Kênh phân phối hiện đại tăng lượng, chưa đổi chất

Bất chấp kinh tế khó khăn, các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước và nước ngoài đều đang xốc tới mở rộng mạng lưới siêu thị.

Ở các đô thị, nhìn bề nổi, có vẻ như siêu thị đang lấn lướt các loại hình phân phối khác. Tuy nhiên, theo một ước tính của hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, kênh siêu thị mới chiếm 20% thị phần bán lẻ, trong khi một công bố mới đây của bộ Công thương cho rằng chợ vẫn đáp ứng tới 40% nhu cầu mua sắm. Siêu thị, cũng như các nhà cung ứng hàng hoá cho siêu thị vẫn phải có những thay đổi về chất, mới hướng đến được mục tiêu “thay đổi bộ mặt phân phối” như kỳ vọng ban đầu, khi những siêu thị đầu tiên ra đời ở Việt Nam.


Đại siêu thị Co.opXtraplus vừa có khu vực bán lẻ, vừa có khu vực bán sỉ cho khách hàng là các cơ quan, tổ chức mua số lượng lớn để tiêu dùng.

Giữa tháng 6, liên hiệp hợp tác xã Mua bán TP.HCM (Saigon Co.op) khai trương siêu thị Co.opmart thứ 62. Như vậy, trong năm 2012 và nửa năm 2013 được đánh giá là tình hình kinh tế hết sức khó khăn, Saigon Co.op vẫn mở thêm gần mười siêu thị Co.opmart, chưa kể trên 20 cửa hàng thực phẩm Co.op Food và trên 60 cửa hàng Co.op ở các khu dân cư nhỏ.

Kẻ trước, người sau cùng chạy

Công ty Đông Hưng đã có 28 siêu thị Citimart trên toàn quốc, tiếp tục đặt mục tiêu trong vòng năm năm tới sẽ mở được khoảng 100 siêu thị Citimart nhằm tạo dựng thương hiệu cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác. Hệ thống Vinatexmart trong năm 2012 đã mở thêm đến 16 siêu thị. Và đến đầu năm 2013, Vinatexmart đã có 81 điểm bán hàng có mặt trên 26 tỉnh thành trong nước.

Cuối năm 2012, RH Group (thành viên C.T Group) đã đưa siêu thị S.Mart đầu tiên vào phục vụ người tiêu dùng tại quận 5, TP.HCM. RH Group tuyên bố tiếp tục khai trương thêm sáu siêu thị S.Mart nữa trong năm 2013 và tự tin ấn định cột mốc 20 siêu thị đến năm 2015.

Bước vào thị trường bán lẻ mới từ đầu năm 2013 với hai siêu thị Ocean Mart Hà Đông và Ocean Mart Thăng Long, công ty cổ phần Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) – thành viên của tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đang ráo riết tuyển dụng nhân sự để có thể triển khai kế hoạch trong hai năm 2013 – 2014 sẽ phát triển thêm gần 30 Ocean Mart tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng Việt Nam là thị trường tiềm năng của họ. Hiện đã có nhiều tên tuổi siêu thị nước ngoài quen thuộc với người dùng Việt Nam như Big C. Tập đoàn Casino sẽ không dừng ở con số 24 siêu thị Big C hiện có tại 15 tỉnh, thành, mà tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển tiếp hệ thống này tại Việt Nam.

Cuối năm 2008, Lotte Mart đã đặt siêu thị đầu tiên toạ lac tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, TP.HCM. Lotte Mart đến đầu năm 2013, mới có hai siêu thị ở TP.HCM và một ở Đồng Nai, một ở Đà Nẵng.

Nhà bán lẻ tên tuổi đến từ Nhật, tập đoàn Aeon, dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng khoảng 20 trung tâm bán lẻ tại các vùng miền của Việt Nam.

Theo dự báo của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng may mặc, nhà bán lẻ hàng thời trang Uniqlo (Nhật) sẽ xuất hiện trong tương lai gần, Vinatexmart (thuộc tập đoàn Dệt may Việt Nam) chuẩn bị đối mặt cạnh tranh vì phân khúc mà Uniqlo nhắm đến cũng là người tiêu dùng thu nhập trung bình. Các nhà bán lẻ Thái Lan cũng đã có những bước thăm dò qua các hội chợ.

Đại siêu thị: doanh nghiệp trong nước bước vào cuộc đua

Theo công ty nghiên cứu thị trường A.T. Kearney, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Đặc điểm giai đoạn này là các loại hình bán lẻ dần được đa dạng hoá, phát triển các loại hình đại siêu thị (hypermarket), phân phối sỉ (cash & carry), cửa hàng tiện lợi… Theo tổng hợp của A.T. Kearney, một số nhà đầu tư nước ngoài đã hướng tới mở đại siêu thị bán lẻ như Big C (thuộc Casino – Pháp), Giant (thuộc Dairy Farm – Hong Kong). Còn phân phối sỉ thì suốt 11 năm, từ tháng 3.2002 – 4.2013, công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Đức) được xem là có hệ thống đại siêu thị phân phối sỉ duy nhất với 19 trung tâm Metro.


Từ tháng 5.2013, Saigon Co.op – một đơn vị trong nước đã chính thức đặt chân vào nhóm đại siêu thị bán lẻ và bán sỉ khi đưa 64% vốn cùng với liên đoàn Hợp tác xã tiêu dùng quốc gia Singapore (NTUC FairPrice) thành lập công ty liên doanh Saigon Co.op FairPrice để hướng tới chuỗi đại siêu thị Co.op Xtra và siêu thị kết hợp phân phối sỉ Co.opXtraplus có diện tích gấp 4 – 5 lần, lượng hàng hoá cũng gấp 2 – 3 lần so với những siêu thị Co.opmart hiện thời.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết các đại siêu thị bán lẻ Co.op Xtra sẽ nhắm tới những vị trí đông dân cư, các khu công nghiệp lớn với tiêu chí đem lại giá cả sinh hoạt hợp lý cho người tiêu dùng. Còn khách hàng mục tiêu của Co.opXtraplus là các tổ chức mua về tiêu dùng như trường học, bếp ăn tập thể, các cơ quan, công ty, xí nghiệp, nhà hàng, bệnh viện… chứ không hướng đến người mua sỉ để bán lẻ lại, nên không cạnh tranh với siêu thị bán sỉ trước đó.

Có thể thấy tác động của sự xuất hiện Co.opXtraplus, hệ thống Metro từ chú trọng đối tượng khách hàng là tiểu thương chợ và các cửa hàng bán lẻ, đã lập tức tổ chức lễ hội kéo dài trong hai tuần đầu tháng 6.2013 để thu hút khách hàng là nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh bếp ăn tập thể, nhà máy và văn phòng.

Làn sóng đầu tư đại siêu thị tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục chờ đợi sự xuất hiện của tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) khi họ đã công bố việc dự kiến đầu tư khoảng 500 triệu USD vào Việt Nam trong mười năm tới cho các đại siêu thị...

Nguồn Dùng hàng Việt