Phép phù thủy định giá công ty

Phép phù thủy định giá công ty

Định giá doanh nghiệp từng là một đề tài lớn trong quản trị doanh nghiệp với hàng trăm cuốn sách được viết ra, hàng loạt phương pháp được trình bày. Thế nhưng từ khi khái niệm startup (khởi nghiệp với một ý tưởng, một giải pháp công nghệ để tìm mô hình kinh doanh mới) bùng nổ, chuyện định giá công ty trở thành đòn phép của các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà sáng lập nhằm thổi giá lên tận trời xanh.

Một công ty chuẩn bị lên sàn hay đã lên sàn chứng khoán thường được định giá chính xác nhờ quy luật cung cầu tạo ra thế cân bằng giữa người muốn mua và người muốn bán cổ phiếu công ty đó. Ngược lại, giá trị của các startup thường do các quỹ đầu tư mạo hiểm định đoạt dựa vào khoản tiền các quỹ này bỏ ra để mua cổ phiếu của startup vào lần gần đây nhất.

Ví dụ một nhà đầu tư mới nhảy vào mua 10% cổ phần một công ty với giá 5 triệu đô la Mỹ, như thế công ty này sẽ được ấn định một giá trị mới là 50 triệu đô la.

Theo tờ Vox, có ba điều sai khi định giá một startup theo kiểu như thế. Đầu tiên các khoản tiền này không có thật, nó chỉ tồn tại trên giấy. Chẳng hạn doanh nghiệp WeWork đầy tai tiếng làm ồn ào báo chí trong hai tuần qua, ngay trước khi SoftBank đầu tư thêm 2 tỉ đô la vào đây hồi đầu năm, lúc đó WeWork được định giá là 20 tỉ đô la là đã quá cao rồi; với 2 tỉ đô la rót thêm, trị giá của WeWork được thổi phồng lên 47 tỉ đô la.

Ai, chuyên gia nào ấn định mức giá chót vót này, dựa trên phương pháp nào? Không có ai cả! Vào thời điểm đó, cả năm 2018, WeWork lỗ đến 1,6 tỉ đô la trên tổng doanh thu 1,8 tỉ đô la; không một phương pháp định giá truyền thống nào có thể biến báo một công ty thua lỗ nặng nề như thế có một giá trị trên giấy cao đến thế.

Khi xì căng đan nổ ra, giá trị WeWork như quả bóng xẹp. Ảnh Reuters.

Thứ nhì, giá trị một công ty, vì thế, rất dễ thao túng. Chỉ cần một nhà đầu tư và tay sáng lập ra startup thỏa thuận với nhau một giá trị nào đó là đã có thể tuyên bố “xác lập kỷ lục mới”. Lấy lại ví dụ ở đầu bài, doanh nghiệp được định giá 50 triệu đô la đó bỗng muốn được nâng giá lên thành 100 triệu đô la, họ chỉ cần có một nhà đầu tư chịu bỏ ra 1 triệu đô la chỉ để sở hữu 1% cổ phần là công bố giá trị mới trong những thông cáo báo chí phát rộng rãi.

Dĩ nhiên thực tế không đơn giản như vậy; các quỹ đầu tư mạo hiểm không dại gì định giá cao mà không kèm theo các điều kiện nhằm bảo vệ lợi ích của họ. Theo Vox, điều nguy hiểm thứ ba nằm ở chỗ nhà đầu tư mạo hiểm có đủ cách để thu hồi vốn nhờ cài cắm các điều kiện; còn nhà đầu tư nhỏ lẻ tranh mua cổ phiếu giá cao, nhân viên của công ty chịu làm việc cật lực lương thấp để đổi lấy cổ phiếu mới là người chịu nhiều rủi ro nhất khi giá trị trên trời của công ty rơi trở về mặt đất.

Trong trường hợp WeWork, nhà sáng lập Adam Neumann nhanh tay bán số cổ phiếu định giá cao lấy 700 triệu đô la trước khi nộp hồ sơ lên sàn. Bởi thế, khi xì căng đan nổ ra, giá trị WeWork như quả bóng xẹp, Neumann có từ chức thì anh này cũng đã ôm được một mớ tiền lớn.

Một hệ quả thấy được ngay của việc định giá các startup quá cao là hàng loạt vụ phát hành cổ phiếu lần đầu rộng rãi ra công chúng (IPO) để đưa các startup lên sàn chứng khoán đã bị đình hoãn. Ngoài vụ WeWork rút lui không kèn không trống, Airbnb - doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà ở mà trong tay không cần khách sạn nào cũng tuyên bố sẽ hoãn IPO đến năm 2020.

IPO là phép thử soi rọi xem các lần định giá trước đó của doanh nghiệp có chính xác không, có bị thổi phồng lên không.

Các startup “kỳ lân” tức được định giá từ 1 tỉ đô la trở lên như Postmates, Robinhood và Stripe cũng từ bỏ kế hoạch IPO sớm. Palantir Technologies, một doanh nghiệp chuyên về khai thác dữ liệu do tỉ phú Peter Thiel góp phần thành lập nay sẽ không tính chuyện lên sàn ít nhất trong vài năm tới vì vẫn còn có thể huy động vốn từ nhà đầu tư tư nhân.

Ngoài việc sợ giá sụt thảm hại, các startup cũng ngại IPO, thì mọi ngóc ngách của doanh nghiệp bị soi rọi, các sai lầm bị vạch ra, những lỏng lẻo trong quản trị bị phê phán. Khủng hoảng giá trị của WeWork cũng do hồ sơ IPO cho thấy nhà sáng lập đã phạm nhiều sai lầm như thế nào, kể cả việc chỉ định vợ là người kế vị, mua bất động sản rồi cho WeWork thuê, đăng ký thương hiệu “We” rồi bắt WeWork bỏ ra gần 6 triệu đô la mua lại...

Nói cách khác, IPO là phép thử soi rọi xem các lần định giá trước đó của doanh nghiệp có chính xác không, có bị thổi phồng lên không. Năm 2019 chứng kiến hai vụ lên sàn giá giảm liên tục; đó là Uber trước khi IPO được định giá chừng 72 tỉ đô la, nay giá trên sàn chỉ còn lại 54 tỉ đô la; Lyft, một doanh nghiệp taxi công nghệ khác, trước được định giá 15 tỉ đô la nay thị giá trên sàn còn lại 12 tỉ đô la.

Peloton, một startup trong lĩnh vực thể dục thể hình chứng kiến giá sụt mất 11% chỉ trong vòng một ngày đầu tiên lên sàn. Ngược lại, Pinterest, một dịch vụ chia sẻ thông tin dạng mạng xã hội sau khi lên sàn vào tháng 4-2019 nay giá cổ phiếu tăng đến 44%. Đó là nhờ doanh nghiệp này định giá IPO rất thận trọng, gần có lãi hay ít ra cũng giảm lỗ rất đáng kể trước khi lên sàn.

Nguyễn Vũ
Nguồn Saigon Times