Động lực mới giúp Sabeco thoát những “gọng kìm”

Động lực mới giúp Sabeco thoát những “gọng kìm”

Trước tác động kép của COVID-19 và Nghị định 100 về “uống rượu bia, không lái xe”, ngành Bia đang có xu hướng tăng trưởng mới.

Tổng sản lượng tiêu thụ bia sụt giảm mạnh

Thời gian vừa qua, do lo ngại về dịch COVID-19, việc thổi nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định 100 đã tạm thời hoãn lại.

Và khi dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt, Chính phủ chỉ đạo tái khởi động thực hiện nghiêm Luật phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100. Gần đây, Cục Cảnh sát Giao thông vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ. Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo trên của Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 15/5 đến 14/6, lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc sẽ ra quân tổng kiểm soát xử lý vi phạm bảo đảm trật tự an toàn giao thông – trật tự xã hội, đồng nghĩa với việc kiểm soát gắt gao việc thử nồng độ cồn trong thời gian này.

Bộ phận Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá việc tiêu thụ bia tại chỗ (on-premise) sẽ giảm một lần nữa, vì điều này có liên quan đến thói quen uống bia rượu tại cửa hàng của người dân.

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng người tiêu dùng cuối cũng sẽ thích nghi được với quy định không lái xe sau khi uống rượu bia và tuân thủ quy định này như nhiều quốc gia khác.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ bia giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,12 triệu lít.

Dịch COVID-19 bùng phát cùng với Nghị định 100 là 2 đòn giáng ảnh hưởng mạnh đến ngành bia. Theo đó, hầu hết các công ty bia niêm yết ở Việt Nam đều ghi nhận kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý I/2020. Cụ thể, 8 trong số 14 nhà máy bia phát sinh lỗ trong quý đầu tiên bao gồm Bia Sài Gòn – Sông Lam (BSL), Bia Sài Gòn – Hà Nội (BSH), Bia Sài Gòn – Phú Thọ (BSP), Bia Hà Nội – Thanh Hóa (THB), Habeco – Hải Phòng (HBH) và Bia Hà Nội – Hải Dương (HAD) .

Kênh off-trade (mua về nhà) sẽ là động lực chính cho Sabeco

Trong quý I/2020, Sabeco (SAB) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng là 4.900 tỉ đồng đồng và 717 tỉ đồng, giảm lần lượt 47,4% và 44,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sự sụt giảm doanh số của SAB chủ yếu là từ các giao dịch SAB bán cho các đại lý bán lẻ và nhà phân phối (sell-in). Nguyên nhân lớn nhất là COVID-19, trực tiếp tác động đến kênh tiêu dùng tại chỗ.

Theo tường thuật của SSI Research, Ban lãnh đạo của SAB nhấn mạnh doanh nghiệp này vẫn giành được thị phần thông qua doanh số bán hàng trong quý I/2020 do đóng góp từ tỉ trọng kênh off-trade cao hơn so với toàn ngành.

Ban lãnh đạo cũng chia sẻ thêm rằng kênh off-trade sẽ là động lực chính cho tăng trưởng và SAB vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện kênh thương mại hiện đại (modern-trade). Bên cạnh đó, SAB vẫn chưa phát triển kênh thương mại điện tử riêng.

Cho cả năm 2020, SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của SAB ở mức 27.960 tỉ đồng và 4.250 tỉ đồng.

SSI Research ước tính sản lượng tiêu thụ nửa cuối năm 2020 của SAB giảm 15% so với cùng kỳ năm trước khi người tiêu dùng điều chỉnh hành vi tiêu dùng để tuân thủ Nghị định 100 về quy định không uống rượu bia khi lái xe.

Theo đánh giá của SSI Research, doanh thu của kênh phân phối off-trade sẽ cải thiện và phần nào bù đắp cho doanh thu tại kênh on-premise. Đối với tiêu dùng tại nhà hàng, SSI Research nhận thấy rằng người tiêu dùng thực tế đã quay lại thói quen ăn uống bên ngoài, nhưng lưu lượng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Vào mùa hè (năm nay dự báo thời tiết cực kỳ nắng nóng), số lượng người tiêu thụ bia sẽ tăng. Tuy nhiên, phía SSI Research vẫn duy trì quan điểm rằng khi Nghị định 100 được thắt chặt vào tháng 5-6, doanh thu tại nhà hàng sẽ chỉ đạt một mức độ nhất định.

Phạm Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư