63% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng

63% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng

43 triệu người dân, tương đương 63% người trưởng thành Việt Nam, sở hữu tài khoản ngân hàng tính đến cuối năm 2019.

Thông tin trên được ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho báo chí. Theo ông Dũng, hiện nay các báo cáo nghiên cứu thường sử dụng con số thống kê 31% người trưởng thành Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng, được thống kê từ năm 2015.

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2019 thanh toán qua điện thoại di động tăng 169% về số lượng và 225% về giá trị.

Tuy nhiên theo thống kê mới nhất vào cuối năm 2019, thực tế số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng đã đạt đến 43 triệu, tương đương 63% người ở độ tuổi trưởng thành. Như vậy từ năm 2015 đến 2019 người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đã tăng gấp đôi.

Cũng theo ông Dũng, với hạ tầng thanh toán được tăng cường, khuôn khổ pháp lý tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện, công nghệ phát triểm cùng nhiều phương tiện thanh toán mới hiện đại ra đời, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trung bình mỗi ngày giao dịch điện tử bình quân đạt 380.000 tỉ đồng, tương đương 17 tỉ USD/ngày.

Tính đến cuối tháng 11.2019, giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tăng 42% về số lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; giao dịch qua kênh Internet tăng 69,4% về số lượng và 37% về giá trị; thanh toán qua điện thoại di động tăng 169% về số lượng và 225% về giá trị.

Theo thống kê của cơ quan nhà nước tính đến tháng 11.2019, hơn 78 tổ chức đã được cấp phép thực hiện chức năng thanh toán qua Internet, trong đó có 47 đơn vị triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Cả nước đang có khoảng 19.000 máy ATM, 267.999 máy POS và 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR Code.

Trong khi đó, phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá 2019 là năm Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể, theo bà Hồng kinh tế Việt Nam có độ mở khá lớn để thấy việc điều hành chính sách kinh tế nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng luôn chịu tác động của diễn biến của thị trường quốc tế và trong nước.

Năm qua Ngân hàng Nhà nước đã có sự phản ứng nhanh nhạy trước các diễn biến kinh tế, thương mại quốc tế, phân tích tình hình đưa ra các kịch bản điều hành, ứng phó nhanh nhạy góp phần tăng trưởng kinh tế 7,02%.

Phó thống đốc dẫn chứng năm qua Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ hợp lý, kiểm soát lạm phát thấp đã tạo dư địa cho chính phủ điều tiết giá các loại hàng hóa, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Mặt khác, xuất phát từ chính sách phát triển kinh tế của chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết nhu cầu vốn của doanh nghiệp thuộc các ngành, bám sát các lĩnh vực ưu tiên phát triển, giảm tốc các ngành phát triển nóng như bất động sản, góp phần ổn định và đưa ngành địa ốc phát triển bền vững.

Giáng Ngọc
Nguồn Forbes Vietnam