Doanh số thực phẩm đóng gói tăng hơn 50% trong mùa COVID-19

Doanh số thực phẩm đóng gói tăng hơn 50% trong mùa COVID-19

Mặt hàng đồ hộp, thực phẩm đóng gói, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… là những món hàng được mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử trong thời gian gần đây.

Theo ghi nhận từ một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn, nhu cầu mua sắm các mặt hàng như đồ hộp, thực phẩm đóng gói, khẩu trang… tăng mạnh trong tháng 2 và 3 năm nay. Có những mặt hàng như đồ hộp, thực phẩm đóng gói, chai xịt khử khuẩn… tăng so với mức bình thường lên tới 60-160%.

Cụ thể, sàn TMĐT Lazada Việt Nam cho biết, trong vòng 4 tuần qua (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 3-2020), Lazada ghi nhận nhu cầu mua sắm với ngành hàng chai xịt phòng, chai khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%…

Còn sàn TMĐT Tiki cho biết, mức độ tăng trưởng về nhu cầu mua sắm trên sàn này từ đầu tháng 2 đến nay (giữa tháng 3) tăng 15% so với hai tháng cuối năm ngoái. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên sàn có xu hướng tăng mạnh từ khi dịch bệnh bùng nổ trong giai đoạn gần đây. Có những thời điểm ước tính trên sàn này phát sinh tới 4.000-5.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục.

Lượng đơn hàng mua sắm các mặt hàng đồ hộp, thực phẩm đóng gói, khẩu trang... đang tăng mạnh trên các sàn TMĐT. Ảnh: Ngọc Thanh

Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng Giám đốc phát triển doanh nghiệp tại Tiki cho biết, bên cạnh việc kiểm soát giá bán sản phẩm, Tiki luôn nỗ lực đảm bảo nguồn cung hàng hoá, điển hình như sản phẩm nước rửa tay bởi đây được xem là một trong những phương pháp phòng chống dịch bệnh được các chuyên gia và bác sĩ kiến nghị.

Đại diện sàn TMĐT Lazada cũng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên gần đây, Lazada đã chủ động làm việc với các thương hiệu và nhà bán hàng để mở rộng nguồn cung, đa dạng hóa các sản phẩm nhằm đáp ứng tối ưu nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Theo các sàn TMĐT, việc hàng hóa được lưu trữ tại các trung tâm vận hành ở nhiều tỉnh thành sẽ giúp họ chủ động đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách nhanh chóng trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Ngoài ra, đối với những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm đóng gói, hàng tiêu dùng… đang tăng mạnh số lượng đơn hàng sẽ tiếp tục được cung cấp đầy đủ cho khách hàng với thời gian giao hàng nhanh nhất.

Kết quả khảo sát thị trường các tháng đầu năm nay do Kantar Worldpanel cho biết, ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam tăng trưởng chậm lại dù cho bức tranh năm ngoái hết sức lạc quan.

Ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đóng gói và sản phẩm chăm sóc cá nhân duy trì tăng trưởng trong khi các ngành hàng đồ uống giảm sâu trong mùa được cho là cao điểm này (mùa Tết) do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Người tiêu dùng Việt Nam tại khu vực 4 thành phố chính gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ có xu hướng mua trữ ba nhóm hàng hóa. Thứ nhất là nhóm các sản phẩm vệ sinh cá nhân và gia đình. Nước rửa tay, xà phòng và các sản phẩm lau chùi nhà cửa đều tăng trưởng 2 chữ số thậm chí 3 chữ số.

Thứ hai là nhóm ngành hàng thực phẩm tiện lợi và gia vị nấu ăn. Đồ đông lạnh, đồ hộp, mì gói các loại và dầu ăn là một vài ngành hàng tiêu biểu đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong mùa dịch.

Nhóm hàng thứ ba mà người tiêu dùng cũng đang hướng đến là các sản phẩm bổ sung dưỡng chất và giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt dành cho nhóm người già và trẻ em với tỷ lệ rủi ro cao hơn.

Về kênh mua sắm, mua sắm trực tuyến chiếm ưu thế, hiện tăng trưởng 3 chữ số.

Sự tăng trưởng đáng chú ý đến từ các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini – nơi cung cấp sản phẩm vệ sinh, đa dạng về chủng loại, cập nhật nhanh các chương trình hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh như giao hàng tận nhà, bình ổn giá, “giải cứu” nông sản…

Chí Thịnh - Vũ Yến
Nguồn Saigon Times