Thế hệ kế nghiệp Việt Nam: Cơ hội lãnh đạo chưa tương xứng tham vọng phát triển

Thế hệ kế nghiệp Việt Nam: Cơ hội lãnh đạo chưa tương xứng tham vọng phát triển

Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có khao khát cống hiến và có khả năng tạo ra ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhưng phần lớn lại cảm thấy bị “bó hẹp” và thiếu cơ hội phát triển trong chính môi trường kinh doanh gia đình mình, PwC chỉ ra nghịch lý này trong báo cáo mới nhất về thế hệ kế nghiệp ra mắt tháng 3.2020.

Theo báo cáo "Khảo sát thế hệ kế nghiệp 2019: Tâm điểm Việt Nam" của PwC, 44% thế hệ kế nghiệp của Việt Nam đều đang tham gia tích cực vào các doanh nghiệp gia đình, chủ yếu thuộc các nhóm ngành công nghiệp và sản xuất (30%), bán lẻ (30%), xây dựng và bất động sản (13%).

Tuy vậy tầm nhìn và động lực phát triển có được từ thế hệ sáng lập ngày càng mờ nhạt qua từng thế hệ. Báo cáo cho rằng như nhiều nơi trên thế giới, phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cũng đang gặp khó trong việc chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ tiếp theo.

Nguyên nhân nằm ở hai rào cản lớn: cấp độ kinh nghiệm của bản thân thế hệ kế nghiệp và phương thức quản trị công ty hiện tại. Có thể thấy tác động của những rào cản này đặc biệt rõ rệt hơn đối với thế hệ kế nghiệp Việt Nam so với trong khu vực và trên thế giới.

Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả doanh nghiệp gia đình) ước tính đóng góp khoảng 42% vào GDP của cả nước năm 2018, theo Tổng Cục thống kê. Ảnh: Forbes.com

PwC chỉ ra 90% thế hệ kế nghiệp Việt Nam đều là những người trẻ nằm trong độ tuổi từ 21-34. 81% người tham gia khảo sát ở Việt Nam đều thuộc thế hệ thứ hai, tỷ lệ này cao hơn so với con số 61% trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 49% trên toàn cầu.

Chính vì hạn chế trong kinh nghiệm và chuyên môn, chỉ 16% người kế nghiệp trẻ Việt Nam đang nắm giữ vai trò giám đốc điều hành. Tuy vậy điểm lạc quan là 38% các cá nhân này đang mong muốn nắm giữ vị trí giám đốc điều hành trong năm năm tới để có thể đưa doanh nghiệp gia đình vào giai đoạn phát triển mới.

Con số này tăng vọt hơn hẳn so với tỉ lệ 16% của năm 2019.

Phần lớn doanh nghiệp gia đình Việt Nam thường không có lợi thế cạnh tranh về phương diện sử dụng hiệu quả công nghệ và xây dựng văn hóa doanh nghiệp đón đầu thay đổi. 80% số người tham gia khảo sát cho rằng số hóa, đổi mới sáng tạo và công nghệ được xem là các thách thức lớn đối với thành công của doanh nghiệp.

Thế hệ kế nghiệp Việt Nam dường như sinh ra để lấp kẽ hở này của doanh nghiệp gia đình. 90% người được khảo sát lựa chọn Internet vạn vật (IoT) là xu hướng công nghệ mới nổi có tác động lớn nhất đến các doanh nghiệp gia đình trong tương lai. Tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 76%.

Thế hệ kế nghiệp rất đa dạng và mang trong mình những nhu cầu cũng như nguyện vọng khác nhau. "Để tiếp cận, họ cần có phương pháp phù hợp xây dựng trên nền tảng của chính những nhu cầu và mong muốn đó", ông Peter Englisch, lãnh đạo khối doanh nghiệp gia đình toàn cầu của PwC cho biết.

Cụ thể, thế hệ kế nghiệp Việt cần chuyên nghiệp hóa và nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực để thích ứng với tương lai nhiều biến động trước mắt.

Các doanh nghiệp gia đình thường được xem là xương sống của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Theo dữ liệu từ Viện doanh nghiệp gia đình, ước tính hàng năm các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 70-90% vào GDP toàn cầu và tạo ra 50-80% việc làm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả doanh nghiệp gia đình) ước tính đóng góp khoảng 42% vào GDP của cả nước năm 2018, theo số liệu truy cập tháng 3.2020 của Tổng Cục thống kê Việt Nam.

Giang Lê
Nguồn Forbes Vietnam