Ngân hàng hai bảng nợ xấu

Ngân hàng  hai bảng nợ xấu

Nợ xấu “ngoại bảng” và “nội bảng” đang ảnh hưởng đến lợi nhuận ở nhiều ngân hàng.

Các ngân hàng gần đây lại đua nhau báo lãi cao, lập thêm nhiều kỷ lục mới. Chẳng hạn, Vietcombank có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 41%; quy mô tuyệt đối lập kỷ lục mới, lên mức 11.303 tỉ đồng. Danh sách ngân hàng có lợi nhuận tăng nhanh lần này còn có sự góp mặt của những ngân hàng quy mô nhỏ hơn như Maritime Bank, LienVietPostBank, VIB, SeABank, SHB.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại ở một vài ngân hàng. Techcombank ghi nhận quý thứ 15 liên tiếp tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, nhưng tốc độ đã chậm lại, chỉ còn 9% trong 6 tháng đầu năm nay, dù mức lợi nhuận hơn 5.660 tỉ đồng vẫn là con số đáng nể. Còn có 7 ngân hàng có mức lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ như VPBank, BIDV, PGBank, ABBank, OCB, Ngân hàng Việt Á và Saigonbank.

Ở trường hợp VPBank, lợi nhuận trước thuế gần như không đổi, dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng tăng 10% so với cùng kỳ, ở mức 10.812 tỉ đồng. Nguyên nhân một phần vì chi phí dự phòng trong kỳ tăng gần 19%, trong số này chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC chiếm tỉ lệ khoảng 8%, cùng kỳ năm ngoái là 6%.

Hay như trường hợp khác là SCB, một trong số các ngân hàng còn khoản phải thu lớn (hơn 60.000 tỉ đồng). Chi phí dự phòng của Ngân hàng tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận khi giảm đến 84%, đóng góp đáng kể vào mức lãi trước thuế 181 tỉ đồng (tăng 45%), trong khi thu nhập hoạt động giảm 41%, thu nhập từ lãi thuần giảm đến 91%.

Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu bằng cách tăng trích lập dự phòng, mua lại nợ xấu từ VAMC là động thái mà nhiều ngân hàng đang thực hiện, nên lợi nhuận giảm là điều dễ hiểu. Hiện tại có nhiều ngân hàng công bố đã “sạch nợ” tại VAMC, như Vietcombank, Techcombank, MB, OCB hay VIB. VPBank cũng có kế hoạch xử lý toàn bộ nợ VAMC trong năm nay.

Trái phiếu VAMC ra đời với mục đích các giúp các ngân hàng kéo giãn thời gian trích lập nợ xấu, thay vì trích 100 đồng nợ xấu luôn 1 lần thì chia ra mỗi năm có thể trích 20 đồng. Trong nhiều năm nay, dù báo lãi lớn nhưng “bóng ma” nợ xấu vẫn còn ám ảnh các ngân hàng.

Các ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng không ít từ trái phiếu VAMC. Theo các bản báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của 21 ngân hàng đã công bố, tổng giá trị số trái phiếu VAMC đang nắm giữ là hơn 109.327 tỉ đồng (chưa tính BIDV và Agribank).

Một lý do khác khiến các ngân hàng tự tin trích lập nợ xấu VAMC dường như là vì tốc độ xử lý nợ đã tốt hơn trước. Đáng chú ý, lãi từ các hoạt động khác vẫn tăng mạnh. ACB chứng kiến lãi từ hoạt động khác tăng 35%, đạt 480 tỉ đồng. Khoản mục thu từ hoạt động khác của Sacombank cũng tăng hơn gấp đôi, lên 769 tỉ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế đạt 1.938 tỉ đồng tính đến cuối tháng 7, theo công bố của ngân hàng này.

Dù vậy, nợ xấu từ VAMC là phần “ngoại bảng”. Các ngân hàng còn có phần nợ xấu “nội bảng”, vốn có chiều hướng tăng lên ở nhiều ngân hàng. Tính chung, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6.2019 tăng lên mức 1,91% so với 1,89% cuối năm 2018.

Tại BIDV, số nợ xấu nội bảng thời điểm cuối tháng 6.2019 là 21.121 tỉ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn (chiếm một nửa) tăng đến 46%, ở mức 10.492 tỉ đồng. Đây là một thách thức về chất lượng tài sản của các ngân hàng trong quá trình tăng trưởng.

Những thách thức này còn khó khăn hơn với các ngân hàng nhỏ, cả về chất lượng tài sản lẫn hoạt động kinh doanh. Tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB), lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 21 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ, nhưng tổng thu nhập hoạt động lại giảm 22,7%, lợi nhuận đến từ việc giảm chi phí hoạt động, giảm chi phí dự phòng. Một số ngân hàng nhỏ khác vẫn chưa báo cáo cụ thể, chất lượng của tài sản vẫn là một dấu hỏi. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018 đã xử lý được 163.140 tỉ đồng nợ xấu. Từ ngày 15.7.2017 đến cuối tháng 6.2019, toàn hệ thống xử lý được hơn 264.000 tỉ đồng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 (về hỗ trợ phân loại và xử lý nợ xấu), trong đó phần nội bảng là 127.641 tỉ đồng.

​​​​​​​

Nợ xấu nội bảng tăng ở nhiều ngân hàng cũng đến từ việc các ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng ngày nay cũng có điểm khác biệt so với trước kia, đều từ các cá nhân trong hoạt động bán lẻ, trong khi giai đoạn trước đây thường là khoản đầu tư quy mô lớn, hoặc vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Hãy trở lại bức tranh lợi nhuận trong năm nay. Một khía cạnh tích cực khác là nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh ở phần dịch vụ. VIB có mức lãi từ hoạt động dịch vụ lên đến 764 tỉ đồng, tăng 142% với 2 sản phẩm chiến lược là cho vay mua nhà ở và cho vay mua ô tô. Hầu như ngân hàng nào cũng đều đẩy mạnh mảng bán lẻ và lợi nhuận từ dịch vụ cũng tăng lên tương ứng. Rõ ràng các hoạt động tốt từ bán lẻ và dịch vụ là cơ sở quan trọng để các ngân hàng tự tin ứng phó với nợ xấu.

Dũng Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư