Vốn ngoại đổ vào giáo dục

Vốn ngoại đổ vào giáo dục

Học phí trung bình năm của trường quốc tế tại Việt Nam đạt 17.940 USD, xếp thứ 5-13 châu Á và thế giới với các quy định mở đang hút vốn ngoại vào ngành này.

Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài lĩnh vực giáo dục tại thị trường Việt Nam và nhận định tiềm năng tăng trưởng của kênh đầu tư này đang đầy triển vọng. Đơn vị này dự báo đầu tư nước ngoài vào giáo dục Việt Nam tiếp tục tăng, với xu hướng hợp tác là chiến lược then chốt. Các chỉ số của thị trường này sẽ duy trì ở mức khả quan trong tương lai.

Savills Việt Nam dẫn nguồn kết quả khảo sát của ExpatFinder cho thấy học phí tại các trường quốc tế trên toàn cầu đã tăng 19% so với năm 2017, trong số đó một số nước có mức tăng còn cao hơn. Trong tương lai, học phí dự kiến tiếp tục tăng, với động lực từ những thay đổi trong nguồn nhân lực toàn cầu và chi phí sinh hoạt và Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo này. Forbes dự báo ngành giáo dục sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với trị giá lên đến 89 tỷ USD vào năm 2026. Nguồn cầu cho giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam được duy trì nhờ điều kiện sống cao hơn và cơ cấu dân số vàng.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, năm 2018 đánh dấu sự kiện Nghị định 86 có hiệu lực từ ngày 1/8/2018 thúc đẩy thành lập các trường quốc tế tại Việt Nam.

Trước thời điểm Nghị định 86 có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài đã gặp phải nhiều rào cản trong hoạt động đầu tư lĩnh vực giáo dục, ví dụ như giới hạn tỷ lệ học sinh Việt Nam là 10% đối với cấp tiểu học và 20% đối với cấp trung học. Các trường quốc tế tại Việt Nam vì vậy phụ thuộc nhiều vào tuyển sinh học sinh nước ngoài.

Từ khi nghị định này có hiệu lực, các trường quốc tế đã tận dụng cơ hội và thúc đẩy hoạt động tuyển sinh học sinh Việt Nam. Động thái này ít nhiều đã các tác động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc cơ hội hấp dẫn của thị trường giáo dục quốc tế tại Việt Nam.

Giờ học ở một trường quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Nga

Theo ông Troy Griffiths, hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá toàn diện tác động của Nghị định 86, tuy vậy cập nhật nhanh có thể thấy mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam đã tăng đáng kể. FDI vào giáo dục trong giai đoạn từ tháng 8/2019 khi Nghị định 86 có hiệu lực đến tháng 10/2019 đã đạt 97 triệu USD. Các hoạt động M&A (mua bán sáp nhập), cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm đa số, 37% trong tổng FDI giai đoạn này. Có thể nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến chiến lược hợp tác, mua cổ phần để giảm thiểu rủi ro.

Xét tổng thể giáo dục chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng FDI vào Việt Nam. Chi phí và yêu cầu về nhân sự cao, có giám sát số vốn yêu cầu tối thiếu đối với đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là quy trình phê duyệt phức tạp là một số rào cản đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nghị định 86 đi vào thực tiễn đã đơn giản hóa yêu cầu đối với nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư vào giáo dục.

Số lượng trường quốc tế tại Việt Nam có học phí vừa túi tiền khá hạn chế, nhưng những trường có khuôn viên cũ và nhỏ với tiện ích ở mức cơ bản sẽ có mức học phí khiêm tốn hơn.

FDI vào giáo dục trong giai đoạn từ tháng 8/2019 khi Nghị định 86 có hiệu lực đến tháng 10/2019 đã đạt 97 triệu USD. Các hoạt động M&A (mua bán sáp nhập), cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm đa số, 37% trong tổng FDI giai đoạn này.

Khảo sát học phí trường quốc tế mới nhất của ExpatFinder cho thấy học phí trung bình hàng năm của các trường quốc tế tại Việt Nam là 17.940 USD, xếp thứ 13 trên toàn thế giới và xếp thứ 5 tại châu Á. Các nước có học phí cao hơn có thể kể đến là Trung Quốc, Singapore, Hong Kong và Australia. Mức học phí thấp nhất tại các trường quốc tế ở mức 5.000 USD, vẫn chưa được coi là vừa túi tiền. Tuy vậy, vẫn sẽ luôn có một nguồn cầu đáng kể cho các trường quốc tế ở châu Á, bởi đây là bước đệm cho con cái họ để ứng tuyển cho các trường đại học danh tiếng ở phương Tây.

Bên cạnh đó, nhu cầu ứng tuyển của con của các chuyên gia người nước ngoài tại Việt Nam cũng đang tăng lên. Việt Nam sẽ thu hút thêm FDI sau khi ký kết các hiệp định thương mại cũng như trở thành điểm đến thay thế lý tưởng cho các công ty đa quốc gia trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Số lượng người nước ngoài đến làm việc tại Việt nam sẽ tăng, mang theo gia đình của họ, từ đó tạo ra một lượng cầu đáng kể cho giáo dục quốc tế, đặc biệt là tại các thành phố thu hút nhiều FDI.

Trong năm 2018, Việt Nam có hơn 320.000 lao động nước ngoài, tăng trung bình 8% mỗi năm từ năm 2008 đến thời điểm này. Một khảo sát trên các lao động nước ngoài năm 2019 do HSBC thực hiện cho thấy Việt Nam tăng hạng từ vị trí 19 lên vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng các nước có "môi trường làm việc và sống hấp dẫn" bởi chi phí sinh hoạt thấp và thu nhập đang tăng lên.

Về mặt luật định, trong năm 2018, ngành giáo dục đã có 2 nghị định quan trọng: Nghị định 135 và 86. Hai nghị định này đã đơn giản hóa điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cho cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Nghị định 135 đã đơn giản hóa yêu cầu về mặt pháp lý, vận hành và rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, còn Nghị định 86 đã giảm yêu cầu về nhân sự và tăng hạn mức tuyển sinh học sinh Việt Nam.

Tuy vậy, theo Saivills vẫn tồn tại những rào cản nhất định đối với việc thu hút vốn nước ngoài vào kênh đầu tư này tại Việt Nam. Một ví dụ điển hình là Nghị định 86 chưa đơn giản hóa pháp nhân. Bên cạnh đó Nghị định vẫn yêu cầu giấy phép kinh doanh và giấy phép thành lập cơ sở giáo dục. Thủ tục này khác so với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện khác (chỉ yêu cầu giấy phép kinh doanh). Tuy nhiên, điểm sáng đáng chú ý là một số quy định mở đang tạo tiền đề cho bước tiến tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Vũ Lê
Nguồn VnExpress