Vì sao KIDO Foods sáp nhập vào Tập đoàn KIDO?

Vì sao KIDO Foods sáp nhập vào Tập đoàn KIDO?

Kido Foods (KDF), công ty dẫn đầu, nắm 41% thị phần ngành kem Việt Nam đang dự tính sáp nhập hoàn toàn vào Tập đoàn Kido (KDC).

Lên kế hoạch sáp nhập

Theo phương án chi tiết mà KIDO Foods sẽ trình cổ đông tại kỳ đại hội đồng cổ đông sắp tới (9/6), KDF sẽ sáp nhập toàn bộ, để trở thành công ty TNHH MTV, do KDC sở hữu 100%. Phương án sáp nhập là Tập đoàn KIDO sẽ phải phát hành khoảng 23 triệu cổ phiếu KDC để hoán đổi cho 17,76 triệu cổ phiếu KDF theo tỉ lệ 1: 1,3 (tức 1 cổ phiếu KDF đổi lấy 1,3 cổ phiếu KDC). Dự tính, đến tháng 10 năm nay, KDC và KDF có thể hoàn tất các thủ tục liên quan và chính thức về trọn một nhà.

Thực tế, KDC đã là người một nhà của KDF khi Tập đoàn nắm 65% cổ phần ở KDF, giữ vai trò công ty mẹ. Trước đó, từ tháng 8/2011 – tháng 9/2016, KDC cũng từng sở hữu toàn bộ KIDO Foods.Vì thế, về mặt nào đó, bước sáp nhập hoàn toàn này không gây ra những cú sốc lớn. Biến động có chăng là KDF sẽ không còn hoạt động dưới dạng công ty cổ phần với cơ cấu nhiều cổ đông. Sau sáp nhập, mọi quyền hạn sở hữu, điều hành ở KDF đều trong tay KDC.

Ảnh minh hoạ

Để chia sẻ quyền lợi với cổ đông KDF, Công ty dự tính sẽ xin ý kiến cổ đông về trả cổ tức tiền mặt đặc biệt năm 2020 với tỉ lệ 30%/mệnh giá (tức 3.000 đồng/cổ phiếu). Đây là mức cổ tức khá hấp dẫn bởi trong giai đoạn khó khăn hiện nay, con số doanh nghiệp chia cổ tức cao không nhiều. Có thể kể tên một số công ty như May Hưng Yên (HUG, 60%), Công ty Than Tây Nam Đá mài – Vinacomin (TND, 53%), Công ty Quảng cáo Hội chợ Thương mại (VNX, tỉ lệ 70%), Idico (40%), Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP, 35%), Tập đoàn Hà Đô (HDC, 30%)…

Vì sao phải sáp nhập?

Hội đồng quản trị KDC cho biết, lý do để KDC quyết định tính đến phương án sáp nhập hoàn toàn KDF về lại với KDC vì kể từ khi đưa cổ phiếu KDF lên giao dịch tại sàn UPCoM (tháng 9/2017), cổ phiếu KDF chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, chưa phản ánh đúng vị thế doanh nghiệp. Đơn cử, giá cổ phiếu KDF đã tuột dần sau khi lên sàn và thường xuyên ở mức 25.000-27.000 đồng/cổ phiếu, tức giảm hơn một nửa so với giá đóng cửa ở phiên giao dịch đầu tiên.

Xét về kinh doanh, theo chia sẻ của KDC, mặc dù giai đoạn 2017 – 2019, KDF có sự tăng trưởng về thị phần, từ con số 38,1% (2016) lên 41,4% (2019) nhưng kinh doanh ở KDF lại không như ý. Điển hình năm 2018, lãi sau thuế của KDF chỉ đạt 27,4 tỉ đồng, giảm tới 82% so với năm trước đó. Phía KDF từng giải thích do mảng sữa chua và kem ở phân khúc phổ thông bị cạnh tranh quyết liệt trong khi mảng thực phẩm đông lạnh chỉ mới ở giai đoạn đầu của thâm nhập thị trường nên lợi nhuận năm 2018 của KDF đã giảm mạnh.

Ảnh minh hoạ

Sang năm 2019, nhờ giãn tiến độ thử nghiệm, triển khai sản phẩm mới để tập trung kiểm soát chi phí; nhờ tăng độ phủ ở kênh hiện đại và nhất là nhờ đẩy mạnh cao cấp hoá mảng kem (nhãn Celano) nên doanh thu, lợi nhuận của KDF khởi sắc trở lại.

Đến năm 2020 tình hình xoay chiều đầy bất ngờ, rủi ro. Chỉ mới 5 tháng của năm 2020, thế giới đã hoàn toàn đổi khác. Theo khảo sát của Nielsen, Kantar, từ trong dịch bệnh bùng phát và lan rộng, tâm lý, hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi. Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp buộc phải ngồi tính lại. Riêng ngành lạnh của KDF cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng trực tiếp.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo KDC, chỉ nắm 65% cổ phần không cho phép KIDO toàn quyền trong mọi sự ở KDF. Theo báo cáo thường niên gần nhất, tại thời điểm tháng 7 năm ngoái, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 19,7% cổ phần ở KDF. Các cá nhân trong nước thì giữ khoảng 15,3%. Cơ cấu sở hữu như vậy cũng có thể gây ra khó khăn cho KIDO trong các quyết định cần đến 75% tổng cổ phiếu có quyền biểu quyết thông qua.

Theo thông tin từ KDC, vì không hoàn toàn nắm giữ KDF nên KIDO cũng không thể dồn hết sức lực để hỗ trợ cho KDF. Trong khi muốn tận dụng triệt để lợi thế tài chính, quản trị, chiến lược từ KIDO, KDF phải thuộc hoàn toàn vào KDC.

Báo cáo thường niên của KDF cho hay, ngoài sở hữu 120.000 điểm bán ngành lạnh và ngành thực phẩm tươi, hệ sinh thái của KDC còn phong phú nhờ đa dạng kênh (45.000 điểm bán thực phẩm khổ, kênh xuất nhập khẩu, B2B Key Account, kênh mùa vụ), đa dạng sản phẩm (dầu ăn và chất béo, thực phẩm chế biến…), đa dạng cách thức hợp tác (OEM, đối tác..). Nếu tận dụng tối đa các nền tảng này của KDC, KIDO Foods có thể có những cách thức phát triển mới.

Ảnh minh hoạ

Chưa kể, chiến lược nhắm tới của KDC còn là gia tăng sức mạnh thông qua các thương vụ sáp nhập. Trong đó, KDC đang dự tính sáp nhập toàn bộ Dầu Tường An (TAC) vào KDC. Mặc dù đây chỉ mới là ý định, còn chờ xin chủ trương và chưa có phương án gì cụ thể nhưng một khi KDF và sau đó là TAC thuộc hoàn toàn về KDC, câu chuyện sẽ trở nên đáng chú ý.

Câu chuyện ấy không phải chỉ liên quan đến con số báo cáo tài chính ở KDC. Bởi năm ngoái, với vai trò là công ty mẹ của KDF và TAC (nắm khoảng 62% cổ phần), số liệu KDC đã hợp nhất kết quả kinh doanh của KDF và TAC. Trong đó, mảng dầu ăn đóng góp lớn nhất (73%) kế đó là ngành lạnh (13%) và các ngành khác. Sang năm 2020, KDC dự tính sẽ đạt doanh thu 8.000 tỉ đồng, còn lãi sau thuế là 253 tỉ đồng. Đây là một mức tăng trưởng bình thường chứ không phải đột biến.

Theo thông tin từ KDC, cùng với xin chủ trương sáp nhập, Hội đồng Quản trị TAC cũng sẽ trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt, với tỉ lệ 75%/mệnh giá. Đây là tỉ lệ có thể làm vui lòng cổ đông của TAC. Nguồn tiền chi trả sẽ là khoản lợi nhuận chưa phân phối và TAC dự tính đem chia hết.

Với việc sáp nhập hoàn toàn TAC vào KDC, giá trị KDC sẽ tăng lên một bậc. Khi đó, không riêng cổ đông KDC vui mà cổ đông KDF cũ cũng sẽ vui. Trước mắt, thị trường đang nhìn thấy những giao dịch sôi nổi tại KDC. Ví dụ, ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm CEO của KIDO đã đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu KDC. Hay bà Vương Kim Vy, sau khi liên tục mua vào cổ phiếu KDC từ đầu tháng 4 đến nay, đã trở thành cổ đông lớn, nắm giữ 12,4 triệu cổ phiếu, tương đương 6,02% cỏ phần ở KDC.

Ngọc Thuý
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư