Tầm nhìn, chiến lược và sách lược

Tầm nhìn chính là ước mơ của bản thân về hình ảnh mà công ty mình sẽ xây dựng. Chiến lược là kế hoạch quy mô lớn mà bạn sẽ theo đó để biến giấc mơ, hoài bão của mình thành hiện thực. Sách lược là những hành động cụ thể mà bạn sẽ tiến hành để thực hiện kế hoạch đề ra. Hãy bắt đầu với tầm nhìn, đến gần hơn nữa với giấc mơ của mình bằng những sách lược như bạn đã lên kế hoạch cho công ty mình.

* Tầm nhìn: cái mà bạn muốn công ty của bạn sẽ trở thành hay nói khác là giấc mơ của bạn.

* Chiến lược: Cái bạn sẽ làm để đạt ước mơ của mình.

* Sách lược: Phương thức, cách thức và thời điểm bạn sẽ hoàn thành chiến lược.

Những ý tưởng giống nhau

Dù bạn đang lên kế hoạch cho toàn công ty hay chỉ cho phòng ban trong công ty thì ý tưởng đều giống nhau chỉ khác nhau về quy mô. Bạn khởi đầu với một nhận định tầm nhìn (đôi khi nó còn được gọi là nhận định nhiệm vụ). Khi bạn biết rằng tầm nhìn của bạn là gì, bạn có thể phát triển chiến lược của mình.

Sau khi quyết định chọn một chiến lược, bạn có thể phát triển tiếp những sách lược để hoàn thành chiến lược đó.

Tầm nhìn

Một tầm nhìn hay đó chính là ý tưởng về hình ảnh công ty bạn cần vươn tới. Thường thì nó hay phản ánh ước mơ của người thành lập hoặc lãnh đạo công ty. Ví dụ, tầm nhìn của công ty bạn có thể là công ty bán lẻ xe hơi lớn nhất nước Mỹ, là công ty sản xuất kẹo chocolate ngon nhất London, hay tư vấn nghiệp vụ cho các tổ chức phi lợi nhuận tại vùng Tây Nam nước Mỹ. Một tầm nhìn cần phải rõ ràng và súc tích để mọi người trong công ty đều hiểu được và có lòng tin mua cổ phần công ty.

Chiến lược

Chiến lược của bạn là một hay nhiều kế hoạch mà bạn sẽ sử dụng để biến mơ ước của mình thành hiện thực. Ví như để trở thành công ty bán lẻ xe hơi lớn, bạn có thể phải quyết định giữa việc mua những công ty bán lẻ khác hay cố gắng phát triển công ty bán lẻ riêng rẽ, trong hai chiến lược đó thì đâu một chiến lược tốt hơn cho bạn hay là kết hợp cả hai? Một chiến lược cần nhìn sâu, xem xét tình hình nội bộ công ty nhưng cũng cần hướng ra môi trường kinh doanh cạnh tranh.

Hay để trở thành công ty trong lĩnh vực tư vấn nghiệp vụ cho những tổ chức phi lợi nhuận, bạn cần có chiến lược đánh giá xem những công ty khác có các dịch vụ tư vấn nghiệp vụ gì, dịch vụ nào hướng tới mục đích phi lợi nhuận, và trong tương lai các công ty nào có thể bắt đầu tung ra các dịch vụ mang tính cạnh tranh? Chiến lược của bạn cũng phải xác định xem bạn sẽ trở thành “chuyên gia tư vấn nghiệp vụ” bằng cách nào? Bạn sẽ làm gì để đối tượng khách hàng bạn hướng tới chọn bạn chứ không phải công ty khác? Liệu bạn có dành cho họ mức phí thấp nhất không? Bạn có bảo hành cho họ không? Bạn sẽ thuê những nhân viên tốt nhất và xây dựng danh tiếng cho việc thực hiện những giải pháp đổi mới nhất không?

Trong trường hợp bạn quyết định cạnh tranh với mức giá thấp nhất, bạn sẽ làm gì nếu công ty tư vấn cạnh tranh khác có mức phí còn thấp hơn mức phí bên công ty bạn? Nếu bạn định thuê những người giỏi nhất thì bạn sẽ làm thế nào để thu hút họ? Liệu bạn có sẵn sàng trả cho họ những mức lương cao nhất và dành cho mỗi nhân viên một vị trí sở hữu cổ phần trong công ty, hay dành cho họ những khoản lợi tức chia thêm từ việc sở hữu cổ phần đó hay không?

Chiến lược của bạn là phải xem xét tất cả những vấn đề trên và tìm ra giải pháp xử lý tốt những câu hỏi đó sao cho đúng với tầm nhìn của bạn (Đảm bảo tầm nhìn của bạn đi đúng hướng).

Sách lược

Sách lược của bạn là hành động hay chuỗi các hành động cụ thể và lịch trình mà bạn sẽ sử dụng để biến chiến lược thành hiện thực. Nếu như bạn có khá nhiều chiến lược, bạn sẽ phải có những sách lược khác nhau cho mỗi chiến lược ấy. Chiến lược trở thành một công ty tư vấn nghiệp vụ được nhiều người biết đến cũng giống như tầm nhìn của bạn trở thành một tư vấn nghiệp vụ cho các tổ chức phi lợi nhuận.

Nó có thể bao gồm những sách lược như đăng quảng cáo trên tạp chí chuyên ngành lớn liên tục nhiều kỳ hoặc trên sóng truyền hình để thúc đẩy dịch vụ quảng cáo cho tên tuổi của bạn. Hoặc bạn cũng có thể phát triển những sách lược đó bằng cách gửi thư giới thiệu và những tập thông tin quảng cáo tới giám đốc điều hành của bất cứ tổ chức phi lợi nhuận nào có ngân sách hàng năm trên 500 ngàn USD.

Cứng rắn hay mềm dẻo? Mọi thứ đều có thể thay đổi.

Đối với tầm nhìn, chiến lược và sách lược, bạn cần phải có chút gì đó vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Hãy giữ vững giấc mơ, tầm nhìn của bạn. Đừng để những thay đổi của ngoại cảnh đánh gục. Tầm nhìn của bạn phải là một mỏ neo vững chắc có thể níu giữ được mọi thứ còn lại với nhau.

Chiến lược là kế hoạch dài hạn, vậy nên bạn cần phải thay đổi theo những biến đổi nội và ngoại cảnh, nhưng bạn chỉ nên thay đổi chiến lược sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Chừng nào bạn có một chiến lược mới thay thế tốt hơn thì hãy thay đổi nó. Và sách lược là điều dễ thay đổi nhất, nếu sách lược nào đó không còn hiệu quả thì tốt nhất là nên điều chỉnh và tìm kiếm một sách lược mới.

Lời kết

Tầm nhìn, chiến lược và sách lược là những yếu tố rất cần thiết đối với một bộ phận phòng ban hay cả công ty, hay công ty đa quốc gia và thậm chí công ty một thành viên. Trước tiên hãy phát triển tầm nhìn và giữ lấy nó. Sau đó phát triển chiến lược để hoàn thành tầm nhìn ấy và thay đổi nó nếu bạn gặp phải những yếu tố biến đổi nội ngoại cảnh. Cuối cùng hãy phát triển những sách lược mềm dẻo giúp bạn tiến lên phía trước biến chiến lược của mình thành hiện thực.

F.John Reh là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý dự án, phát triển sản xuất, marketing, quản lý nhân lực và là chuyên gia tư vấn quản lý Internet. Ông đã từng là chuyên gia tư vấn cho những nhà quản lý trẻ thường là phụ nữ.

Trải qua 30 năm kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực: kỹ sư xây dựng, nghiên cứu khoa học ứng dụng, thiết kế kiến trúc, kinh doanh nhỏ, thương mại Internet, với ông, quản lý vừa là một nghệ thuật vừa là một khoa học, một kỹ năng cần phải học và được dạy.

Nguồn Bản sắc Thương hiệu