CEO Kangaroo: “Những gì không sinh lời thì giải quyết, những gì có tiềm năng thì cơ cấu lại”

CEO Kangaroo: “Những gì không sinh lời thì giải quyết, những gì có tiềm năng thì cơ cấu lại”

CEO Kagaroo cho biết, nhờ tập trung bán vào các kênh cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc trong thời gian dịch COVID-19 mà sau quý I, Kangaroo đã mở gần 12.000 điểm mới, định giá công ty tăng từ 7.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ.

“Những gì không sinh lời thì giải quyết, những gì có tiềm năng thì cơ cấu lại”

Tại toạ đàm “Định hướng mới thời kỳ hậu COVID-19” do Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức sáng 5/5, chia sẻ quan điểm dưới góc nhìn của một trong số ít doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch COVID-19, ông Nguyễn Thành Phương, CEO Tập đoàn Kangaroo cho biết, quý I/2020, Kagaroo tăng trưởng 200% lợi nhuận so với cùng kỳ.

“Trong 18 năm qua chưa có một quý nào doanh nghiệp lại bận rộn như quý vừa rồi. Khi các cửa hàng, siêu thị điện máy đều đóng cửa do dịch, các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc vẫn mở cửa bình thường. Chúng tôi tập trung bán vào các kênh cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc. Nhờ đó, trước đây Kangaroo được định giá 7.000 tỷ đồng nhưng sau quý I, chúng tôi mở gần 12.000 điểm mới, định giá đã tăng lên 8.000 tỷ. Tối thiểu 100 năm chúng tôi mới có cơ hội như vừa rồi”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Thành Phương, CEO Tập đoàn Kangaroo chia sẻ tại toạ đàm “Định hướng mới thời kỳ hậu COVID-19”.

Về việc nắm bắt cơ hội từ trong khó khăn, ông Phương cho rằng, doanh nghiệp cần phải đánh giá lại tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu. “Tầm nhìn nó là một thành tố rất quan trọng của chiến lược. Kangaroo đã tăng cường áp dụng công nghệ, báo cáo từng giây, từng phút. Chúng tôi rà soát lại tài sản, những gì không sinh lời thì giải quyết, những gì có tiềm năng thì cơ cấu lại”, ông Phương cho biết.

“Không thể lấy số đông mà phải lấy tinh hoa ra để làm việc”

Cũng tại toạ đàm, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco cho rằng, 2020 là chặng thứ ba trong chu kỳ khủng hoảng 10 năm 1998, 2008 và 2020 với các cấp độ, quy mô khủng hoảng và mức độ tàn phá khác nhau. Đây là quy luật 10 năm không thể tránh được và thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép.

Và do là quy luật không thể tránh được nên ông Tiền kiến nghị Chính phủ không nên lo quá nhiều, chỉ nên cầm cự, lo cho dân không đói, người làm công ăn lương có lương để tồn tại. “Đơn giản thôi nhưng là một bản lĩnh”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông cho rằng Chính phủ nên có biện pháp mạnh. Tranh thủ đây là một cơ hội để tạo ra một không khí, một cơ hội để thay đổi các chính sách một cách tích cực. Phải có chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực, đặc biệt là hàng không, bất động sản... Các tư lệnh ngành cũng phải chỉ huy sâu sát.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco phát biểu tại tọa đàm.

“Phải dùng chính sách trong chiến tranh, quân đội để làm kinh tế. Quân lệnh như sơn. Tinh thần phải quyết liệt. Chỉ nhìn phía trước, không nhìn phía sau”, ông Tiền nói.

Ông cũng bày tỏ vui mừng vì thấy doanh nhân vẫn bình tình suy xét, giống như chiếc lò xo bị ép xuống chờ cơ hội bật dậy. “Mọi thứ có thể mất hết nhưng còn con người, còn trí tuệ, bản lĩnh thì không sợ”, ông nói thêm.

Trả lời cho câu hỏi với doanh nghiệp với nhau thì hợp tác cái gì, ông Tiền cho rằng, doanh nghiệp phải tự lo cho mình trước, “có khoẻ, có rút kinh nghiệm thì mới nói chuyện hợp tác”.

Bên cạnh đó, ông Tiền đề nghị các doanh nghiệp nên áp dụng công nghệ số vào hoạt động trong tất cả các lĩnh vực. Cố gắng kết tinh lại để làm sao hoạt động hiệu quả nhất trên đồng vốn doanh nghiệp bỏ ra.

“Doanh nghiệp phải rèn luyện kỹ năng cho thật tốt, phải dồn tâm huyết, phải ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Một người làm bằng ba, bốn người. Chúng ta không thể lấy số đông mà phải lấy tinh hoa ra để làm việc”, ông nói.

Hoàng Hà
Nguồn BizLive