Sau Nguyễn Kim, chuỗi bán lẻ công nghệ nào sẽ về tay nước ngoài?

Sau Nguyễn Kim, chuỗi bán lẻ công nghệ nào sẽ về tay nước ngoài?

Nguyễn Kim chính thức về tay người Thái giữa năm 2019, dấy lên câu hỏi liệu có doanh nghiệp bán lẻ công nghệ nào đang được nước ngoài dòm ngó?

Từ giữa năm 2019, một công ty con của Central Group (Thái Lan) qua hai đợt mua cổ phiếu đã sở hữu hơn 81% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Nguyễn Kim). Cho đến nay, Nguyễn Kim là hệ thống lớn duy nhất trong các chuỗi bán lẻ công nghệ tại Việt Nam có cổ phần chi phối thuộc doanh nghiệp nước ngoài. Central Group đã tham gia Ban điều hành và thực hiện các bước thay đổi nhân sự ở chuỗi điện máy lâu đời này kể từ khi bắt đầu mua cổ phần NKT từ năm 2015.

Một siêu thị Nguyễn Kim ở Hưng Yên. Ảnh: nguyenkim

Câu hỏi đặt ra là liệu có doanh nghiệp ngoại nào đang nhắm đến việc sở hữu một chuỗi bán lẻ hàng công nghệ hoặc nhà bán lẻ nói chung nào ở Việt Nam hay không?

Ở lĩnh vực điện máy, Việt Nam hiện có những cái tên đáng chú ý gồm Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn, Thiên Hoà, Media Mart, Pico. Ở lĩnh vực điện thoại di động và các phụ kiện có chuỗi Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viettel Store, CellphoneS,...

Năm 2018, khi điện máy Trần Anh bị thâu tóm bởi Điện máy Xanh, ông Trần Xuân Kiên – cựu Chủ tịch HĐQT Trần Anh - đã đánh giá thị trường này “không còn tương lai”. Các số liệu thống kê cho thấy, người dân Việt Nam đa số đã có các vật dụng điện máy thiết yếu trong gia đình, dẫn đến nhu cầu giảm. Tại thời điểm đó, các chuyên gia cho rằng trừ Điện máy Xanh, một số chuỗi khác đang hoạt động cầm chừng và có thể chờ được mua lại.

Điện máy Trần Anh vào tay Điện máy Xanh.

Trước đó, vào năm 2015 - một nửa Nguyễn Kim đã về tay người Thái, và chính thức thuộc sở hữu gia tộc tỷ phú Thái vào giữa năm ngoái.

Do nắm đến gần 40% thị phần, Điện máy Xanh đang đẩy các chuỗi khác vào thế khó, thị phần bị thu hẹp. Do đó, khả năng một số chuỗi cần nguồn vốn nước ngoài hoặc sự tư vấn từ nước ngoài để tiếp tục hoạt động là có thể xảy ra.

Khi Central Group mua lại Nguyễn Kim, tập đoàn bán lẻ này muốn hoàn thành mảnh ghép bán lẻ tại Việt Nam khi đã có chuỗi bán lẻ tổng hợp (BigC), hai cửa hàng bán lẻ thời trang rất lớn (Robins); và Nguyễn Kim là cái tên sáng giá nhất ở TP.HCM, sau Điện máy Xanh.

Ở thời điểm này, khi thị trường đang cạnh tranh hơn, nhu cầu khách hàng không còn cao như trước, việc một đại gia bán lẻ nước ngoài nào đó muốn sở hữu một chuỗi bán lẻ điện máy có lẽ khó xảy ra. Một số vụ sáp nhập nếu có có lẽ đến từ các doanh nghiệp trong nước, như Điện máy Xanh với Trần Anh, VinPro với Viễn Thông A, là các ví dụ.

Thị trường cạnh tranh tới mức các doanh nghiệp am hiểu nội địa như Viễn Thông A, VinPro đều phải ra đi thì trừ khi có nhu cầu thực sự cao, có lẽ các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài phải thực sự cân nhắc trước khi nhảy vào.

Trong bối cảnh các chuỗi nhỏ hơn có thể chờ đợi một thương vụ M&A, chuỗi lớn như Thế Giới Di Động (và Điện máy Xanh) khả năng bán cho nước ngoài rất thấp. Ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập và chủ tịch HĐQT công ty - cổ đông tư nhân nắm vốn lớn nhất ở chuỗi này, thường xuyên khẳng định chuỗi này được xây dựng lên không phải để bán.

Song song đó, FPT Shop từng có giai đoạn tìm kiếm nhà đầu tư hồi năm 2016 do tập đoàn FPT muốn thoái vốn khỏi mảng bán lẻ. Thời kỳ đó, nói với ICTnews, lãnh đạo FPT Shop cho biết ưu tiên tìm nhà đầu tư có kinh nghiệm bán lẻ hoặc thương mại điện tử để giúp FPT Shop vững mạnh hơn. Tuy nhiên hồi đầu năm 2017, cổ phần FPT Shop đã bán cho các nhà đầu tư tài chính thuần tuý chứ không phải các chuỗi bán lẻ ngoại.

Cửa hàng bán lẻ FPT Shop

FPT Shop là cái tên sáng giá chỉ sau Thế Giới Di Động nhưng rõ ràng không nhiều nhà đầu tư muốn nhảy vào mảng bán lẻ công nghệ tại Việt Nam do quá cạnh tranh.

Mặc dù sẽ hiếm có một thương vụ M&A giữa doanh nghiệp nước ngoài với nhà bán lẻ công nghệ tại Việt Nam, nhưng trên thực tế nguồn vốn ngoại rót vào mảng này rất sớm, góp phần làm cho thị trường này cất cánh.

Tất cả những cái tên đình đám tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, FPT Shop đều được nhận nguồn vốn từ nước ngoài.

Thành lập năm 2004, chỉ 3 năm sau Thế Giới Di Động đã gọi vốn thành công từ Mekong Capital và làm bệ phóng để trở thành chuỗi bán lẻ công nghệ số 1 hiện nay tại Việt Nam. Trong Hội đồng quản trị công ty hiện tại có hai nhân sự nước ngoài, trong đó có cựu CEO BestBuy International - nhà bán lẻ hàng đầu ở Mỹ.

Trong khi Thế Giới Di Động nhận nguồn vốn ngoại rất sớm, “anh cả” Viễn Thông A mới bán 30% cổ phần cho TDMobile (Nhật Bản) hồi 2011. Trong Hội đồng quản trị công ty thời điểm đó, có hai đại diện Nhật Bản tham gia.

Mới đây nhất, vào năm 2017, Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FRT (chủ FPT Shop) cũng bán 30% cổ phần cho các quỹ đầu tư tài chính nổi bật tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, gần nửa cổ phần FRT đã thuộc tổ chức nước ngoài dù không thấy người nước ngoài trong Ban điều hành hay HĐQT của công ty.

Phân tích sẽ thấy mặc dù mảng bán lẻ công nghệ sẽ khó có sự tham gia M&A của doanh nghiệp nước ngoài giai đoạn này nhưng trên thực tế các quỹ đã nhanh nhạy đầu tư vào mảng này ở giai đoạn hoàng kim của thị trường.

Đại diện quỹ của Mekong Capital đầu tư vào Thế Giới Di Động khi thoái vốn từng phát biểu rằng khoản đầu tư đó là một trong những khoản đầu tư mang lợi nhuận nhất ở khu vực châu Á.

Trong thời gian sắp tới, mảng bán lẻ công nghệ tại Việt Nam có lẽ sẽ càng cạnh tranh khó khăn hơn, chỉ một số chuỗi hoạt động hiệu quả mới tồn tại lâu dài.

Hải Đăng
Nguồn ICT News