Tiến Dũng, Hoàng Thị Loan và thời đại của các KOL bóng đá

Tiến Dũng, Hoàng Thị Loan và thời đại của các KOL bóng đá

Sau Quang Hải, Tiến Dũng, Công Phượng của bóng đá nam, Hoàng Thị Loan trở thành cái tên kế tiếp, KOL đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam.

Tháng 1/2018, thành công của U23 Việt Nam ở Thường Châu mở ra kỷ nguyên rực rỡ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam đồng thời khai sinh một thế hệ ngôi sao mới, những người không chỉ nổi tiếng trong địa hạt thể thao mà còn là thần tượng của cả đất nước, được hàng triệu người quan tâm và theo dõi. Với lứa cầu thủ ấy, lần đầu tiên trong lịch sử, các ngôi sao bóng đá đạt được vị trí ngang hàng với những ca sĩ, diễn viên showbiz.

Gần 2 năm sau thành công của U23 Việt Nam, bóng đá nữ Việt Nam cũng chứng kiến sự ra đời của một ngôi sao tương tự mang tên Hoàng Thị Loan.

Thành công của U23 Việt Nam ở Thường Châu 2 năm về trước đã mở ra một thời đại mới cho các cầu thủ bóng đá nam ở Việt Nam, thời đại mà họ có thể nổi tiếng ngang với các ngôi sao giải trí. Ảnh: Hoàng Hà

KOL thể thao là gì?

KOL là viết tắt của từ tiếng Anh Key opinion leader (tạm dịch, người nổi tiếng có ảnh hưởng xã hội). Lịch sử thể thao Việt Nam trước Thường Châu từng chứng kiến rất ít KOL như Lê Công Vinh, Phạm Văn Quyến, Nguyễn Hồng Sơn. Tuy nhiên, họ đều là những hiện tượng cá biệt của thời đại mình. Với lứa Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Công Phượng, Đỗ Duy Mạnh, bóng đá Việt Nam có cả một thế hệ KOL mới.

Không kém các KOL ca sĩ, diễn viên trong giới giải trí, KOL thể thao ngày nay sở hữu những trang cá nhân có hàng triệu người theo dõi (Tiến Dũng 3,1 triệu, Công Phượng, 2,4 triệu, Quang Hải 2,2 triệu...). Tuy nhiên, họ có nhiều điểm khác các KOL giải trí, vốn là hình mẫu trước đó cho sự nổi tiếng.

Mục đích nội tại của một KOL giải trí là trở nên nổi bật trong một ngành công nghiệp mà thành công được đo bằng sự nổi tiếng. Ngược lại, mục đích của một cầu thủ bóng đá là thành công trên sân cỏ. Do mục đích khác nhau, cầu thủ bóng đá coi sân bóng là tất cả, còn nghệ sĩ thì không. Một bên xem sự nổi tiếng là mục đích cuối cùng, bên kia coi đó chỉ là giá trị thặng dư đi kèm.

Khác với các ngôi sao giải trí, cầu thủ bóng đá có lợi thế là sự lan tỏa và khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Hà

Tuy nhiên, thành công của U23 Việt Nam ở Thường Châu đã cho ra đời một thị trường mới, nơi giá trị phụ của các cầu thủ được phát triển lên một tầm cao chưa từng có. Một trong những lãnh đạo thể thao, ông Tống Đức Thuận, chia sẻ với Zing.vn: “Không phải tới bây giờ, cầu thủ mới nổi tiếng mà họ đã nổi tiếng trước đó lâu rồi. Tuy nhiên, một thị trường mới đã hình thành sau cú nổ Thường Châu. Nhu cầu khách hàng cần thì các hãng quảng cáo, các đơn vị truyền thông chuyển sang đối tượng cầu thủ. Theo tôi biết, thị trường cầu thủ nổi tiếng hiện đã trở nên rất sôi động”.

Khác với các KOL giải trí, cầu thủ bóng đá có lợi thế riêng là khả năng truyền cảm hứng và mức độ phủ sóng. Các trận cầu của họ có hàng triệu người theo dõi, mức rating truyền hình không gì so sánh được, công chiếu cả trong nước và quốc tế. Khi họ ra sân, người hâm mộ cảm thấy cầu thủ đang đại diện cho cả dân tộc.

Còn gì đẹp và lan tỏa hơn hình ảnh Duy Mạnh cúi đầu trước quốc kỳ trong một trận chung kết châu Á, nơi Quang Hải và đồng đội vừa đặt Việt Nam lên vị trí số hai châu lục bằng bàn thắng thậm chí có cái tên riêng là “cầu vồng tuyết”?

Tại một sự kiện ở Hà Nội hồi năm ngoái, cả khán phòng đã dành những tràng cổ vũ cuồng nhiệt lúc Quang Hải bước lên sân khấu trong một sự kiện có cả dàn hoa hậu như Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Đỗ Mỹ Linh, Lương Thùy Linh... Không ai trong số họ được yêu mến như Quang Hải.

Bùi Tiến Dũng là KOL tiên phong trong thế giới bóng đá nam. Là người đi đầu, Tiến Dũng có nhiều thuận lợi nhưng cũng vấp phải nhiều khó khăn, chỉ trích. Ảnh: Minh Chiến

Giá đi sự kiện của nhóm ngôi sao bóng đá hàng đầu hiện là 50-100 triệu đồng, tương tự thế là 10-20 triệu cho mỗi dòng chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều nhãn hàng đã chọn các KOL tới từ giới thể thao thay vì giải trí và xác định họ là nhân vật trung tâm trong sự kiện.

Thử thách đến từ sự định kiến

Đương nhiên, ra đời sau và đang trong giai đoạn hình thành, các KOL thể thao đối mặt với nhiều khó khăn đặc thù.

Khó khăn đầu tiên và lớn nhất của các KOL thể thao tới từ định kiến của công chúng. Một bộ phận lớn vẫn kỳ thị các cầu thủ đi quảng cáo, lo ngại điều đó ảnh hưởng tới năng lực sân cỏ của họ. Nhân vật nhận nhiều chỉ trích dạng này nhất là cựu thủ môn U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng, người mà tiến bộ sân cỏ mâu thuẫn với sự nổi tiếng anh đã dành được vài năm qua. Ngoài Tiến Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Xuân Trường đều từng đối mặt với những vấn đề tương tự.

Ông Tống Đức Thuận cho rằng: “Tôi nghĩ định kiến đó là một phần cuộc sống. Tôi khẳng định không phải cứ làm quảng cáo là không đá được. Một tháng, cầu thủ giỏi thì được vài cái quảng cáo, chuyện này không ảnh hưởng tới việc tập luyện của họ”.

Jorge Mendes (trái) là người đại diện, ông trùm môi giới có ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp siêu sao Cristiano Ronaldo.

Ảnh: Instagram nhân vật

“Ta cần hiểu khi họ làm quảng cáo, họ có tiền, họ chăm sóc được cho gia đình họ. Còn đá bóng mà cứ phải lo gửi tiền về nhà thì các bạn ấy không thể tập trung được. Nguyên tắc là bớt nỗi lo thì tập trung việc chính và có tiền thì tốt hơn không có tiền”, ông Thuận nói.

Khó khăn thứ hai của cầu thủ Việt Nam khi tham gia thế giới KOL là vấn đề thời gianngười hỗ trợ. Khác với các ngôi sao giải trí vốn xem đây là sự nghiệp chính, cầu thủ phải xem sân bóng và các trận đấu là nhiệm vụ số một. Cường độ tập luyện, thi đấu khắc nghiệt của thể thao chuyên nghiệp không cho phép họ dành nhiều thời gian, công sức cho các hoạt động bên lề.

Bởi thế, họ cần người hỗ trợ mình, thay mình xử lý các công việc bên ngoài sân cỏ. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) có một danh xưng (người đại diện), những luật lệ đi kèm và giấy phép chính thức cho những cá nhân như vậy. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng người đại diện FIFA không nhiều. Đa phần cầu thủ cũng chưa có người đại diện. Một số khác có người hỗ trợ, đồng hành cùng họ trong các hoạt động.

Do hoạt động đại diện chưa chuẩn hóa, sự hỗ trợ dành cho cầu thủ, giao tiếp giữa cầu thủ và CLB chủ quản về các vấn đề thương mại vẫn là một khoảng trống tương đối lớn của bóng đá Việt Nam. Nhiều cầu thủ cũng chưa có đại diện đủ trình độ và tầm nhìn. Trong nhiều trường hợp, những người đại diện chỉ xem cầu thủ là máy in tiền, sẵn sàng làm mọi thứ để mang lại lợi nhuận nhiều nhất chứ chưa chú ý chăm sóc khía cạnh chuyên môn của họ.

Hoàng Thị Loan - KOL đầu tiên của bóng đá nữ

Sau các năm cầu thủ, thành công ở SEA Games 2019 biến Hoàng Thị Loan thành KOL kế tiếp trong thế giới thể thao. Đồ họa: Minh Phúc

Tháng 12/2019, Hoàng Thị Loan trở thành KOL đầu tiên trong giới bóng đá nữ sau tấm HCV SEA Games 2019 của tuyển nữ Việt Nam. Vẻ xinh xắn, nữ tính cùng thể hiện ấn tượng trong hai trận bán kết và chung kết giúp Loan nhận được sự quan tâm cực lớn từ người hâm mộ.

Trang cá nhân của Hoàng Thị Loan tăng phi mã sau 2 trận đấu và đã đạt hơn 240.000 theo dõi. Nữ cầu thủ trưởng thành từ Hà Tây cũ cũng sở hữu một trang fanpage với 28.000 người theo dõi cùng một tài khoản Instagram khác.

Các con số ấy ấn tượng hơn nhiều tuyển thủ quốc gia nam như Đỗ Hùng Dũng (150.000 theo dõi), Nguyễn Trọng Hoàng (178.000 theo dõi)..., vượt trội các đồng đội của Hoàng Thị Loan ở tuyển nữ như đội trưởng Huỳnh Như (8.000 theo dõi) hay chủ nhân 2 Quả bóng vàng Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Dung (30.000 theo dõi).

Sau SEA Games, Loan nhận được vô số đề nghị kết bạn, có nhiều lịch phỏng vấn từ báo đài và hàng loạt lời mời đi sự kiện. Cô gái sinh năm 1995 đã trở thành một hiện tượng đặc biệt, KOL đầu tiên trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam.

“Mình rất là bối rối vì chưa bao giờ mình được quan tâm nhiều như thế. Thứ hai là mình cũng rất bất ngờ vì lần đầu tiên mà bóng đá nữ được quan tâm nhiều và bản thân mình cũng là người đầu tiên được như thế”, Hoàng Thị Loan chia sẻ với Zing.vn.

Loan vẫn tập luyện bình thường, luôn nỗ lực và vẫn có mặt tại đội tuyển quốc gia. Mới 25 tuổi, Loan còn tương lai tươi sáng ở phía trước. Ảnh: Minh Chiến

Cô cũng đối mặt với những vấn đề tương tự các cầu thủ nam. Ở CLB Hà Nội, Hoàng Thị Loan là trụ cột nhưng tại đội tuyển, cô chưa phải cái tên không thể thay thế. Là cầu thủ nữ nổi tiếng nhất, nhưng Loan chưa nằm trong đội hình chính của đội bóng. Bản thân Loan cũng chưa được trang bị các kiến thức hay kỹ năng để xây dựng và bảo vệ hình ảnh cá nhân.

Ông Thuận cho rằng: “Trường hợp Hoàng Thị Loan là một sự kiện, một trường hợp xưa nay chưa từng có. Đêm trước, không ai biết bạn nhưng sau một đêm, cả nước biết bạn, mạng xã hội của bạn tăng mấy chục nghìn theo dõi. Tôi nghĩ để đón nhận sự nổi tiếng, các cầu thủ phải có sự chuẩn bị. Nhiều người tôi biết sốc vì phải đối mặt với việc đó. Tuy nhiên, may là hiện tại đã dễ dàng hơn, các bạn cầu thủ, kể cả những người chưa có tiếng tăm đã được hỗ trợ và chuẩn bị tốt”.

Sau các nam cầu thủ, sự nổi tiếng của Hoàng Thị Loan chứng minh rằng bóng đá nữ Việt Nam, địa hạt vốn ít được quan tâm, đang nhận được nhiều yêu mến hơn. Có Hoàng Thị Loan thứ nhất, có thể có những Hoàng Thị Loan thứ hai, thứ ba.

Sự nổi tiếng có thể đến với bất kỳ cầu thủ nào. Đó đương nhiên là tín hiệu tốt cho tương lai bóng đá Việt Nam. Chỉ có điều, cầu thủ phải sẵn sàng và chuẩn bị trước cho điều đó.

Minh Chiến
Nguồn Zing News