Ngành du lịch chuẩn bị tái khởi động

Ngành du lịch chuẩn bị tái khởi động

Nhiều địa phương đã bắt đầu tính đến kế hoạch phục hồi ngành du lịch sau dịch.

Oxford Economics vừa đưa ra dự báo về sự phục hồi của ngành du lịch sau dịch COVID-19. Theo đó, phải đến năm 2022, thị trường du lịch toàn cầu mới phục hồi lại như thời điểm năm 2019. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho rằng tốc độ phục hồi của từng quốc gia, từng lĩnh vực sẽ không giống nhau. Đặc biệt, du lịch Việt Nam được cho là sẽ phục hồi sớm hơn nhiều nước trong khu vực, nhất là mảng du lịch nội địa.

Du lịch nội địa sẽ mở màn

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết các nước có ngành du lịch phục hồi nhanh chóng sau COVID-19 sẽ là những quốc gia có chính phủ đặt sức khỏe và phúc lợi của người dân lên hàng đầu, đồng thời ngăn dịch lây lan thành công.

Theo Tiến sĩ Ribeiro, việc Chính phủ xử lý đại dịch COVID-19 nhanh chóng và hiệu quả có thể biến Việt Nam thành điểm du lịch ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được ưa thích hơn so với các điểm đến như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông và Úc. “Với nhiều người, dịch chuyển và du lịch là nhu cầu, chứ không phải là thú vui xa xỉ. Khách du lịch không chỉ đến những đất nước có phong cảnh đẹp và thú vị nhất, mà còn đến những nơi an toàn nhất. Việt Nam đang làm rất tốt và minh chứng rằng đây là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới”, ông nói.

Thực tế, trong những tháng doanh thu gần như bằng 0, các công ty du lịch lớn tại Việt Nam vẫn liên tục chạy các chương trình truyền thông trên mạng xã hội nhắm đến khách du lịch tiềm năng, hay khách du lịch có khả năng quay trở lại Việt Nam nhưng không thể đến vào thời điểm này.

Hiện tại, các hoạt động du lịch hoàn toàn đình trệ nhưng nhiều địa phương đã bắt đầu tính đến kế hoạch phục hồi sau dịch. Thừa Thiên – Huế vừa công bố thông tin về Lễ hội Áo dài Huế và Fesival Huế 2020 đầu tháng 9 tới.

Theo địa phương này, việc tổ chức Lễ hội Áo dài Huế như là một phần trong Festival Huế 2020 sẽ tạo tiền đề đưa ngày hội này thành chương trình thường xuyên của Lễ hội 4 mùa bắt đầu từ năm 2022.

Lễ hội 4 mùa này dự kiến bao gồm Festival Dân gian Huế vào mùa xuân, trong khi mùa hạ sẽ có Festival Huế (năm chẵn) và Festival Nghề truyền thống Huế (năm lẻ), mùa thu dành cho Festival Ẩm thực Quốc tế Huế và Festival Âm nhạc Huế sẽ diễn ra vào mùa đông.

Theo dự báo mới đây của Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương (PATA), quá trình hồi phục sẽ diễn ra theo các giai đoạn: (1) nới lỏng hạn chế đi lại; (2) du lịch nội địa hồi phục; (3) các đường bay được khôi phục; (4) thị trường khách đi lẻ hồi phục; (5) thị trường khách đoàn đi số lượng lớn hồi phục.

Liên kết giảm giá dịch vụ

Tại Việt Nam và một số nước khác, khi có dấu hiệu các hạn chế được nới lỏng, các hãng hàng không đã có kế hoạch khôi phục đường bay và tăng tần suất chuyến bay. Theo chia sẻ của Giáo sư Dimitrios Buhalis, Đại học Bournemouth tại Hội thảo trực tuyến do Tổ chức Du lịch Thế giới tổ chức ngày 21.4.2020, thị trường du lịch nội địa sẽ hồi phục trước nhưng cũng từng bước một, trước hết đối với nhóm khách công vụ và khách thăm họ hàng và bạn bè do nhu cầu kết nối lại công việc và các mối quan hệ mật thiết.

Đối với các cơ sở dịch vụ, việc thiết kế sản phẩm để bảo đảm an toàn về y tế khi dịch bệnh chưa hoàn toàn được khống chế cũng sẽ là yêu cầu quan trọng được đặt ra, nhất là đối với vấn đề vệ sinh và giữ khoảng cách tối thiểu.

Tại hội thảo này, một số đặc điểm sau khủng hoảng cũng được nhấn mạnh: Sau dịch COVID-19, khó khăn được dự báo sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đón khách du lịch đại trà, hãng tàu biển du lịch, hãng lữ hành quy mô nhỏ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam đã dừng hoạt động khi dịch bùng phát. Sau giai đoạn cách ly, thị trường du lịch tiếp cận môi trường số sẽ có nhiều yếu tố mới theo hướng năng động, tích cực hơn.

Theo kế hoạch Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ, các hoạt động phục hồi ngành du lịch sẽ được tập trung trong 3 giai đoạn. Khi Việt Nam công bố hết dịch, Bộ sẽ tập trung vào kích cầu thị trường du lịch nội địa. Ở giai đoạn này, chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn” sẽ được tập trung thực hiện. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ đưa ra các gói kích cầu tiêu dùng và sử dụng dịch vụ du lịch.

Khi Việt Nam và một số nước công bố hết dịch, dự kiến là các nước ở châu Á sẽ công bố hết dịch trước, ngành du lịch sẽ tập trung phát động chương trình “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” (Vietnam NOW - Safety and Smiling). Vào giai đoạn này, du lịch sẽ đẩy mạnh thêm chương trình dành cho du khách quốc tế cũng bằng các gói sản phẩm kích cầu. Chính sách thị thực sẽ cởi mở hơn. Khi thế giới hết dịch, các chương trình quảng bá và gói sản phẩm kích cầu sẽ được tung ra nhiều hơn cho du khách nội địa và quốc tế.

Các địa phương cũng dự định tập trung mạnh mẽ cho các chương trình kích cầu. Hiệp hội Du lịch TP.HCM đang chuẩn bị chương trình kích cầu du lịch mới, sẽ đưa ra ngay khi Việt Nam công bố hết dịch. Với chương trình này, mức giảm giá cho du khách sẽ nhiều hơn chương trình mà Hiệp hội đưa ra hồi sau Tết Nguyên đán 2020, ước tính có thể sẽ giảm từ 30-40% so với giá cùng kỳ năm ngoái. Sau dịch, các gói kích cầu đầu tiên sẽ dành cho thị trường nội địa.

Tú Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư