Thế lưỡng nan của các ngân hàng

Thế lưỡng nan của các ngân hàng

Lợi nhuận của ngân hàng sẽ suy giảm mạnh vì tín dụng tăng trưởng âm và phải tăng trích lập dự phòng.

Tính đến ngày 20/3, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt vỏn vẹn 0,68% so với cuối năm 2019. Tạm tính, trong khoảng 80 ngày đầu năm, toàn hệ thống mới giải ngân thêm khoảng 55.700 tỉ đồng tín dụng ra nền kinh tế, tương đương chưa tới 700 tỉ đồng/ngày. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nửa thập niên qua, mà nguyên nhân trực tiếp là do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.

Không chỉ tín dụng tăng trưởng thấp, nợ quá hạn tăng trong mùa dịch sẽ gây ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh và khả năng tăng trưởng vốn của nhiều ngân hàng. Nhận định này được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đưa ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang tham gia vào quá trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong mùa dịch.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 8/5, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỉ đồng. Đồng thời, các ngân hàng đã miễn, giảm và hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt khoảng 630.000 tỉ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng.

Theo Fitch Ratings, các ngân hàng Việt Nam được hãng này đánh giá tín nhiệm đã có mức tăng trưởng các khoản nợ quá hạn trong quý I ở mức 45% so với cuối năm 2019, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị đình trệ, chỉ tăng trưởng ở mức 3,8% trong quý I (mức thấp nhất kể từ năm 2013). Các khoản nợ quá hạn này được dự báo sẽ tăng mạnh hơn nữa khi triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm do nhu cầu toàn cầu yếu.

Nguy cơ nợ xấu trở lại chỉ trong vài tháng đầu năm 2020 trong khi trước đó, đà xử lý nợ xấu đang tiến triển tốt cho đến cuối năm 2019. Theo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng (chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và dự báo rủi ro tiềm ẩn nợ xấu tăng cao.

Fitch cho rằng nếu các ngân hàng tiếp tục áp dụng các biện pháp dự phòng lên các khoản vay mới có nguy cơ trở thành nợ xấu, các ngân hàng này có thể sẽ thiếu hụt vốn lên tới 2,5 tỉ USD (tương đương 27% vốn chủ sở hữu cuối năm 2019), nhằm đáp ứng yêu cầu tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của Basel II là 8%. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt vốn lớn nhất.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng tuy ngân sách đang khó khăn, song vẫn cần thiết tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Nếu không thể tăng vốn, chắc chắn khả năng cung ứng vốn, giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng sẽ kém đi.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ chậm lại rõ hơn từ quý II. So với các ngân hàng tư nhân, thu nhập lãi của các ngân hàng quốc doanh trong năm nay nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn do các nhóm này được kỳ vọng sẽ đi đầu trong việc áp dụng các biện pháp miễn giảm lãi, cơ cấu nợ cho khách hàng. Dự kiến, tác động tiêu cực lên NIM (và sau đó là thu nhập lãi) sẽ trở nên mạnh hơn so với quý I.

Biên lợi nhuận giảm sẽ xảy ra nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ và yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Trong tình hình dịch COVID-19 gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phải giảm tối thiểu 40% lợi nhuận để đóng góp vào việc hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân.

Ví dụ, Vietcombank có lợi nhuận hằng năm rất lớn, năm 2019 lãi 22.000 tỉ đồng, thì năm nay phải giảm 30-40% lợi nhuận này, đóng góp khoảng 8.000 tỉ đồng để giảm lãi suất. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho biết, Ngân hàng tự động giảm lãi cho khách hàng với dư nợ được giảm là 600.000 tỉ đồng. Với việc điều chỉnh trên, Ngân hàng chấp nhận giảm 2.240 tỉ đồng lợi nhuận trong quý I. Năm 2020, VietinBank cũng dự kiến cắt giảm lợi nhuận từ 3.000-4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất và giảm phí...

Theo Tiến sĩ Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng năm nay sẽ giảm ít nhất hơn 30.000 tỉ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu.

Thực tế, theo báo cáo tài chính của 26 ngân hàng đã công bố, có đến 11 ngân hàng sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2020 so với cùng kỳ, trong đó có một số ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, MBBank, Sacombank... Khó khăn cũng hiện diện ở nhóm ngân hàng khác. Chẳng hạn, Eximbank đã phải giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế giảm 40%, còn 1.318 tỉ đồng. Ngân hàng Nam Á cũng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 thấp hơn 14% so với năm trước, ở mức 800 tỉ đồng...

Trước đó, Công ty Chứng khoán SSI đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng quy mô lớn được nghiên cứu với mức giảm 11,1% và giảm 16,4% so với dự báo trước đây ứng với 2 kịch bản: dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý II và dịch bệnh sẽ không được kiểm soát đến cuối năm 2020.

Hoàng Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư