về mình.

Sếp có rất nhiều áp lực khó lòng chia sẻ với bạn. Khi Agency có biến động gì, thường Giám đốc sáng tạo sẽ bị trảm đầu tiên, do lương họ cao quá và trách nhiệm lớn quá. Cũng như bạn, sếp cũng có thang điểm đánh giá riêng của mình. Trong năm đó phải mang về bao nhiêu khách hàng mới, nhân viên có nộp đơn xin nghỉ nhiều hay không, mang tiền nhiều về đó, nhưng nhân viên dưới trướng lương cũng bộn, lại còn kêu freelancer vào phụ mỗi khi nhiều việc, trừ lại thì Agency không còn lời bao nhiêu là cũng không ổn, không đạt! Chém! Càng lên chức cao thì lại càng khó nhảy việc nên cái ghế Giám đốc sáng tạo nhiều khi thấy giống ghế điện hơn. Hiểu những cái khó của sếp thì mới thấy trách nhiệm của mình còn nhẹ chán mà đôi khi làm còn không xong, đừng ở đó chê trách!

- ★ -

3. Đồng nghiệp cà lơ phất phơ

Bạn hiến dâng thân xác cho công việc, không có nghĩa là bạn ép mọi người phải đu theo! Mỗi người một hoàn cảnh. Không phải ai cũng có điều kiện cống hiến cho công việc nhiều như bạn. Nếu gặp đồng nghiệp sung thì khỏi nói, còn xìu xìu ển ển thì coi như là dịp cho mình trổ tài, xem coi cương hết sức thì mình đến được đâu. Khi ta cố gắng hết mình làm một việc nào đó, năng lượng toả ra sẽ truyền cảm hứng cho những người xung quanh, kéo họ theo. Nhiều khi thấy đồng nghiệp không hỗ trợ ta hết mình, hãy tự hỏi nào giờ mình đã sát cánh với họ hết lòng chưa. Và sau lưng, mình đã nói gì về họ.

- ★ -

4. Lương thấp.

Đi làm thuê là sự thoả thuận. Ngay từ đầu, người ta chấp nhận cho bạn công việc đó kèm bao nhiêu trách nhiệm, kèm mức lương đó. Bạn đã ok rồi thì cứ thế mà mần. Chúng ta hay “Thời gian qua em làm tốt hết công việc sếp giao mà, sao không tăng lương cho em?”. Một cao nhân đã tâm sự với tôi:

Bản chất người đi làm công ăn lương là rất tham lam. Họ không biết là người thuê họ nhìn họ rất khác, chỉ như một con cờ trên bàn cờ thôi. Ngay từ đầu, tôi thuê bạn vào để làm việc ABC đó, suốt năm qua, bạn làm tốt ABC là điều hiển nhiên, bắt buộc và đúng như đã thoả thuận ban đầu. Vậy sao bạn đòi tăng lương? Bạn có làm thêm DEF không? Bạn có chủ động hơn trong công việc, có thêm ý tưởng nào ngoài những việc được giao khiến cho Agency tự hào không? Có giúp Agency thắng được giải thưởng sáng tạo nào chưa? Nếu không sao lại đòi tăng lương? Bạn nghĩ càng làm việc, giá trị bạn càng tăng nhưng trong mắt của chủ, bạn vẫn y chang như rứa thôi hà!

Tóm lại là phải tự vấn mình “Mình đã làm gì cho Agency để xứng đáng được tăng lương” trước khi ấm ức “Sao làm cả năm trời rồi mà không tăng lương cho tui!” Ai cũng nói là phải nhảy thì lương mới tăng đột phá. Tôi thì đã thấy vài người, chỉ 1 năm ở Agency đó thôi mà lương đã được tăng đúng gấp đôi! Ngành quảng cáo vẫn thiếu nhân lực giỏi ghê lắm, nếu bạn giỏi thì không ai tiếc tiền với bạn cả. Phải nhận một phần trách nhiệm về mình.

Không phải AQ gì nhưng những lúc ít tiền, nghèo vậy mà là những lúc vui nhất đó. Sau này không kiếm lại được đâu. Cứ tận hưởng cái nghèo tài tử, cái nghèo sáng tạo, đừng sáng tạo nghèo là được. Đừng bỏ cuộc.

- ★ -

5. Ý tưởng không tốt dù đã nghĩ hoài nghĩ mãi. Ý tưởng đưa ra bao nhiêu là bị bắn bỏ cả chùm.

Ý tưởng là trời cho, không thể vội. 99% những nhân viên sáng tạo giỏi trên thế giới, thắng giải thưởng này nọ đều ngót nghét trên 10 năm kinh nghiệm. Những câu slogan hay mà bạn nhớ đến bây giờ đều từ những copywriter nhiều năm lăn lộn chốn giang hồ, nói trắng ra là cả sự nghiệp thường chỉ được có vài lần thăng hoa như thế. Bạn cứ tiếp tục trao dồi, tiếp tục cống hiến. Cứ nghĩ là tuôn ra hết ý tưởng tồi để sau này có chỗ cho ý tưởng xuất sắc lòi ra. Nó sắp tới rồi, đừng lo. Đừng bỏ cuộc!


Cứ nghĩ thế này nhé, Hitler đã từng có một Big Idea kinh hoàng, khởi phát một thế chiến vẽ lại bản đồ thế giới. Rồi sao chứ, Ý Tưởng Lớn đó một ngày cũng bị những Ý Tưởng Lớn Hơn tiêu diệt, tan tành. Huống gì ý tưởng lòng tong của bạn!

- ★ -

6. Hi sinh quá nhiều thời gian cho công việc. Bồ bỏ, bạn chê, gia đình khinh rẻ.

Cứ cống hiến hết đi, chết bỏ, rồi sẽ được đền đáp.

Bạn rơi vào môi trường làm việc quá khắc nghiệt, thức khuya dậy sớm, không có cuối tuần. Thứ 6 không còn làm bạn hào hứng vì ngày mai cũng lết thân tàn đi làm, chả khác gì! No star, trong ngành quảng cáo này ai cũng có một thời oanh liệt như thế. Phải qua lửa thì mới được trui rèn. Mình đã từng gặp nhiều bạn trẻ, an toàn hạnh phúc trong các Agency nhỏ, ít việc, nhàn nhàn và thế là mấy năm sau, nhận ra mình không đủ sức để leo lên nữa, vươn tới những công ty tầm cỡ hơn, quá muộn rồi! Trong những năm đầu, sức trẻ và sự nhiệt thành là tất cả những gì bạn có. Cứ cống hiến hết đi, chết bỏ, rồi sẽ được đền đáp. Một ngày nào đó, bạn sẽ cảm ơn những thời điểm khắc nghiệt này đã khiến bạn cứng nghề trong thời gian rất nhanh. Nhanh hơn những bạn cùng trang lứa rất nhiều. Rồi bạn sẽ có những câu chuyện hay kể cho “hậu thế” sau này! Hoặc chí ít cũng được vài trang nhật kí… Đừng bỏ cuộc!

- ★ -

Nhìn được bức tranh lớn, bạn dễ tha thứ cho những người xung quanh và chính bản thân mình hơn. Điều quyết định là phải hết sức kiên nhẫn, mọi thứ rồi sẽ qua. Làm sáng tạo cũng là một trong những công việc hấp dẫn và sung sướng hơn khối nghề khác rồi. Bên ngoài đang có rất nhiều người muốn vào để được hành hạ nhưng chưa đủ duyên, bạn rất may mắn.

ĐỪNG BỎ CUỘC! Cuộc chiến đấu chống lại sự ngu dốt và tối tạo luôn cần chúng ta.

Nguồn Tôi Yêu Marketing