Đà Nẵng thúc đẩy kinh tế du lịch đêm

Đà Nẵng thúc đẩy kinh tế du lịch đêm

Nhiều giải pháp đang được đặt ra nhằm phát triển kinh tế du lịch đêm tại thành phố biển Đà Nẵng.

Chưa có nhiều sự lựa chọn

Anh Nguyễn Quốc Huy, Việt kiều Mỹ, cùng gia đình ở TPHCM vừa có chuyến đi miền Trung kết hợp du lịch và thăm bà con. Tại Đà Nẵng, anh muốn ra bờ biển vào ban đêm vừa thưởng thức vài ly bia vừa ngắm biển, nhưng anh lại nhận được những lời khuyên là hãy vào một số cửa hàng ven biển hoặc các quán bar trong trung tâm thành phố, bởi biển Đà Nẵng ban đêm... chưa có gì hay.

Không chỉ anh Huy, nhiều du khách trong nước cũng như nước ngoài, và ngay cả người Đà Nẵng, thường không có nhiều sự lựa chọn khi muốn đi chơi ban đêm. Phần lớn những du khách không muốn đi ngủ sớm thường vào các quán bar hay các pub trên đường Bạch Đằng ở ven sông Hàn hoặc trong khu phố An Thượng (gần biển).

Nói cho đúng thì Đà Nẵng vẫn có những hoạt động đêm thu hút du khách, nhưng thường kết thúc sớm vào khoảng 9 giờ rưỡi đêm. Các ngày trong tuần thì có tour du lịch đường thủy nội địa trên sông Hàn, các show diễn Hồn Việt, Đà Nẵng Charming, có chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Helio, công viên châu Á, cầu Tình Yêu hay khu dịch vụ ẩm thực - ca nhạc mới được hình thành tại phía Đông đường 2-9. Vào hai ngày cuối tuần còn có thêm hoạt động cầu Rồng biểu diễn phun lửa, phun nước.

Đà Nẵng đang có thế mạnh về du lịch biển nhưng còn hạn chế các dịch vụ về đêm. Ảnh: Nhân Tâm

Dù vậy, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, thừa nhận thực trạng dịch vụ ẩm thực, mua sắm, giải trí quy mô nhỏ và nằm rải rác trong khu dân cư chứ chưa có quy hoạch quỹ đất cho việc xây dựng trung tâm giải trí, mua sắm tập trung quy mô lớn và tách biệt khu dân cư.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc các quán bar, pub, quán karaoke... nhưng hiện chỉ được phép hoạt động đến 12 giờ đêm. Tuy nhiên, theo ông Matthias Wiesmann, Tổng giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng, không nhất thiết mở cửa quán bar sau 12 giờ đêm mới gọi là phát triển kinh tế đêm, mà ông cho rằng để thu hút khách, Đà Nẵng cần tổ chức nhiều sinh hoạt lành mạnh khác nhau về đêm, nhất là trên bãi biển.

Phát triển du lịch đêm như thế nào?

Ở góc nhìn của các doanh nghiệp lữ hành, nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng nên khuyến khích các khu du lịch lớn như Sun World Bà Nà Hills, Núi Thần Tài, Công viên châu Á... tổ chức thêm các hoạt động giải trí về đêm như trình diễn âm nhạc, tạp kỹ, ẩm thực...

Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế đêm của Trung Quốc để học tập, áp dụng một cách phù hợp dựa trên những lợi thế mà Việt Nam đang có. Ở Đà Nẵng, bà Hồng Hạnh chia sẻ: “Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Du lịch chủ trì phối hợp nghiên cứu xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng, đề xuất cơ chế thí điểm đối với ba nhóm dịch vụ chính: ẩm thực, mua sắm và vui chơi giải trí”.

Theo đó, Sở Du lịch Đà Nẵng dự kiến xin phép thí điểm tổ chức một số dịch vụ vui chơi giải trí hoạt động 24 giờ hàng ngày; thí điểm phố đêm tại An Thượng (nằm ven biển, thuộc quận Ngũ Hành Sơn); triển khai mô hình phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng (nằm dọc theo bờ sông Hàn). Bên cạnh đó, nghiên cứu việc phục vụ đến 9 giờ đêm các dịch vụ như tàu du lịch thủy nội địa, bảo tàng Chăm, bảo tàng nghệ thuật thành phố; gia tăng các hoạt động văn hóa, tổ chức sự kiện vào buổi tối ở hai bên bờ sông Hàn...

Về chọn địa điểm phát triển các hoạt động du lịch đêm, ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế ngân sách, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho rằng nên chọn những điểm xa khu dân cư thì sẽ thuận tiện hơn cho việc kéo dài thời gian mở cửa phục vụ khách về đêm. Ông cũng đề xuất vài vị trí như ở khu vực ven sông phía Đông đường 2-9, các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, phố du lịch An Thượng, tuyến biển Trường Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đề xuất cần quy hoạch đa dạng các loại hình vui chơi, giải trí, ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật..., tránh trùng lắp với các điểm đến khác và nhấn mạnh công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; xử lý các tệ nạn, tình trạng chặt chém, lừa dối du khách, bên cạnh việc phải đảm bảo vệ sinh môi trường, trả lại sự sạch sẽ cho thành phố vào ban ngày.

Thật ra, từ đầu tháng 2-2018, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Khu phố du lịch An Thượng - nơi tập trung nhiều khách du lịch, nhất là... “Tây ba lô”, biến nơi này thành điểm dịch vụ phục vụ du khách xuyên đêm. Thế nhưng từ đó đến nay, đề án thiếu nhà đầu tư và người dân trong khu vực cũng chưa hưởng ứng.

Riêng về việc thí điểm phố đi bộ - chợ đêm Bạch Đằng, theo thông tin TBKTSG mới cập nhật, chính quyền quận Hải Châu vừa có quyết định phê duyệt dự án theo chủ trương của thành phố trước đó, và cũng đã nhanh chóng ra thông báo mời các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm, tham gia đầu tư thực hiện dự án. Thời gian hoạt động dành cho khu kinh doanh của các gian hàng và các hoạt động ngoài trời từ 6 giờ chiều hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau. Còn thời gian “đóng đường” (để chỉ dành làm phố đi bộ) thì rộng hơn, từ 4 giờ chiều hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.

Với việc thúc đẩy những dự án đang ấp ủ, Đà Nẵng hy vọng trong những năm sắp tới, du khách khắp nơi đến với thành phố biển này sẽ có được những trải nghiệm về đêm thú vị hơn.

Nhân Tâm
Nguồn Saigon Times