Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ: Một chuyển biến trong hành động của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký Quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.

Thời báo kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) và doanh nghiệp công nghệ đang hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ để hiểu rõ về đánh giá và phản hồi của họ xung quanh quyết định này của Chính phủ.

Quyết định mở toang cánh cửa về mô hình và sự chấp nhận

Ông Tạ Quang Thái - Đồng sáng lập Rada

Tôi cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là một chuyển biến trong nhận thức và hành động của Chính phủ trong việc công nhận hình thức kinh doanh mới trên cơ sở tận dụng các nguồn lực, tài nguyên còn dư thừa trong xã hội nhằm tối ưu hóa tài nguyên cũng như các hoạt động kinh tế dựa trên những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đặc biệt là sự phát triển của mạng Internet.

Nhận thức này đã chuyển biến thành hành động bằng đề án của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã được phê duyệt và phân công thực hiện 31 nhiệm vụ của Thủ tướng đến 16 cơ quan cấp bộ/ngang bộ bao gồm khá đầy đủ các loại hình kinh tế chia sẻ mới nổi trên thị trường.

Ông Tạ Quang Thái - Đồng sáng lập Rada.

Quyết định này cũng đã tính kỹ đến cơ chế Sandbox để thử nghiệm các mô hình mới giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ đề xuất để không hạn chế các lĩnh vực mà kinh tế chia sẻ có thể vươn tới. Cá nhân tôi đánh giá như vậy là đầy đủ, bước 1 từ Chính phủ.

Tuy nhiên, từ đề án này cho đến thực tế thì cả một quá trình không dễ dàng. Đề án quá rộng thậm chí quá gấp khi các deadline (thời hạn cuối cùng) phần lớn phải hoàn thiện vào năm 2020 (còn 1 năm 4 tháng nữa để thực hiện).

Nếu chúng ta cứ nhìn vào việc thực hiện nghị định quản lý taxi công nghệ với taxi truyền thống diễn ra trong bao nhiêu lâu thì ta sẽ hiểu được khối lượng công việc này sẽ như thế nào. Trong 1 năm 4 tháng đấy thì như thế nào, chúng ta vẫn trong hỗn loạn hoặc áp mô hình cũ với kinh tế chia sẻ?

Là đồng sáng lập của một startup có ảnh hưởng bởi đề án và các thông tư, nghị định, quy định trong tương lai, chúng tôi đón chờ cũng như quan sát một cách chặt chẽ cũng như hy vọng rằng các kết quả đầu ra sẽ phản ánh đúng mục tiêu và quan điểm của Thủ tướng trong quyết định phê duyệt này.

Sẽ còn quá sớm để nói đến chuyện bứt phá của các startup Việt, nó bao hàm hai mặt của vấn đề, cơ hội và thách thức. Startup là những kẻ tiên phong đi tìm cái mới, chấp nhận dấn thân để thử nghiệm và chứng minh mô hình mới mà điển hình là câu chuyện về kinh tế chia sẻ như trên. Nó đã làm thay đổi cả nhận thức của bộ máy quản trị và bắt đầu điều chỉnh.

Về bứt phá của startup, theo tôi, với việc thực hiện đề án này là chưa đủ, bởi có khung pháp lý rồi (cũng chưa chắc rằng sau 2020 thì đã có kết quả ổn thỏa hay không) thì việc tiếp theo thì cần vốn và các nguồn lực khác liên quan đến chuyện đầu tư.

Quyết định này mở toang cánh cửa về mô hình và sự chấp nhận, đồng nghĩa với việc các "ông lớn" với nguồn lực lớn, với thế mạnh sẵn có cũng có thể nhảy vào sân chơi. Lúc đó các startup có thể bị thôn tính. Vậy những thứ mà các startup Việt lao vào thực hiện để có được đến ngày hôm nay sẽ nằm ở đâu? Theo tôi tại thời điểm này thì các startup sẽ còn phải xoay xở, núp né và chờ cơ hội.

Cơ hội để các startup Việt bứt lên dù đây là "trận đánh" khó

Ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ thể hiện sự tiến bộ của Chính phủ trong việc thừa nhận các mô hình kinh tế mới.

Từ sự hỗ trợ của đề án mới này, các công ty công nghệ và khởi nghiệp của Việt Nam trong kinh tế chia sẻ sẽ có cơ hội để bứt lên dù đây là "trận đánh" khá khó. Để thành công, startup và doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ cần 3 yếu tố.

Thứ nhất là năng lực công nghệ khủng, vì làm nền tảng. Thứ hai là mô hình mới cần tính sáng tạo và đổi mới rất mạnh. Thứ ba là vì thị trường và mô hình có đối thủ nhiều ông lớn, nên việc lựa chon đối đầu hay chọn ngách cũng là chuyện sống còn.

Ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Tập đoàn Novaon.

Về cơ hội cho các startup và doanh nghiệp Việt thì có thể nói là hoàn toàn có vì mấy lý do. Thứ nhất, kinh tế chia sẻ còn khá mới, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ngay cả các nước phát triển cũng chưa có quá nhiều thời gian để phát triển ngành. Có thể nói, Uber, Grab, Traveloka... cũng mới chỉ là những cánh chim đầu đàn của ngành kinh tế chia sẻ thôi. Vẫn còn nhiều ý tưởng và thị trường sản phẩm còn trống.

Thứ hai, mỗi thị trường về cơ bản sẽ có đặc thù nên cách làm kinh tế chia sẻ cũng có phần khác nhau. Ví dụ, cùng làm mô hình như Airbnb nhưng OYO ở Ấn đi 1 cách hoàn toàn khác. Và cùng làm mô hình dịch vụ đặt xe, nhưng Go-jek thực ra cũng là một cách đi khác hoàn toàn so với mô hình mẫu Uber, Didi, hay Grab, với sự tập trung cao độ vào xe máy và sự nở rộ tròn hệ sinh thái rất sớm thay vì tập trung vào dịch vụ vận chuyển và mở rộng địa lý. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp và startup Việt dựa vào các đặc điểm đặc thù của thị trường địa phương thì hoàn toàn có cửa cạnh tranh.

Thứ ba, điều kiện startup Việt hiện tại đang trong giai đoạn phát triển. Nguồn vốn, nguồn nhân lực công nghệ, sự chấp nhận sử dụng sản phẩm công nghệ mới từ người dùng đang tăng cao, chưa nói tới sự ủng hộ và thúc đẩy của các lãnh đạo chính phủ và truyền thông xã hội. Đó đều là cơ hội để các startup Việt và mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam phát triển.

Thêm tự tin phát triển các ứng dụng kinh tế chia sẻ

Ông Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập kiêm CEO Hệ sinh thái khởi nghiệp BestB

Đề án này đã tạo ra nền tảng pháp lý, có sự hậu thuẫn của Nhà nước giúp cho các công ty công nghệ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, tạo ra một sân chơi chung, cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty truyền thống và công ty công nghệ. Điều quan trọng nhất trong phát triển của các mô hình này là mang lại lợi ích cuối cùng cho người dùng.

Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy phát triển công nghệ số hóa. Đây là một động lực thúc đẩy các startup tự tin đưa ra và phát triển các ứng dụng nền kinh tế chia sẻ; hợp tác với các đơn vị khác để phát triển mô hình. Đề án sẽ giúp khơi thông các dự án công nghệ, đặc biệt dành cho các startup công nghệ nhất là các dự án về dữ liệu lớn, giúp dễ triển khai hơn bởi đã có sự khích lệ, cho phép làm và được quyền khai thác thông tin.

Ông Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập kiêm CEO Hệ sinh thái khởi nghiệp BestB.

Khi Nhà nước có chính sách ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ sẽ giúp các startup tự tin triển khai dự án chia sẻ dữ liệu đối với các nền tảng, đồng thời khích lệ tinh thần các bạn trẻ phát triển khởi nghiệp trong các mảng dữ liệu lớn. Với sự vào cuộc của các bên cả người cung cấp dịch vụ, trách nhiệm của người sử dụng, các nhóm giải pháp... những đơn vị hợp tác với startup cũng sẽ tự tin hơn khi có sự khơi thông về chính sách.

Trong nền kinh tế chia sẻ, các ứng dụng hiện nay không đi một mình mà xây dựng thành một hệ sinh thái, hợp tác với các công ty cùng lĩnh vực bổ sung trong tập khách hàng của mình. Dữ liệu lớn là dữ liệu chung, các bên sẽ chia sẻ cho nhau. Điển hình như Grab hiện nay không còn là một ứng dụng gọi xe công nghệ mà đã phát triển mở rộng sang các dịch vụ khác, trở thành một hệ sinh thái, siêu ứng dụng.

Cần hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp và startup

Ông Nguyễn Hữu Tuất - Chủ tịch và sáng lập FastGo

Đây là một tín hiệu, một động lực tốt cho các công ty startup, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Trong nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ là một trong những thành phần quan trọng, đang dẫn dắt các mô hình kinh tế mới dựa trên ứng dụng công nghệ để khai thác các nguồn lực dư thừa trong xã hội; tạo ra cơ hội việc làm mới, giúp cho phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Nguyễn Hữu Tuất - Chủ tịch và sáng lập FastGo.

Tuy nhiên, để chủ trương này đi vào cuộc sống đóng góp thiết thực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này, cần phải có các hướng dẫn chi tiết về các mô hình kinh doanh nào là kinh tế chia sẻ; các mô hình này sẽ được ưu tiên cụ thể thế nào; cần sự hướng dẫn, hỗ trợ để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động phù hợp, không bị mất cơ hội thị trường.

Ngoài ra cần có các chương trình khuyến khích các mô hình kinh doanh mới giúp thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống hoặc tạo ra những hoạt động, mô hình kinh doanh mới đột phá. Theo đó, mô hình này sẽ giúp tận dụng nguồn tài nguyên chưa khai thác hết; cơ hội tạo ra các công việc mới, phát triển kinh tế tư nhân. Mô hình này cũng giúp đưa ứng dụng công nghệ vào các mô hình kinh doanh truyền thống nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thu Hoàng - Đức Phan
Nguồn VN Economy