Ngành du lịch “khát” doanh nghiệp mạnh

Ngành du lịch “khát” doanh nghiệp mạnh

Ngành du lịch vẫn đang tìm những giải pháp cơ cấu lại nguồn khách, đa dạng hóa thị trường để phát triển bền vững. Một trong những lời giải căn cơ, theo các chuyên gia, đó là gia tăng nguồn lực doanh nghiệp, tạo nên một đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh trong lĩnh vực; đặc biệt là đầu tư hơn nữa cho mảng Inbound - thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều.

Năm 2019, dù có đến tám tháng đầu năm phập phồng do tốc độ tăng lượng khách quốc tế chậm lại nhưng ngành du lịch vẫn tiếp tục có một năm thành công về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đạt con số kỷ lục với hơn 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018. Khách nội địa đạt đến 85 triệu lượt, tăng 6% so với năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỉ đồng, tăng 16%.

Nhìn từ những con số này, có thể thấy ngành du lịch đã có bước phát triển cực kỳ ấn tượng, không chỉ trong năm qua mà liên tục trong những năm trở lại đây. Chỉ tính mảng du lịch quốc tế, trong giai đoạn 2015-2019, lượng khách đã tăng khoảng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lượt lên hơn 18 triệu lượt, tăng bình quân lên đến 22% mỗi năm, là mức tăng trưởng mơ ước của nhiều điểm đến trên thế giới.

Tuy nhiên, các con số trên chưa thể hiện được những vấn đề còn tồn tại của ngành. Đó là, cơ cấu nguồn khách vẫn còn quá lệch vào một vài thị trường. Trong đó, chỉ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm hơn 56% và phần lớn thị phần thuộc về doanh nghiệp nước ngoài; những thị trường nguồn khác như châu Âu, Nga, Nhật Bản chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Những thay đổi của mô thức kinh doanh du lịch và sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên thế giới đã đặt ra vấn đề cấp bách về xây dựng đội ngũ doanh nghiệp du lịch Việt Nam đủ sức “ra biển lớn”.

Năm 2019, lượng khách quốc tế đạt con số kỷ lục với hơn 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018. Ảnh: Đào Loan

Những cú giật mình

Hơn 20 năm trong ngành lữ hành, bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails Co.,LTD, gần như trải qua hết những thăng trầm của mảng này, từ những ngày đầu khi điểm đến Việt Nam còn lạ lẫm với khách nước ngoài, dễ mời chào du khách bằng sự mới mẻ, tươi mới cho đến những giai đoạn khó khăn từ khủng hoảng kinh tế, từ những dịch bệnh như SARS... Tình hình hiện tại tuy không có những sự cố “động trời” như trước đây nhưng thực tế kinh doanh, đặc biệt là trong hai năm gần đây có nhiều điều làm doanh nhân này suy nghĩ, phải chăng là mảng đưa du khách quốc tế đến Việt Nam (Inbound) sẽ tới giai đoạn khủng hoảng?

Thực tế, tuy lượng khách quốc tế của cả nước tăng nhưng không phải thị trường nào cũng tươi sáng, đặc biệt là với thị trường châu Âu. Tại nhiều doanh nghiệp chuyên về thị trường châu Âu, du khách cũng không tăng, thậm chí giảm. Có nhiều nguyên nhân được nhắc đến như việc nước Anh “Brexit” - rời Liên minh châu Âu (EU), kinh tế khu vực này chững lại, thậm chí khí hậu đang ấm lên cũng được cho là nguyên nhân vì có thể khiến người dân ở đây không cần đi xa để được ấm áp hơn. Tuy nhiên, còn có nhiều nguyên nhân khác, bao gồm sự cạnh tranh gay gắt giữa các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) với công ty lữ hành truyền thống và áp lực thâu tóm khách của những tập đoàn du lịch đa quốc gia.

Theo bà Tiên, điểm đến Việt Nam hiện đã trở nên quen thuộc với khách quốc tế nên họ có thể tự đi thông qua dịch vụ OTA, nơi thường bán với giá rẻ hơn so với giá của công ty tour truyền thống. Thêm vào đó, độ phủ sóng của các tập đoàn toàn cầu ngày càng lớn. Những tập đoàn lớn này mua bán, sáp nhập nhằm tạo nên những doanh nghiệp chân rết khắp các điểm đến, những kênh OTA có thể mua tận gốc bán tận ngọn để có giá tốt nhất. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp lữ hành nào cũng có thể có kỹ năng, vốn để tham gia mảng trực tuyến và chuyển đổi nhanh để bắt kịp môi trường cạnh tranh mới.

“Một công ty có quy mô vừa phải như chúng tôi cũng cần đến vài triệu đô la Mỹ để đầu tư cho mảng trực tuyến. Đây là khoản đầu tư lớn nhưng không phải cứ có tiền là làm được mà đòi hỏi doanh nghiệp phải có kỹ năng vì đây là một môi trường hoàn toàn khác. Mảng Inbound hiện rất khó nhằn”, bà nói.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng có ý kiến tương tự, cho rằng trong ba mảng gồm du lịch nội địa, du lịch ra nước ngoài (Outbound) và Inbound thì mảng Inbound là thách thức nhất và cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc nhất.

Du lịch Inbound là mảng khó của ngành Du lịch. Ảnh: Naciholidays

Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng thông tin từ nhiều cuộc họp về du lịch và thông tin riêng của TBKTSG có thể thấy phần lớn trong số hơn 2.600 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là làm mảng Outbound. Số lượng làm Inbound không những ít mà tại nhiều công ty lữ hành trong nước, lượng khách quốc tế đang dần ít đi. Lượng khách thường chỉ tăng ở một số công ty lớn; công ty có những thị trường hoặc những hợp đồng đặc biệt; công ty có chân rết ở nước ngoài hoặc có liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, được công ty mẹ gửi khách sang.

Tuy doanh nghiệp mảng nào cũng góp phần cho sự phát triển chung của ngành du lịch, nhưng trong bối cảnh mà Inbound đang đóng góp đến khoảng 60% tổng thu từ khách du lịch cũng như yêu cầu cấp bách về đa dạng nguồn khách, thay đổi cơ cấu thị trường để phát triển bền vững thì việc cần có thêm nhiều doanh nghiệp trong nước làm Inbound, mạnh về Inbound là rất cần thiết.

Cái khó của doanh nghiệp

Trao đổi với TBKTSG về nguyên nhân rời bỏ mảng Inbound hoặc giảm bớt đầu tư cho mảng này, câu nói chung của một số doanh nghiệp thường là “khó và nhiều áp lực quá”. Tuy cũng có một số doanh nghiệp “thấy khó bỏ qua”, chuyển sang mảng khác, có nơi không chủ động để lệ thuộc vào đối tác nước ngoài dẫn đến mất khách, mất thị trường khi đối tác rút đi, nhưng thực tế có rất nhiều cái khó để đeo bám mảng này.

Việt Nam chưa phải là điểm đến nổi bật, có sức cạnh tranh mạnh mẽ để giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn trong việc thu hút khách quốc tế và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp trong nước cũng còn yếu để có thể vươn ra thị trường quốc tế. Phần lớn doanh nghiệp lữ hành đều có quy mô vừa và nhỏ, khả năng tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu chưa cao, cộng thêm những hạn chế về nguồn lực tài chính, nhân lực nên khó cạnh tranh ngang sức với doanh nghiệp bên ngoài.

“Một doanh nghiệp Philippines đi hội chợ du lịch quốc tế chỉ phải trả 700 đô la Mỹ, còn lại được cơ quan quản lý du lịch hỗ trợ, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam phải trả đến 1.800 đô la, chưa tính nhiều chi phí khác”

Trong điều kiện đó, hoạt động để gia tăng hình ảnh điểm đến với du khách, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, đối tác và những biện pháp kích cầu vào thời điểm khó khăn chưa đủ mạnh. Chỉ cần nhìn hoạt động của cơ quan xúc tiến du lịch các nước lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc là có thể thấy sự khác biệt. Những cơ quan này không chỉ thiết lập văn phòng đại diện ở các thị trường cần phát triển nhằm quảng bá hình ảnh mà còn kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nước đó để họ gửi khách đến cho doanh nghiệp nước mình và sẵn sàng tung ra các chiến lược kích cầu lớn khi cần.

“Chúng tôi đã nói mãi về việc cần mở nhiều văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Thị trường càng khó, thì những văn phòng của du lịch Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hong Kong ngày càng thể hiện vai trò kết nối, thúc đẩy mong muốn đi du lịch của khách hàng nhưng Việt Nam vẫn làm rất chậm”, bà Tiên nói.

Theo ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel, doanh nghiệp nhỏ đang có rất ít cơ hội để kết nối thị trường. Chỉ riêng kênh hội chợ, tuy mỗi năm ngành du lịch đi khá nhiều hội chợ du lịch lớn trên thế giới nhưng nhìn quanh cả nước chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp thường xuyên có mặt.

“Một doanh nghiệp Philippines đi hội chợ du lịch quốc tế chỉ phải trả 700 đô la Mỹ, còn lại được cơ quan quản lý du lịch hỗ trợ, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam phải trả đến 1.800 đô la, chưa tính nhiều chi phí khác nên doanh nghiệp nhỏ khó tham gia”, ông nói và cho rằng nếu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ là hỗ trợ tài chính để tham gia các sự kiện tìm kiếm cơ hội làm ăn, đầu tư sản phẩm mới mà còn là hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ thuật, đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ thay đổi, thích ứng với điều kiện cạnh tranh mới.

Cũng theo ông, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khác, trong đó có tình trạng thiếu cơ sở dữ liệu về sở thích, nhu cầu của khách, tiềm năng về thị trường để tạo sản phẩm, tính toán kế hoạch kinh doanh và rào cản về chính sách. “Chẳng hạn, để đầu tư một tàu du lịch chạy được trong điều kiện gió cấp 5, cấp 6 chúng tôi phải mất cả trăm tỉ đồng nhưng mới gió cấp 1, cấp 2 là chính quyền cấm chạy thì rất khó kinh doanh”, ông Hà nói.

Đào Loan
Nguồn Saigon Times