Hãng thời trang giá rẻ Forever 21 định nộp đơn phá sản

Biểu tượng một thời của thời trang nhanh, Forever 21, là doanh nghiệp tiếp theo ghi tên mình vào “danh sách tận thế” của ngành bán lẻ Mỹ.

Việc lập hồ sơ sẽ giúp doanh nghiệp thời trang nhanh này xóa sổ những cửa hàng kinh doanh không tốt và thực hiện tái cấu trúc vốn công ty.

Tuy công ty tư nhân này không công bố các báo cáo tài chính, một chuyên gia trong ngành tiết lộ với Forbes rằng doanh thu của Forever 21 đã giảm 20-25% vào năm ngoái.

Tuần trước công ty đã tuyển dụng một nhóm các chuyên gia cố vấn nhằm tái cấu trúc nợ và đánh giá lại danh mục 815 cửa hàng tại Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Đầu tháng 8.2019, Forever 21 đã họp bàn nhằm gây quỹ tài chính. Tuy nhiên việc thỏa thuận đã không diễn ra suôn sẻ, dẫn tới việc nộp hồ sơ phá sản ngày một rõ nét hơn.

Jin Sook và Do Won Chang đã thành lập Forever 21 vào năm 1984 sau khi di cư từ Hàn Quốc sang Mỹ.

Tháng 7.2019, Forbes ghi nhận cặp vợ chồng này đã đánh mất danh hiệu tỉ phú khi thị trường thời trang nhanh bắt đầu rơi vào giai đoạn thoái trào. Hiện tại tài sản của cả hai rơi xuống mức 1,6 tỉ USD, từ con số 3 tỉ USD, theo thông tin của Forbes.

Từng là thương hiệu thời trang được nhiều cô gái trẻ yêu thích, Forever 21 đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bằng chiến lược mở rộng mạnh mẽ và thiết lập các cửa hàng khổng lồ tại các vị trí đắc địa trong 10 năm qua. Tuy vậy gần đây công ty đã lặng lẽ cắt giảm quy mô những cửa hàng lớn nhất tại Mỹ và nhiều thị trường nước ngoài.

Forever 21 là một trong số những doanh nghiệp bán lẻ đang phải vật lộn để duy trì không gian bán hàng.

Tính tới thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ Mỹ đã phải đóng cửa 8.000 cửa hàng. Tình trạng này được ghi nhận là “tận thế của ngành bán lẻ”.

Tháng 2.2019, doanh nghiệp chuyên bán giày giảm giá Payless đã nộp hồ sơ xin phá sản và tuyên bố kế hoạch đóng cửa 2.500 cửa hàng. Đây là một trong những vụ phá sản lớn nhất lịch sử ngành bán lẻ.

Carlie Porterfield
Nguồn Forbes Vietnam