Dân Mỹ giảm uống bia, tăng tiêu thụ các đồ uống có cồn khác

Dân Mỹ giảm uống bia, tăng tiêu thụ các đồ uống có cồn khác

Các thương hiệu bia nổi tiếng như Budweiser, Coors Light và Miller Light từng thống trị thị trường đồ uống có cồn khổng lồ của Mỹ nhưng hiện nay, doanh số của chúng đang giảm khi người tiêu dùng Mỹ chuyển sang tiêu thụ các đồ uống có cồn thay thế khác như nước có ga pha rượu kèm hương trái cây, rượu đóng lon, cocktail pha chế sẵn đóng chai...

Theo một báo cáo công bố hôm 6-12 của Công ty nghiên cứu thị trường đồ uống IWSR Drinks Market Analysis, năm 2018, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Mỹ giảm năm thứ 3 liên tiếp, chủ yếu là do lượng bia tiêu thụ giảm 1,5%.

Báo cáo cho biết trong 5 năm qua, lượng bia tiêu thụ ở Mỹ giảm 2,4%. Xu hướng giảm tiêu thụ bia dường như không thể đảo ngược. Doanh số bia tiêu thụ ở Mỹ tiếp tục giảm mạnh hơn ở mức 4,6% trong giai đoạn từ tháng 10-2018 đến tháng 10-2019, theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen.

Ngay cả các loại bia thủ công (craft beer), vốn đang được yêu thích, cũng chứng kiến mức suy giảm doanh số 0,4% trong vòng một năm qua.

Ngược lại, các loại đồ uống có cồn thay thế bia đang chứng kiến đà tăng trưởng khởi sắc. Không có loại đồ uống có cồn nào đạt được mức tăng trưởng bùng nổ trong năm qua giống như thương hiệu nước có ga pha rượu và hương trái cây White Claw có nồng độ cồn 5%. Có lẽ nhờ vào việc người tiêu dùng Mỹ tìm kiếm các loại đồ uống ít đường và calorie. Doanh số của White Claw đạt 1,2 tỉ USD trong 52 tuần (kết thúc vào ngày 05/10/2019), tăng gần 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù White Claw đang thống lĩnh phân khúc nước uống có ga pha rượu, các thương hiệu đối thủ cũng thành công không kém. Thương hiệu nước có ga pha rượu Truly của công ty sản xuất đồ uống có cồn Boston Beer, đang ngày được yêu chuộng. Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích ở Công ty Guggenheim Securities, cho biết Truly là động lực tạo ra mức tăng trưởng bán lẻ hơn 100% của Boston Beer.

Trái lại, doanh số của Samuel Adams, thương hiệu bia số một của Boston Beer giảm 11% (trong 12 tuần trước ngày 2-11), theo Guggenheim Securities.

Thương hiệu nước có ga pha rượu và hương trái cây White Claw chứng kiến doanh số bùng nổ ở Mỹ trong năm qua. Ảnh: WSJ

Cơn sốt nước có ga pha rượu đã thu hút sự chú ý của tập đoàn bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev, chủ sở hữu 400 thương hiệu bia bao gồm Budweiser. Anheuser-Busch InBev đã phát triển được hai thương hiệu danh tiếng bao gồm sản phẩm nước có ga pha rượu Bon & Viv và sản phẩm nước có ga pha bia và hương trái cây Natural Light với hàm lượng calorie thấp.

Tập đoàn này chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm nước có ga pha bia và hương trái cây Bud Light Seltzer vào đầu năm 2020. Anheuser-Busch InBev đang lên kế hoạch đầu tư 100 triệu đô la cho mảng đồ uống có ga pha rượu và bia.

Một loại đồ uống có cồn khác đang tạo sức hút mới ở Mỹ nhờ giá cả hấp dẫn và dễ dàng mang đi là rượu đóng lon. Nielsen cho biết doanh số rượu đóng lon ở Mỹ tăng 73% trong giai đoạn tháng 10-2018 và tháng 10-2019 lên mức 54 triệu đô la.

Công ty Precept Wine, có trụ sở ở TP. Seattle, bang Washington, đang chiếm lĩnh thị phần ở mảng rượu đóng lon có nồng độ cồn thấp nhờ tung ra một loạt sản phẩm gồm thương hiệu nổi tiếng House Wine ra mắt vào năm 2017.

Andrew Browne, Giám đốc điều hành Precept Wine, cho biết ý tưởng rượu đóng lon xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng muốn tìm kiếm những sản phẩm rượu có thể dễ dàng mang theo ở các buổi tiệc giao lưu ngoài trời.

Doanh số cocktail pha sẵn đóng chai, đóng lon và đóng chai thủy tinh ở Mỹ tăng 17% lên con số 323 triệu đô la trong vòng một năm qua.

Doanh số rượu đóng lon của Precept Wine tăng gấp đôi so với mức tăng trưởng trung bình ở mảng này trên thị trường. Precept Wine dự báo trong năm nay sẽ bán được 300.000 thùng rượu đóng lon.

Mức tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc rượu đóng lon không lọt khỏi tầm mắt của Anheuser-Busch InBev. Hồi tháng 7, tập đoàn này đã mua lại Babe Wine, công ty chuyên sản xuất rượu vang trắng, vang đỏ và vang hồng đóng lon, có trụ sở ở New York. Giá trị thương vụ không được công bố nhưng một nguồn tin cho biết đây là thương vụ đầu tư lớn nhất cho đến nay của Anheuser-Busch InBev ở mảng rượu.

Xu hướng tiêu thụ coctail pha chế sẵn đóng chai ở nước ngoài cuối cùng cũng lan đến Mỹ. Nhiều công ty rượu danh tiếng và công ty khởi nghiệp ở Mỹ đang lên kế hoạch xâm nhập vào mảng đồ uống đang phát triển này. Theo Nielsen, doanh số cocktail pha sẵn đóng chai, đóng lon và đóng chai thủy tinh ở Mỹ tăng 17% lên con số 323 triệu đô la trong vòng một năm qua.

Haus, một công ty khởi nghiệp, là một trong những thương hiệu bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, đã tiến vào mảng đồ uống này trong năm nay.

Helena Price Hambrecht, người sáng lập Haus, cho biết công ty này được thành lập để phục vụ một thế hệ người tiêu dùng mới, muốn thưởng thức loại đồ uống có các thành phần tự nhiên và nồng đồ cồn thấp trong các sự kiện giao lưu xã hội.

Haus đang bán hai sản phẩm cocktail đóng chai, chỉ có nồng đồ cồn tương đương 1/3 rượu mạnh, Citrus Flower và Bitter Clove với giá 35 đô la/chai. Hambrecht từ chối tiết lộ doanh số cụ thể nhưng cho biết công ty đã nhận được hàng ngàn đơn đặt hàng kể từ khi ra mắt hồi tháng 6.

Trong khi đó, Hội đồng rượu chưng cất (DSC), tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất rượu chưng cất ở Mỹ, cho biết tính đến năm 2018, doanh số các loại rượu mạnh đã tăng trưởng chín năm liên tiếp. Theo Nielsen, xu hướng tăng trưởng đó đang kéo dài sang năm nay. Trong 12 tháng trước tháng 10-2019, doanh số rượu mạnh ở Mỹ tăng 6% lên mức 15 tỉ đô la, trong đó rượu tequila tăng mạnh nhất (13%), còn doanh số rượu whisky và vodka lần lượt tăng gần 8% và 3%.

Chánh Tài
Nguồn Saigon Times