Khởi nghiệp mảng công nghệ bắt đầu bứt phá

Khởi nghiệp mảng công nghệ bắt đầu bứt phá

Bức tranh đầu tư khởi nghiệp mảng công nghệ tại Việt Nam đã có những điểm rất sáng trong thời gian gần đây. Nếu năm 2017 Việt Nam đứng chót bảng trong danh sách đầu tư ở khu vực Đông Nam Á, thì nay đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ sau Singapore và Indonesia. Điều gì đang tạo nên bước nhảy vọt này?

Nhảy vọt chỉ sau một năm

Đông Nam Á là một thị trường khá đặc biệt với 650 triệu dân, số người dùng Internet và điện thoại thông minh khoảng 370 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP là 5,1%. Số tiền đầu tư khởi nghiệp vào mảng công nghệ ở khu vực này năm 2018 là 11 tỉ đô la Mỹ, trong khi thị trường sôi động và có thế mạnh như Ấn Độ chỉ đạt 8 tỉ đô la Mỹ, hay khu vực Mỹ Latinh cũng chỉ thu hút được 2,3 tỉ đô la Mỹ.

Điều đó cho thấy Đông Nam Á là thị trường đầy tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư bơm tiền vào. Doanh nghiệp Việt Nam, lần đầu tiên cũng đã kêu được nhiều vòng vốn vượt trên 5 triệu đô la Mỹ, như Tiki, Sendo, VinPay, Topica...

Việt Nam được xem là điểm đến đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nhờ vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đầu tư xây dựng hạ tầng, sự hấp dẫn của cơ cấu dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng.

Tại sao Việt Nam hấp dẫn được các nhà đầu tư công nghệ? Bà Lê Hoàng Uyên Vy, đối tác điều hành Quỹ ESP Capital, cho hay Việt Nam được xem là điểm đến đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nhờ vào sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đầu tư xây dựng hạ tầng (dẫn đầu Đông Nam Á tính trên phần trăm GDP), sự hấp dẫn của cơ cấu dân số vàng (60% dân số dưới 35 tuổi) và tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng (dự kiến 44 triệu người vào năm 2020). So sánh với tuổi trung bình của Hàn Quốc hiện là 43 tuổi thì tuổi trung bình của Việt Nam hiện chỉ 29 tuổi. Số người dùng Internet và điện thoại thông minh của Việt Nam cũng khá cao, lần lượt chiếm 65% và 51% dân số.

Năm 2017, Việt Nam đứng vị trí chót bảng, với số thương vụ đầu tư khởi nghiệp công nghệ là 8%, chỉ chiếm 2% tổng số vốn đầu tư ở Đông Nam Á. Nhưng từ năm 2018 trở đi, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, chiếm 17% tổng số vốn đầu tư (chỉ đứng sau Singapore 25% và Indonesia 48%), và tình hình tăng trưởng trở nên đậm nét hơn trong nửa đầu năm 2019. Bức tranh đầu tư khởi nghiệp khởi sắc, đây cũng là thời gian Việt Nam xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị trên 100 triệu đô la Mỹ (trừ VNG được định giá gần đây nhất là 2,2 tỉ đô la Mỹ). Bà Vy cũng cho biết, ở Thái Lan hiện chỉ có năm công ty khởi nghiệp mảng công nghệ được định giá trên 100 triệu đô la Mỹ.

Sự khác biệt của các thế hệ nhà sáng lập

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư của Việt Nam, bà Vy cho rằng trước hết đó là vấn đề về nhân tài, đội ngũ sáng lập - đã có một sự khác biệt đáng kể giữa các thế hệ khởi nghiệp này.

Với nhóm khởi nghiệp khai phá đầu tiên (2000-2006) gồm các tên tuổi như VNG, Vatgia, VMG, VCCorp, Sti, NextTech..., dễ dàng nhận thấy nhóm này nếu làm tốt sẽ thành công rất nhanh. Đặc điểm chung của nhóm này là sau khi thành công trong lĩnh vực cốt lõi của mình, các nhà sáng lập sẽ lập tức đầu tư sang các lĩnh vực khác, như VNG đầu tư thêm vào Zing, thương mại điện tử, thanh toán..., còn VCCorp với Kênh 14, Én bạc, Sohapay...

Sau khi thành công trong lĩnh vực cốt lõi của mình, các nhà sáng lập sẽ lập tức đầu tư sang các lĩnh vực khác, như VNG đầu tư thêm vào Zing, thương mại điện tử, thanh toán...

Nhóm khởi nghiệp thế hệ 2 (2007-2014) nổi lên với những cái tên như Foody, Tiki, Topica, Batdongsan, NCT, Sendo... Khác với nhóm 1 trong tâm thế khai phá, nhóm 2 chịu nhiều áp lực hơn vì phải đối đầu cạnh tranh với những sản phẩm đã ra đời trước đó của thế hệ 1, họ cũng mất nhiều thời gian hơn để chinh phục thị trường. Song, khi đã chiếm được thị trường, họ lại đi sâu hơn vào lĩnh vực cốt lõi của mình mà không đầu tư hàng ngang, ngoài ngành. Điển hình như Tiki bắt đầu là trang web bán sách, họ đã mở rộng bán thêm nhiều thứ khác về thời trang, điện tử..., sau đó trở thành sàn giao dịch, rồi đầu tư chuyên sâu vào giao hàng (Tiki Now), và gần đây là kế hoạch đầu tư vào giao dịch xuyên biên giới. Foody cũng bắt đầu là trang đánh giá các nơi bán thức ăn, sau chuyển sang thêm giao hàng thức ăn.

Với nhóm khởi nghiệp thuộc thế hệ 3 (từ năm 2015 đến nay), có Ecomobi, Luxstay, Elsa, Trustingsocial, Jio... Nhóm này được cho là “khổ” hơn hai nhóm trước, không còn ung dung tự tại ngồi một chỗ trong phạm vi một quốc gia, ngược lại khi bắt đầu thành lập công ty, doanh nghiệp thế hệ 3 thường chọn khu vực để bước ra. Điều thú vị là các nhà sáng lập thuộc nhóm này đa số từng làm việc ở các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Google, Facebook, họ đã tích góp được nhiều kinh nghiệm sau đó quay về Việt Nam mở công ty. Và bản thân họ cũng khởi nghiệp nhiều lần, nên thế hệ các nhà sáng lập này được thừa hưởng kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước cũng như từ chính bản thân mình.

Nhà sáng lập thuộc thế hệ 3 đa số từng làm việc ở các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Google, Facebook, họ đã tích góp được nhiều kinh nghiệm sau đó quay về Việt Nam mở công ty.

Khoảng thời gian này cũng ghi nhận sự xuất hiện làn sóng khởi nghiệp tại Singapore của doanh nghiệp Việt Nam. Làn sóng này có hai hình thức. Thứ nhất, doanh nghiệp thành lập công ty chính hoạt động độc lập ở Singapore nhưng các thị trường vẫn là ở Việt Nam (hay các quốc gia nào đó ở Đông Nam Á). Thứ hai, trước khi rót vốn, các nhà đầu tư (quỹ đầu tư) thường yêu cầu các công ty phải được thành lập ở Singapore để các thủ tục rót vốn được dễ dàng. Sau đó công ty ở Singapore mới tiếp tục rót vốn vào các công ty ở thị trường các nước, trong đó có Việt Nam. Cho nên, về bản chất, dù thành lập ở Singapore thì hoạt động của các công ty này vẫn diễn ra ở Việt Nam, nguồn tiền vẫn đổ về Việt Nam.

Quỹ đầu tư mạo hiểm công ty nhập cuộc, và khả năng thoái vốn cao

Vai trò của các doanh nghiệp lớn và sự xuất hiện quỹ đầu tư mạo hiểm công ty (Corporate Ventures Capital - CVC) tại Việt Nam đã góp phần làm bùng lên ngọn lửa đầu tư khởi nghiệp công nghệ. Năm 2015, tập đoàn FPT đã khởi xướng hình thức quỹ đầu tư này, tuy nhiên số vốn không lớn. Đến năm 2018, Vingroup tuyên bố đầu tư với mức cam kết lên đến 100 triệu đô la Mỹ. Và từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam cũng đã bắt đầu lên tiếng về kế hoạch đầu tư, chẳng hạn Vietjet Air. Các chuyên gia đều đánh giá rất cao vai trò của các CVC trong việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ vừa có những mối quan hệ với những tập đoàn đầu ngành, vừa có cơ hội tiếp cận, hội nhập nhanh vào sự phát triển hệ sinh thái. Sự vào cuộc mạnh mẽ của các CVC được xem như tín hiệu đèn xanh mời gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2018 tổng vốn đầu tư khởi nghiệp công nghệ rót vào Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc với 53 thương vụ, tổng giá trị 444 triệu đô la Mỹ.

Theo thống kê, năm 2018 tổng vốn đầu tư khởi nghiệp công nghệ rót vào Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc với 53 thương vụ, tổng giá trị 444 triệu đô la Mỹ. Trong sáu tháng đầu năm 2019, tổng số thương vụ đã vượt qua năm 2018 với 56 thương vụ, tuy nhiên tổng số tiền chỉ hơn 260 triệu đô la (vì chưa tính những thương vụ diễn ra trong tháng 7 và 8). Nếu năm 2017 có khoảng 37 nhà đầu tư thì năm 2018 Việt Nam đã đón nhận đến 52 nhà đầu tư, và chỉ riêng nửa đầu năm 2019 xuất hiện 61 nhà đầu tư. Ước tính trong năm 2019, Việt Nam sẽ thu hút khoảng 800 triệu đô la Mỹ đổ vào.

Cơ hội thoái vốn của thị trường Việt Nam cũng được cho là cao. Năm 2018, tổng thị trường thoái vốn đầu tư công nghệ khoảng 250 triệu đô la Mỹ. Dù việc thoái vốn thường diễn ra cuối năm, nhưng chỉ tính nửa đầu năm 2019, Việt Nam đã có 10 thương vụ thoái vốn. Giá trị thoái vốn dù chưa nhiều, song các chuyên gia kinh tế dự đoán thị trường Việt Nam sẽ có sự bùng phát thoái vốn vào cuối năm nay. Dược phẩm, du lịch, vận chuyển, bảo hiểm, bất động sản, và giáo dục tiếp tục là những mảng phát triển, khai phá đầu tư. Các chuyên gia kinh tế cũng dự đoán, Việt Nam sẽ sớm có những thương vụ đầu tư trên 100 triệu đô la Mỹ (Mega Deal) cũng như xuất hiện nhiều kỳ lân khởi nghiệp công nghệ trong thời gian tới.

Bạch Đông
Nguồn Saigon Times