Smartphone thay đổi thế giới như thế nào?

Smartphone thay đổi thế giới như thế nào?

Một ngày sống với những thiết bị công nghệ từ năm 2010, người dùng có thể nhận ra thế giới đã thay đổi như thế nào trong thập kỷ qua.

Nhà báo Joanna Stern của WSJ chia sẻ trải nghiệm sau khi thử sống 24 giờ với các thiết bị điện tử từ năm 2010.

Quay ngược về 10 năm trước không những khả thi mà còn rất đơn giản. Tất cả những gì bạn cần là một vài thiết bị điện tử có thể đang phủ bụi trong kho.

Tôi nghĩ các bạn nên bắt đầu bằng cách thử tìm một vài điểm đến hấp dẫn trên thiết bị định vị GPS của Garmin hoặc thử chia sẻ bức hình qua máy ảnh compact cũ. Tuy nhiên, không gì có thể sánh với cảm giác chụp ảnh selfie bằng một chiếc điện thoại BlackBerry 10 năm tuổi vì bạn phải quay màn hình điện thoại ra sau và hy vọng điều tốt nhất.

Smartphone hiện đại với màn hình cảm ứng tuyệt đẹp chưa thực sự phổ biến vào năm 2010 (iPhone đầu tiên ra đời năm 2007). Nhưng khi đó, nhiều người cũng đã từ bỏ điện thoại cơ bản để chuyển sang smartphone và thiết bị PDA. Nhiều ứng dụng nổi tiếng bắt đầu xuất hiện.

Để nhận ra smartphone thay đổi thế giới thế nào, chúng ta cần quay ngược về năm đầu của thập kỷ, khi iPhone 4 là mẫu iPhone đầu tiên có camera selfie và tính năng quay video HD. Dòng Galaxy S của Samsung cũng ra đời năm 2010. Cùng trong năm đó, các nhà mạng Mỹ nâng cấp đường truyền di động, trong khi các doanh nhân ở Silicon Valley đầu tư mạnh tay để phát triển ứng dụng.

Những thiết bị điện tử được Joana Stern sử dụng trong thử thách 24 giờ. Ảnh: WSJ.

Apple đã thấy trước tiềm năng của smartphone. Năm 2009, một nhân viên Apple nói với Greg Joswiak, Phó chủ tịch tiếp thị iPhone, iPod và iOS, rằng sẽ xin thôi việc để phát triển máy quay cỡ nhỏ Flip Video Camera.

"Tôi trả lời rằng anh ta đang đùa sao? Đó là quyết định ngu ngốc. Chúng tôi đang phát triển tính năng đó trên iPhone và sẽ bán được số lượng gầp nhiều lần loại camera riêng biệt kia", Joswiak nhớ lại. "Biến iPhone trở thành một thiết bị đa năng luôn là mục tiêu của chúng tôi".

Tuy nhiên, ngay cả Apple cũng không thể dự đoán được những thay đổi trước mắt. "Khi bắt đầu một đám cháy, bạn không thể biết ngọn lửa sẽ lớn tới đâu", Josiwak nói. "Tôi còn nhớ ngày Facebook mua lại Instagram. Tôi đã nghĩ nó chỉ là một ứng dụng nhỏ trên iPhone, nhưng giờ nó có giá một tỷ USD".

Quy mô của Instagram ngày nay đã vượt xa một ứng dụng. Kevin Systrom, nhà đồng sáng lập và cựu CEO Instagram nói: "Khi điện thoại được trang bị camera tốt hơn, chúng ta sẽ nhận ra những thứ người dùng chia sẻ vô cùng khác biệt".

"Khi điện thoại được trang bị camera tốt hơn, chúng ta sẽ nhận ra những thứ người dùng chia sẻ vô cùng khác biệt"

Một trong những điều tôi nhận ra trong hành trình trở lại thế giới công nghệ cũ là smartphone đã thay đổi thói quen và hành vi của người dùng. Tôi muốn chụp nhiều ảnh nhất có thể bằng máy ảnh compact Canon cũ, nhưng thất vọng vì không thể lập tức khoe chúng với gia đình hoặc đăng lên Instagram. Tôi không thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội, nhưng việc không nhận được phản hồi từ người khác trong khoảnh khắc đặc biệt của chuyến du lịch khiến tôi cảm thấy cô đơn.

Sau đó, tiếp tục là sự thất vọng khi tôi muốn FaceTime với con trai. Có vẻ như smartphone làm giảm cảm giác mong nhớ người thân theo nhiều cách.

Đáng chú ý nhất là smartphone thay đổi cách chúng ta giao tiếp với thế giới. Tôi cảm thấy lạc lõng vì không thể tìm kiếm vị trí của mình bằng Google Maps hay đặt trước bữa tối tại nhà hàng địa phương.

Cuối cùng, tôi buộc phải dùng một tấm bản đồ giấy, tiếp tục hành trình nhờ chỉ dẫn của người dân địa phương. Tôi khá chắc sẽ đến nơi nhanh hơn 30 phút nếu sử dụng Google Maps. Tuy nhiên, tôi cũng mừng vì vẫn có thể tự tìm đường qua chỉ dẫn của các nhân viên trạm xăng. Mới chỉ một thập kỷ trôi qua nhưng tôi đã quên cảm giác tìm đường mà thiếu Google Map khó đến thế nào.

Khi thiết bị định vị cũ kỹ không hoạt động, tác giả phải tìm đường nhờ bản đồ bằng giấy. Ảnh: WSJ.

Điều tốt nhất đối với tôi trong thử thách dùng thiết bị công nghệ năm 2010 là không có mạng xã hội. Thay vì lướt ngón tay vô thức trên Twitter hoặc Instagram lúc rảnh rỗi, tôi nhìn ra cửa sổ xe và bắt chuyện với một nhân viên của khách sạn. Trong hành trình tới thành phố Detroit, tôi từng bị làm phiển bởi quảng cáo mục tiêu khuyến khích đến ăn pizza kiểu Detroit hoặc mua khăn quàng tại một cửa hàng địa phương. Thật tuyệt khi được làm chủ toàn bộ thông tin, thời gian và suy nghĩ của bản thân.

Aza Raskin, đồng sáng lập Trung tâm công nghệ nhân đạo phi lợi nhận, cho biết: "Smartphone có thể kết nối mỗi người vào một luồng thông tin được cá nhân hóa tối đa". Ông là người có công trong việc phát minh ra thanh cuộn vô hạn trên News Feed, nhưng hối hận vì không lường trước hậu quả.

Tuy nhiên, Jaron Lanier, tác giả cuốn 10 lý do để bạn xóa tài khoản mạng xã hội ngay lập tức, đồng thời là nhà phê bình mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo của Google và Facebook, tỏ ra lạc quan. "Smartphone là công cụ thực hiện hoạt động âm thầm lôi kéo hay hành vi vô bổ, nhưng không có nghĩa smartphone không thể tồn tại khi thiếu các tác nhân xấu", ông nói.

"Smartphone có thể kết nối mỗi người vào một luồng thông tin được cá nhân hóa tối đa"

Chúng ta chỉ có thể hy vọng quan điểm Lanier chính xác, đặc biệt khi năm 2020 đã cận kề. Nếu bạn cho rằng smartphone thay đổi mọi thứ trong thập kỷ qua, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi công nghệ thực tế ảo tăng cường phổ biến, kéo chúng ta chìm đắm vào không gian ba chiều sống động chỉ bằng một cặp kính hay kính áp tròng.

"Hãy nhìn vào những thiết bị ngoại vi phát triển cùng iPhone như Apple Watch và AirPods. Mọi người đã nghĩ Apple bị điên khi loại bỏ giắc cắm tai nghe. Tại sao lại cần một sợi dây kết nối, trong khi không dây mới là tương lai?", Joswiak nói.

Apple không tiết lộ các sản phẩm sắp ra mắt, vì vậy tôi không thể khiến Joswiak xác nhận công ty đang phát triển kính thực tế tăng cường hay không. Tuy nhiên, tôi tin tương lai của công nghệ smartphone không nằm trong lòng bàn tay mà có thể đeo trên mặt hoặc gắn vào các bộ phận khác trên cơ thể.

Chúng ta đã học được gì với smartphone trong thập kỷ qua? Liệu chúng ta đã sẵn sàng đón nhận tiện ích tiên tiến hơn, hay sẽ bị vùi dập trong thập kỷ của những công nghệ đột phá và một lần nữa ngạc nhiên về cách những đồ vật vô tri vô giác này kiểm soát cuộc sống?

Còn tôi, vào năm 2030, tôi sẽ thổi bụi bám trên chiếc iPhone 11 và sẽ lại bị sốc bởi những thứ nó không thể làm được, cũng như những thứ tôi không còn nghĩ tới hay cảm nhận được nữa.

Việt Anh
Nguồn BizLive