12 tỉ đô la nền kinh tế số, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á

12 tỉ đô la nền kinh tế số, Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á

Báo cáo mới nhất của Google, Temasek cùng đối tác Bain & Company cho thấy nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bứt phá đứng thứ hai (sau Indonesia) so với các quốc gia khác trong khu vực, nền kinh tế số dự báo đạt 12 tỉ đô la Mỹ vào năm nay và cán mốc 43 tỉ đô la vào năm 2025.

Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019) do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, công bố những số liệu cụ thể về nền kinh tế số Đông Nam Á, bao gồm 6 thị trường lớn nhất là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Báo cáo cho thấy nền kinh tế Internet của Việt Nam hiện đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng hàng năm 38% kể từ năm 2015. Giá trị nền kinh tế số ước đạt 12 tỉ đô la vào năm 2019 và 43 tỉ đô la vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực là thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Kinh tế số ở Việt Nam bùng nổ. Nguồn: báo cáo e-Conomy Southeast Asia 2019.

Xét về độ lớn tuyệt đối của thị trường, ước tính trong năm 2019, Việt Nam xếp sau Indonesia (40 tỉ đô la) và Thái Lan (16 tỉ đô la), ngang với Singapore và cao hơn Malaysia (11 tỉ đô la) và Phillipines (7 tỉ đô la).

Tuy nhiên, so sánh theo tỷ lệ với GDP, thì Việt Nam dẫn đầu nhóm 6 nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, tỷ lệ GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa trên nền tảng online) chiếm hơn 5% GDP (số liệu GDP chưa được điều chỉnh tăng) vào năm 2019, cao hơn Indonesia là 4%.

“Việt Nam là nổi lên như là nền kinh tế kỹ thuật số nhất trong khu vực”, báo cáo đánh giá.

Theo báo cáo, Việt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm, trong khi những quốc gia còn lại tăng trưởng từ 20-30% hàng năm.

Báo cáo cũng nhận định động lực nhân tố chính thúc đẩy những con số ấn tượng là thị trường Thương mại điện tử, nơi các thị trường trong nước như Sendo và Tiki cạnh tranh với những người chơi trong khu vực như Lazada và Shopee.

Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử khoảng 5 tỉ đô la, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỉ đô la, còn truyền thông trực tuyến đạt 3 tỉ đô la, còn gọi xe công nghệ khoảng 1 tỉ đô la.

Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet. Trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng Internet trên thiết bị di động, tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.

Thương mại điện tử là nhân tố chính trong nền kinh tế số Việt Nam. Nguồn: Báo cáo e-Conomy Southeast Asia 2019.

Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng Internet, với 600 triệu đô la từ đầu năm 2018 đến nửa đầu năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư.

Trong khi đó, tính chung cả khu vực, trong 6 tháng đầu năm nay các công ty internet đã gọi vốn 7,6 tỉ đô la, cao hơn khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo cũng ước tính giá trị nền kinh tế internet Đông Nam Á đã vượt mốc 100 tỉ đô la (chỉ số GMV) trong năm 2019, tăng 40% so với năm trước và đã tăng gấp 3 lần so với mốc năm 2015, chiếm 3,7% tổng GDP. Như vậy, khu vực Đông Nam Á cũng đang thu hẹp khoảng cách với các thị trường phát triển như Mỹ, nơi chiếm tới 6,5% GDP.

Dũng Nguyễn
Nguồn Saigon Times