Motorola, kẻ tiên phong thực hiện cuộc gọi đầu tiên nay chật vật sinh tồn

Motorola, kẻ tiên phong thực hiện cuộc gọi đầu tiên nay chật vật sinh tồn

Motorola từng dẫn đầu thị trường các thiết bị mà hãng cung cấp như điện thoại di động, thiết bị vô tuyến, modem cáp, nhưng nay đã không còn được nhiều người dùng nhớ đến.

Ngày 3 tháng 4 năm 1973, từ Đại lộ Sáu ở New York, kỹ sư Martin Cooper thực hiện cuộc gọi điện thoại di động cầm tay đầu tiên trên thế giới. Cooper đặt chiếc điện thoại to như hộp đựng giày, nặng 1,1 kg lên tai và gọi cho đối thủ Joel Engel của Phòng thí nghiệm Bell Labs để tuyên bố rằng nhóm nghiên cứu của công ty Motorola đã phát minh ra điện thoại không dây.

Motorola ban đầu có tên là Tập đoàn Galvin, được thành lập năm 1928 tại Chicago bởi hai anh em Paul V. và Joseph E. Galvin, chuyên sản xuất thiết bị khử pin, radio trên xe hơi và máy thu hình.

Nhờ đầu tư mạnh và nghiên cứu, Motorola liên tục mở rộng hoạt động sang sản xuất tivi, modem cáp, thiết bị vô tuyến. Công ty đã cung cấp hầu hết thiết bị vô tuyến cho rất nhiều chuyến bay vào vũ trụ của NASA, trong đó có cuộc đổ bộ Mặt trăng năm 1969. Motorola nhanh chóng trở thành cái tên hàng đầu trong mọi lĩnh vực sản xuất của mình.

Sau phát minh lịch sử năm 1973, Motorola là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất điện thoại cầm tay. Đến năm 1998, điện thoại di động chiếm hai phần ba tổng doanh thu của Motorola.

Công ty mở rộng hoạt động của mình ra toàn cầu từ năm 1952, thời điểm đỉnh cao đã cung cấp việc làm cho hơn 66.000 nghìn lao động, với 18 phòng nghiên cứu và phát triển cùng các văn phòng trải rộng ở Bắc Mỹ Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhưng nay, khi nhắc đến các hãng điện thoại di động trên thị trường, đa số sẽ nhớ đến những cái tên như Samsung, Apple hay Huawei. Từ vị thế tiên phong, kẻ dẫn đầu thị phần điện thoại và viễn thông, Motorola đang dần đi vào quên lãng. Chỉ trong quý đầu năm 2009, công ty đã báo cáo khoản lỗ ròng của mảng điện thoại đi động là 230 triệu USD, tăng từ 194 triệu USD cùng kỳ năm trước.

Năm 2011, Motorola đã phải bán mình cho Google với giá 12,5 tỷ USD. Chỉ ba năm sau, chính Google lại bán mảng Motorola Mobility cho Lenovo với giá 2,91 tỷ USD. Sau 2 năm, Lenovo đã phải cắt giảm hơn 2.000 lao động tại Mỹ. Công ty cũng từ vị trí thứ ba tụt xuống thứ tám trong danh sách các hãng smartphone lớn nhất thế giới. Năm 2018, thị phần của điện thoại Motorola trên toàn cầu chỉ còn 2%, thua xa 20% của Samsung hay khoảng 15% của Huawei.

Thị phần điện thoại di động toàn cầu năm 2018.

Dù đã tung ra thị trường những sản phẩm mới nhưng Motorola vẫn không thể đánh bại Iphone hay Samsung để lấy lại vị thế hàng đầu của mình trên đường đua.

Lắng nghe khách hàng là chưa đủ

Sau năm 2005, Motorola đã không còn duy trì được hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như khả năng nhạy bén với thời cuộc. Điển hình nhất là thất bại trong cuộc chạy đua cách mạng 3G.

Trong giai đoạn 2005 – 2007, các tiêu chuẩn thế hệ thứ ba (3G) đã được tạo ra với sự dẫn đầu của 3GPP và Qualcomm. Cả hai vẫn đang sống tốt và là những ông lớn viễn thông của Mỹ.

Trong lúc đó, Motorola đã làm gì? Khi các nhà mạng không dây tại Hoa Kỳ, đối tác lớn nhất của công ty ban đầu cho rằng họ không cần đến 3G, Motorola lắng nghe khách hàng và đứng ngoài cuộc đua. Hẳn là công ty đã thấu hiểu khách hàng, nhưng họ lại bỏ qua thị hiếu từ các "khách hàng của khách hàng", những người sử dụng điện thoại và dịch vụ internet, luôn dễ dàng từ bỏ công nghệ cũ để làm quen với những xu hướng tân tiến hơn.

Iphone 5S và Motorola Moto X.

Apple tự tạo ra nhu cầu và xu hướng với những chiếc iPhone màn hình chạm được thiết kế thời thượng. Nokia phát triển thêm các tính năng chơi game. Còn Motorola, tung ra thị trường chiếc điện thoại RAZR, vẫn trung thành với phong cách thiết kế, màu sắc quê mùa trong khi hầu như không có cải tiến về chức năng.

Trễ đồng nghĩa với không bao giờ

Sau khi bỏ lỡ cuộc cách mạng 3G, Motorola có nhận ra sai lầm của mình không?

Câu trả lời là có, nhưng điều đó đã quá trễ.

Chiếc điện thoại Moto Z được hãng tung ra vào năm 2016, đặc biệt cải tiến camera và tăng thời lượng pin cùng những phụ kiện đi kèm đắt tiền như ốp lưng sạc không dây, loa gắn liền, pin sạc dự phòng nhưng vẫn chậm chân hơn nhiều so với các dòng smartphone của Samsung hay Apple. Vậy là Motorola quay trở lại với phụ kiện thông thường hơn. Motorola cũng cố gắng phát triển tính năng chơi game nhưng bị người dùng chê là khó sử dụng.

Có thể thấy rõ được các nỗ lực thay đổi, cải tiến của Motorola nhưng đó là khi các đối thủ cũ và cả những tân binh đã đi được chặng đường dài trong việc tạo ra xu hướng và thói quen cho khách hàng, từ tầm trung như Xiaomi, Huawei đến cao cấp như Samsung, Iphone. Và cái giá mà công ty phải trả chính là sự thờ ơ, quay lưng của người dùng.

Tuy nhiên, Motorola chưa từ bỏ cuộc chơi. Chiếc điện thoại thông minh được kết nối mạng 5G của công ty đang nỗ lực chạy đua với dòng điện thoại của Samsung và Huawei nhưng để lấy lại vị thế của mình, hãng điện thoại lâu đời này sẽ còn phải đối mặt với chặng đường dài nhiều thử thách phía trước.

Mười năm trước, Motorola đã phản ứng quá chậm với mối đe dọa từ Android và Apple cùng sự thiếu tầm nhìn dẫn tới lạc lối và tụt hậu. Đến nay, thương hiệu này vẫn còn sức mạnh cũng như lượng khách hàng trung thành nhất định. Tuy nhiên, có thể bấy nhiêu vẫn chưa đủ để giúp một kẻ bại binh tìm lại hào quang đã vụt mất.

T. Dương
Nguồn Trí Thức Trẻ