“Tượng đài” cho thuê xe Hertz phá sản

“Tượng đài” cho thuê xe Hertz phá sản

Có thể nói, dịch COVID đã đặt dấu chấm hết cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành cho thuê xe, mà nổi bật là Hertz, một trong những công ty hàng đầu trong ngành.

Trong bối cảnh virus corona vẫn đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, nhiều nhà máy vẫn phải đóng cửa, các ngành dịch vụ vận chuyển, hàng không, taxi đều ngừng hoạt động. Đặc biệt, những ngành liên quan đến ô tô đều chịu ảnh hưởng nặng nề, khi các nhà máy lắp ráp ô tô đóng cửa, các dịch vụ liên quan tới xe ô tô cũng phải ngừng hoạt động trong bối cảnh người dân ở trong nhà cách ly tránh dịch.

Một trong số các dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là cho thuê xe, khi số lượng người dùng sụt giảm một cách nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những vấn đề của các công ty trong ngành này đã xuất hiện từ lâu, khi các dịch vụ đi chung xe như Uber, Lyft hay Grab xuất hiện.

Hertz là công ty cho thuê xe hơi lâu đời của Mỹ có trụ sở tại Estero, Florida, điều hành tới 10.200 điểm cho thuê xe (bao gồm cả những điểm nhượng quyền thương mại). Xét về doanh thu, đây là công ty cho thuê xe lớn thứ hai tại Mỹ và đã có mặt tại 150 nước trên toàn thế giới, trải dài từ Bắc Mỹ cho tới châu Á và châu Đại Dương.

Hertz Global Holdings, công ty mẹ của Hertz, được xếp hạng 335 trong danh sách Fortune 500 năm 2018 của Forbes. Tính đến cuối năm 2019, Hertz có doanh thu là 9,8 tỷ USD với 38.000 nhân viên cùng tổng tài sản đạt 24,6 tỷ USD.

Ngành cho thuê xe bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch tại Mỹ.

Có vị thế lớn trong ngành cho thuê xe cũng như số lượng khách hàng trung thành không hề nhỏ, tuy nhiên những sai lầm trong điều hành đã dẫn đến sự đi xuống của hãng. Tính từ năm 2014 tới nay, họ đã bổ nhiệm tới 5 giám đốc điều hành, cho thấy sự thiếu ổn định trong đường lối và bộ máy lãnh đạo của công ty. Hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại của hãng bắt đầu từ năm 2012, khi họ mua lại một công ty trong ngành là Dollar Thrifty với giá 2,6 tỷ USD, một cái giá quá cao so với giá trị thực của công ty này.

Không chỉ vậy, Hertz thậm chí còn không thể kết hợp sức mạnh của hai hãng xe sau thương vụ mua lại, khiến họ gần như không thu được bất kỳ lợi ích gì từ việc hợp nhất. Sai lầm tiếp theo của Hertz là sử dụng chiến lược giá thấp để cạnh tranh và giành lấy thị phần từ tay các đối thủ. Cách tiếp cận này khiến cho lợi nhuận của hãng bị tổn hại nghiêm trọng.

Lợi nhuận hoạt động ròng sau thuế của hãng liên tục sụt giảm kể từ năm 2012.
Ảnh: Forbes

Nhận thấy điều này, ông chủ của Hertz – tỷ phú Carl Icahn đã thay thế người điều hành của doanh nghiệp vào cuối năm 2014; tuy nhiên CEO mới của hãng là John Tague, trong nỗ lực gia tăng doanh thu và lợi nhuận đã cố gắng tăng mức giá cho thuê xe. Điều này khiến Hertz mất thị phần vào tay đối thủ lớn nhất Avis và đặc biệt những hãng chia sẻ xe như Uber hay Lyft, vốn đem lại những trải nghiệm mới mẻ và tiện lợi cho người tiêu dùng bên cạnh các chương trình khuyến mãi với mức giá rất thấp. Chính điều này khiến các khách hàng dần rời bỏ các dịch vụ cho thuê xe, mà Hertz là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Những dịch vụ xe đi chung như Uber hay Lyft phát triển đã khiến vấn đề của Hertz thêm nặng nề
Ảnh: Bloomberg

Cuối cùng, việc vay nợ quá nhiều cho việc mở rộng kinh doanh, đầu tư công nghệ cũng như mua mới các xe sử dụng cho thuê đẩy công ty vào cảnh lao đao. Doanh thu của hãng tỷ lệ thuận với việc vay nợ; kể từ năm 2016 tới nay, nợ vay của doanh nghiệp ngày một tăng cao và đạt con số 20 tỷ USD vào cuối năm ngoái. Khoản nợ quá lớn khiến công ty rơi vào cảnh làm ăn kém hiệu quả khi các chi phí tài chính ngày một tăng cao; cuối năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty là âm 225 triệu USD, con số đáng thất vọng so với quy mô của Hertz.

Việc sử dụng quá nhiều đòn bẩy đã khiến Hertz rơi vào cảnh lao đao.
Ảnh: Bloomberg

Với những quyết định sai lầm như vậy, không khó hiểu khi công ty này gặp khó khăn; việc phải đóng cửa và dừng hoạt động trong thời gian dịch COVID hoành hành chỉ đẩy nhanh quá trình phá sản của công ty. Tháng 4 vừa qua, công ty có kế hoạch cắt giảm tới 10.000 trên tổng số 29.000 nhân viên của họ ở khu vực Bắc Mỹ nhằm tiết kiệm chi phí. Chỉ một tháng sau, vào ngày 5/5, nhờ những nỗ lực thương thảo, Hertz đã xin gia hạn khoản nợ 500 triệu USD của họ tới ngày 22/5; tuy nhiên rất khó để hãng có thể thanh toán được khoản nợ này với việc dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành ở Mỹ. Họ đã và đang chuẩn bị cho việc nộp đơn phá sản trong tương lai gần, với tình hình tài chính và tình hình dịch bệnh rất kém khả quan tại thị trường lớn nhất của họ là Hoa Kỳ. Những thông tin xấu nêu trên đã khiến giá cổ phiếu của Hertz đã giảm tới 80% trong năm nay, chỉ còn chưa tới 3USD/cổ phiếu, thấp kỷ lục kể từ ngày công ty bắt đầu giao dịch.

Giá cổ phiếu của Hertz giảm kỷ lục kể từ đầu năm với những thông tin về việc phá sản.
Ảnh: Bloomberg

Cũng như nhiều công ty khác, việc Hertz chuẩn bị phá sản chỉ là kết quả của những sai lầm nối tiếp sai lầm trong quá khứ. Mặc dù không thể phủ nhận sự tàn phá khủng khiếp của dịch COVID-19 đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cái kết của Hertz có lẽ đã tốt đẹp hơn rất nhiều nếu họ không mắc những sai lầm về việc giảm giá hay vay nợ quá nhiều. Cùng với sự vươn lên của những dịch vụ chia sẻ xe như Uber và Lyft, Hertz đã tự làm khó mình với những quyết định trong quá khứ; và giờ đây, dịch COVID có thể sẽ khiến những ngày cuối cùng của công ty đến nhanh hơn.

(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)

Phạm Tiến Đạt
Nguồn CafeBiz