Vì sao Thomas Cook sụp đổ?

Vì sao Thomas Cook sụp đổ?

Sự cạnh tranh của các hãng lữ hành trực tuyến, những thương vụ thực hiện sai thời điểm và nợ nần ngày càng phình to đã khiến hãng lữ hành lâu đời nhất thế giới Thomas Cook (Anh) quỵ ngã.

Hôm 23-9, hãng lữ hành Thomas Cook chính thức phá sản khi tuyên bố bước vào thủ tục thanh lý tài sản bắt buộc để trả nợ. Vụ việc khiến khoảng 600.000 du khách, bao gồm 150.000 người Anh, khách hàng của hãng này, mắc kẹt ở khắp nơi trên thế giới. Chính phủ Anh ngay lập tức yêu cầu Cục Hàng không Dân dụng Anh (CAA) triển khai chương trình hồi hương trong hai tuần tới, bắt đầu từ ngày 23-9 đến 6-10 để đưa 150.000 công dân Anh về nước.

Thomas Cook được thành lập năm 1841 tại Leicester, Anh. Hãng lữ hành này có 21.000 nhân viên ở 16 nước, trong đó 40% làm việc tại Anh.

Nguyên nhân trực tiếp khiến Thomas Cook phá sản sau 178 năm hoạt động là do hãng này không thể thuyết phục chính phủ bơm khoản tiền giải cứu 200 triệu bảng. Nhưng cơn bĩ cực của Thomas Cook xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa hơn: các thương vụ sai thời điểm bao gồm vụ sáp nhập đầy tai họa vào năm 2007, các khoản nợ ngày càng chồng chất và cuộc cách mạng Internet trong lĩnh vực đặt mua các kỳ nghỉ. Hơn nữa, trong bối cảnh tiến trình Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit) vẫn bế tắc, có lẽ cú sụp đổ của người khổng lồ của ngành dịch vụ lữ hành này chỉ là vấn đề thời gian.

Được thành lập vào năm 1841, Thomas Cook là hãng lữ hành lâu đời thế giới. Ảnh: Getty

Hồi tháng 5, Thomas Cook thông báo lỗ kỷ lục 1,5 tỉ bảng trong nửa đầu năm của năm tài chính 2018/2019, chủ yếu do khoản bút toán giảm 1,1 tỉ bảng đối với giá trị của hãng lữ hành My Travel (Anh), được sáp nhập vào Thomas Cook vào năm 2007.

Thương vụ sáp nhập đó giúp tạo ra một đế chế dịch vụ lữ hành ở châu Âu, hứa hẹn giúp tiết kiệm chi phí 75 triệu bảng mỗi năm cho Thomas Cook và tạo bệ phóng để thách thức các đối thủ trực tuyến mới nổi.

Trên thực tế, Thomas Cook sáp nhập một công ty chỉ từng một lần làm ăn có lãi vào sáu năm trước đó và điều này đã choàng thêm gánh nặng nợ nần cho Thomas Cook.

Cú sụp đổ của Thomas Cook không phải vì người Anh giảm đi du lịch và nghỉ mát. 60% người Anh đi du lịch nước ngoài trong năm 2018, cao hơn mức 57% vào năm 2017. Hãng lữ hành này gục ngã một phần là do thói quen du lịch đang thay đổi. Hiện nay, du khách chuộng các kỳ nghỉ ngắn hạn ở các thành phố hơn là chuyến đi nghỉ mát ở các bãi biển và ngày càng có nhiều người tìm kiếm và đặt mua vé máy bay và các gói tour từ các kênh trực tuyến.

Những bên hưởng lợi nhờ xu hướng này là các hãng máy bay giá rẻ như Ryanair, easyJet và nền tảng chia sẻ phòng trực tuyến Airbnb. Những bên thua cuộc là những hãng lữ hành cung cấp dịch vụ tour trọn gói bị hạn chế không gian hoạt động ở các chuỗi đại lý tọa lạc ở những khu phố mua sắm có mặt bằng cho thuê đắt đỏ. Thomas Cook sở hữu khoảng 560 đại lý bán tour ở những khu phố thương mại sầm uất trên thế giới.

Các khách hàng của Thomas Cook mắc kẹt tại một sân bay ở Mallorca, Tây Ban Nha hôm 23-9. Ảnh: Reuters

Ngày nay, chỉ 1 trong 7 khách hàng đến đại lý của một hãng lữ hành trên các khu phố để đặt mua tour, theo Hiệp hội các công ty điều hành tour và đại lý tour Anh (ABTA). Đó thường là những vị khách trên 65 tuổi và thuộc nhóm người có thu nhập tầm thấp, không có nhiều tiền để chi tiêu.

Công ty du lịch và lữ hàng lớn nhất thế giới TUI (Anh-Đức), đối thủ chính của Thomas Cook, cũng đang chịu tổn thương vì các xu hướng mới này. TUI đã nhiều lần đưa ra các cảnh báo lợi nhuận suy giảm trong năm 2019. Song TUI gánh nợ nần ít hơn nhiều và sở hữu nhiều du thuyền và khách sạn. Cú sụp đổ của Thomas Cook rõ ràng sẽ kích thích tăng trưởng doanh thu cho TUI vì các khách hàng cũ của Thomas Cook sẽ chuyển sang mua tour của TUI với giá cao hơn.

Biến đổi khí hậu cũng tác động đến hoạt động kinh doanh của Thomas Cook. Đợt nắng nóng trải khắp châu Âu hồi tháng 5 năm ngoái đã làm giảm mạnh nhu cầu đi nghỉ mát ở các điểm đến tại châu lục này.

Sang năm 2019, Thomas Cook cho biết các khách hàng người Anh trì hoãn các kế hoạch du lịch trong mùa hè vì tình trạng không chắc chắn của Brexit. Đồng bảng Anh giảm giá do các lo ngại về Brexit cũng làm giảm sức mua của nó ở nước ngoài.

Trong lịch sử hoạt động, Thomas Cook chỉ một lần duy nhất trải qua giây phút cận kề với phá sản vào năm 2011, khi khoản nợ của hãng lữ hành tăng lên mức 1,1 tỉ bảng. Cuối cùng, Thomas Cook vẫn “sống sót” nhờ động thái bơm tiền cho vay khẩn cấp của các chủ nợ, nhưng điều này có nghĩa là các khoản nợ của hãng này tăng lên.

Kể từ năm 2011, Thomas Cook đã trả 1,2 tỉ bảng tiền lãi, tức hơn 25% doanh thu từ 11 triệu gói tour mà hãng này bán được hàng năm rơi vào túi của các chủ nợ.

Tập đoàn Fosun International (Trung Quốc) đã đóng vai trò cứu tinh đối với Thomas Cook ít nhất trong hai năm.

Năm 2015, để phục vụ kế hoạch xây dựng đế chế giải trí và du lịch toàn cầu, Fosun International rót 92 triệu bảng vào Thomas Cook để nắm giữ 10% cổ phần của hãng này.

Hồi tháng 8-2019, Thomas Cook công bố chi tiết của kế hoạch tái cấu trúc, bao gồm một thỏa thuận, trong đó, Công ty du lịch Fosun Tourism của Fosun International bơm 450 triệu bảng, đổi lại, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ nắm giữa 75% cổ phần ở mảng điều hành tour và 25% cổ phần ở mảng vận chuyển hàng không của Thomas Cook.

Trong khi đó, các chủ nợ của Thomas Cook đồng ý bơm 450 triệu bảng vào hãng lữ hành này, đồng thời chuyển 1,7 tỉ bảng khoản tiền cho vay nợ của họ ở Thomas Cook thành 25% cổ phần ở mảng điều hành tour và 75% cổ phần ở mảng vận chuyển hàng không của Thomas Cook.

Tuy nhiên, các chủ nợ bao gồm Ngân hàng Hoàng gia Scotland, yêu cầu Thomas Cook phải huy động thêm 200 triệu bảng nữa để giúp hãng này vượt qua mùa du lịch thấp điểm trong mùa Đông tới. Hãng lữ hành này đã phải chạy đua với thời gian vào cuối tuần qua để thuyết phục Chính phủ Anh cung cấp gói giải cứu 200 triệu bảng này nhưng bất thành. Điều này có nghĩa là Chính phủ Anh có thể tốn đến 600 triệu bảng cho chiến dịch hồi hương 150.000 du khách Anh.

Trước các chỉ trích nói rằng sự bàng quan của chính phủ khiến Thomas Cook sụp đổ, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng hành động giải cứu như vậy sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền thuế của dân đồng thời khuyến khích các công ty Anh sẵn sàng chấp nhận các rủi ro cao trong tương lai vì họ nghĩ rằng họ sẽ được bảo vệ khỏi các hậu quả chẳng hạn thông qua hành động giải cứu của chính phủ.

Lê Linh (Theo The Guardian)
Nguồn Saigon Times