Chủ tịch Thế Giới Di Động lạc quan chuẩn bị phương án để phục hồi khi dịch bệnh kết thúc

Chủ tịch Thế Giới Di Động lạc quan chuẩn bị phương án để phục hồi khi dịch bệnh kết thúc

Đánh giá về cơ hội từ dịch COVID-19, chủ tịch Nguyễn Đức Tài tin rằng Thế Giới Di Động tuy lớn nhưng có sức mạnh, biết cách xoay chuyển, thậm chí tận dụng cơ hội thị trường sàng lọc doanh nghiệp có sức cạnh tranh thấp để lấy thêm thị phần.

Ngành bán lẻ và cú thử mang tên COVID-19

Theo khảo sát mới nhất từ Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của COVID-19 đến hành vi của người tiêu dùng được thực hiện từ ngày 9-15/3/2020, hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, trong khi 52% người được hỏi nói rằng họ gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà. Bên cạnh đó, 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài (tăng 57% so với mức giảm 25% khi được đo lường trong tháng 2).

Hành vi tiêu dùng thay đổi trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo theo tác động tiêu cực tới ngành bán lẻ. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới ngành này cũng được Bộ Công Thương đề cập trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây. Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động kinh doanh trong 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp bán lẻ đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Tại hệ thống Lotte, doanh thu tháng 2 giảm khoảng 50% so với tháng 1/2020 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tại hệ thống Aeon Việt Nam, doanh thu tháng 1/2020 giảm 2%; tháng 2 giảm 6% so với kế hoạch đề ra. Tại Saigon Co.op, doanh thu cho thuê mặt bằng giảm 50%, doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II, giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài...

Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay đều gặp khó khăn, doanh số sụt giảm chung từ 15-20%.

Ngay cả ông lớn ngành bán lẻ là Thế Giới Di Động cũng không thoát khỏi bối cảnh u ám khi thị giá cổ phiếu từ mức 120.000 đồng ngày 22/1 giảm sâu 50%, có lúc dưới về mức 56.300 đồng/cổ phiếu ngày 31/3.

Giá cổ phiếu di động xuống mức 56.300 đồng ngày 31/3.

Khi được hỏi vì sao giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua trong buổi gặp giữa lãnh đạo công ty này với các nhà phân tích ngày hồi đầu tháng 4, chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết: “Đây là câu hỏi tôi tự hỏi chính mình, cuối cùng tôi cảm thấy các nhà đầu tư cá nhân trả lời câu hỏi này là tốt nhất vì họ là người đưa ra quyết định cắt lỗ. Nếu các bạn tin thì mua vào, còn nếu các bạn nghĩ doanh nghiệp này chỉ có cái vỏ thì bán ra. Các bạn bán ra thì thiệt hại nhiều quá, tôi nhìn còn thấy đau cho các bạn”.

Cũng không thể trách các nhà đầu tư cá nhân khi bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 phức tạp hồi tháng 3 khiến họ e ngại. Đặc biệt hơn nữa bệnh nhân thứ 35 là một nhân viên bán hàng tại siêu thị Điện máy Xanh ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ngay lập tức Thế Giới Di Động đã đóng cửa siêu thị này và cho toàn bộ nhân viên của siêu thị cách ly tại nhà.

Theo số liệu CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết Thế Giới Di Động phải đóng cửa khoảng 15% số cửa hàng, chủ yếu thuộc chuỗi bán lẻ điện thoại di động và điện máy trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua. Báo cáo phân tích của công ty chứng khoán SSI mới đây cũng cho biết khoảng 200 cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) bị chính quyền địa phương yêu cầu đóng cửa tạm thời cho đến khi có thông báo tiếp theo. Tất cả các cửa hàng này đều ở Hà Nội. Tỷ trọng doanh thu của các cửa hàng ở Hà Nội trong tổng doanh thu không được tiết lộ.

Hiện tại mặc dù các cửa hàng đã được mở cửa trở lại nhưng nhận định của công ty chứng khoán Rồng Việt khá thận trọng khi đánh giá tăng trưởng doanh số cửa hàng hiện hữu tại TGDĐ và DMX sẽ chịu tác động tiêu cực trong quý 2 năm nay và cho đến khi COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM – hai thị trường lớn nhất, chiếm hơn 20% số lượng cửa hàng của ông lớn này.

VDSC cho rằng mặc dù kênh online sẽ bù đắp một phần tổn thất doanh số tại cửa hàng, khách hàng ở các thành phố lớn có thể tìm thấy các lựa chọn thay thế tại các trang web thương mại điện tử khác với giá có thể rẻ hơn trong khi lợi thế tại kênh online của MWG từ mạng lưới cửa hàng rộng khắp chỉ rõ rệt nhất ở những địa phương mà các website thương mại điện tử khó tiếp cận. Hơn nữa, công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tăng doanh số bán TV vì giải bóng đá EURO được dời lại đến năm 2021.

Trong nguy liệu có nắm được cơ?

“Dịch bệnh làm cho thu nhập người dân bị ảnh hưởng, tổng nhu cầu có thể bị sụt giảm, nguồn cung có khả năng bị sụt giảm theo. Quan trọng là ai trụ lại, chuẩn bị phương án để khi dịch bệnh kết thúc, đứng lên và chạy nhanh về tương lai”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ tại buổi gặp mặt hồi đầu tháng 4 mới đây.

Tư duy lạc quan của ông Tài cũng không phải là không có căn cứ. “Người ta hay nói, khi có sự cố như cháy rừng, những con thú lớn, như voi chậm chạp, nặng nề dễ bị chết cháy. Thế Giới Di Động tuy lớn nhưng không phải là người béo phì, chậm chạp mà có sức mạnh, biết cách xoay chuyển, thậm chí tận dụng cơ hội thị trường sàng lọc doanh nghiệp có sức cạnh tranh thấp để lấy thêm thị phần”, ông Tài nhận định về cơ hội trong bối cảnh hiểm nguy thị trường.

Đó cũng là lý do chủ tịch Thế Giới Di Động và cổ đông nội bộ đăng ký mua vào khi xem đây đây là cơ hội ngàn năm có một để tăng tỷ lệ sở hữu. Theo ông Tài, doanh thu và lợi nhuận công ty này vẫn tăng do việc đăng ký mua vào khi giá cổ phiếu giảm mạnh.

Số liệu báo cáo tài chính kiểm toán 2019 với doanh thu thuần công ty này tăng 18,1% đạt 102.174 tỷ đồng và LNST tăng 33,2%, đạt 3.836 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí BH&QLDN/doanh thu là 12,2% (2018: 11,2%), trong khi biên lợi nhuận gộp tăng lên 19,1% từ 17,7% trong năm 2018. Theo lý giải của công ty chứng khoán ACB, việc mở rộng danh mục sản phẩm hướng tới các sản phẩm có biên lợi nhuận cao kết hợp mô hình shop-in-shop là một trong những lý do giúp tăng trưởng lợi nhuận vượt trội hơn doanh thu.

Trong cơ cấu sản phẩm, điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay & phụ kiện chiếm 43% doanh thu, nhóm sản phẩm điện máy đóng góp 39,5%, thực phẩm tươi sống và FMCG đóng góp 10,5%, còn lại là các sản phẩm khác như đồng hồ, thiết bị gia dụng nhỏ, sim, thẻ cào, dịch vụ.

Theo phân tích của SSI mới đây, mặc dù tiêu dùng hộ gia đình đã chuyển hướng sang các mặt hàng cần thiết, một số sản phẩm ICT của Thế giới di động ghi nhận mức tăng trưởng nhu cầu mạnh mẽ trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát.

Bao gồm máy tính xách tay và máy tính bảng cho mục đích làm việc tại nhà và học online (doanh thu tháng đối với máy tính xách tay tăng 200% so với mức thông thường, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 1-2/2020), tủ lạnh để dự trữ thực phẩm, sản phẩm gia dụng để nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài và các thiết bị điện tử để giải trí tại nhà (thiết bị âm thanh, karaoke). Sản lượng tiêu thụ máy tính xách tay hoàn thành 40% kế hoạch cả năm 2020.

SSI cũng chỉ ra những ảnh hưởng tích cực của dịch COVID-19 đối với mảng bách hóa của Thế Giới Di Động. Theo đó trong thời gian dịch bệnh, các cửa hàng bách hóa không bắt buộc đóng cửa và trở thành một phần thiết yếu của các khu phố trong cả nước. Không ngạc nhiên khi lợi nhuận cũng tăng lên. Trong tháng 3/2020 BHX chứng kiến mức tăng số lượng hóa đơn theo tháng (17 triệu hóa đơn trong tháng 3/2020 so với 12 triệu hóa đơn trong tháng 2/2020), và tăng lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng (600-800 người mua sắm hàng ngày trong tháng 3/2020 so với mức 500 người/ngày thông thường).

Xét về tổng doanh thu mảng này đạt 1,8-1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4-2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tương ứng doanh thu/tháng/cửa hàng đạt 1,53-1,62 tỷ đồng (so với 1,3 tỷ đồng/cửa hàng trong tháng 12/2019, theo ước tính của SSI), mức cao kỷ lục cho đến nay theo SSI.

Không giống như mảng ICT, mảng bách hóa sẽ mở mới cửa hàng như kế hoạch ban đầu của Thế Giới Di Động. Đến cuối năm 2020, 700-1.000 cửa hàng mới sẽ được mở. Số lượng cửa hàng BHX tại thời điểm hiện tại đã đạt 1.174 cửa hàng (166 cửa hàng mới tính từ đầu năm, vượt kế hoạch một chút).

Ngoài ra khi nhu cầu giao hàng đến nhà tăng lên và lưu lượng khách hàng tại cửa hàng cao trong thời gian dịch bệnh, Thế Giới Di Động nhanh chóng ra mắt dịch vụ “đi chợ thay cho khách hàng” trong tháng 4 để gia tăng doanh thu. Khi khách hàng đặt hàng trên ứng dụng, đơn hàng sẽ được phân bổ cho cửa hàng BHX gần nhất và nhân viên phụ trách sẽ mua sản phẩm và sắp xếp giao hàng. Sự khác biệt giữa BHX online và “đi chợ thay cho khách hàng” như sau:

So sánh giữa BHX online và Dịch vụ "đi chợ thay khách hàng".

Trong dịch lượng đơn hàng online trung bình mỗi ngày tại BHX có thể lên đến 5.000 đơn hàng, tăng 50% so với trước kia. Tuy nhiên, chuỗi này hiện đang gặp những hạn chế trong việc quản trị chuỗi cung ứng giao vận, gặp tình trạng hụt hàng, hoặc hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của khách... bất chấp việc doanh nghiệp đã có sẵn chuỗi 500 cửa hàng bách hóa và các tổng kho. Do đó, dự kiến doanh nghiệp sẽ mở mới 3 trung tâm phân phối hiểu nôm na như các đại siêu thị chứa hàng để phục vụ việc giao đồ tươi sống online.

“Khâu lớn nhất của giao hàng tươi sống của BHX là giải quyết bài toán tồn kho chính xác. Phải thực sự đặt online phải có. Ví dụ mình đặt 500 gram thịt bò thì khi đến siêu thị, trung tâm phân phối phải có 500 gram thịt bò đó. Hiện tại bài toán khá nhức đầu, đảm bảo hàng còn và hàng chất lượng phải tốt”, ông Trần Nhật Linh, Giám đốc kênh bán hàng online, BHX trả lời phỏng vấn VTV mới đây.

Thị trường bán lẻ thực phẩm là đại dương đỏ thẫm với nhiều anh tài trong và ngoài nước góp mặt. Liệu Thế Giới Di Động có tận dụng được COVID-19 để xoay chuyển cục diện thị trường hay không, nhà đầu tư còn cần nhiều thời gian để quan sát.

Thảo Nguyên
Nguồn CafeBiz