Sabeco chi 3,3 tỷ mỗi ngày cho quảng cáo, tiếp thị

Theo lãnh đạo Sabeco, nguyên nhân chính khiến doanh thu nửa đầu năm nay cao hơn cùng kỳ là gia tăng sản lượng tiêu thụ và tăng giá bán các sản phẩm.

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với khoản lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục 1.872 tỷ đồng.

Lãi lớn nhờ tăng giá bán

Cụ thể, tính riêng quý II, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sabeco đã giảm nhẹ 1%, đạt 9.088 tỷ đồng. Tuy vậy, giá vốn hàng bán giảm tới 6% giúp cho lãi gộp doanh nghiệp này thu về tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, và đạt 2.414 tỷ đồng.

Từ khi những lãnh đạo do tỷ phú người Thái Lan đề cử tham gia điều hành, Sabeco có xu hướng chi rất nhiều tiền cho hoạt động bán hàng, đồng thời tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.

Quý II, trong khi chi phí bán hàng của hãng bia này tăng 12% (chủ yếu là chi phí quảng cáo và tiếp thị) thì chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm tương ứng 10% cùng kỳ.

Cùng với doanh thu tài chính và tiền lãi từ hoạt động liên doanh, liên kết, Sabeco thu về tổng cộng 1.872 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý II, tăng tới 19% so với cùng kỳ năm 2018.

So với lợi nhuận thu về quý I, kết quả này cũng đã tăng tới 18%. Đây là con số lợi nhuận trong một quý cao nhất từ trước đến nay của Sabeco, kể cả thời điểm cổ đông Nhà nước chưa thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.

Thực tế, những năm gần đây, quý II luôn là quý Sabeco thu về lợi nhuận cao nhất trong năm.

Theo giải trình của ban lãnh đạo, doanh thu thuần trong quý II giảm nhẹ do sự giảm nhẹ của sản lượng tiêu thụ. Nhưng lợi nhuận gộp vẫn cao hơn do tiết kiệm từ chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của ông chủ hãng Bia Sài Gòn thu về ước đạt 18.425 tỷ đồng, vẫn tăng 9%. Qua đó giúp hãng bia này ghi nhận tổng cộng 3.456 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16%, tương ứng gần 477 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Biên lãi gộp mà Sabeco thu về được trong cả quý II và lũy kế nửa đầu năm qua đều tăng khá nhiều so với cùng kỳ.

Một phần nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp này đã tăng giá bán với một số sản phẩm.

Lợi nhuận gộp của Sabeco tăng trưởng nhờ việc tăng giá bán bia. Ảnh: Reuter.

Công ty cũng cho biết doanh thu thuần nửa đầu năm thu về được tăng so với cùng kỳ nhờ việc gia tăng sản lượng tiêu thụ và tăng giá bán bia.

Trong khi đó, lợi nhuận ròng cao hơn 6 tháng năm trước nhờ lợi nhuận gộp tăng trưởng cũng như doanh thu tài chính tăng cao, và kiểm soát tốt chi phí quản lý doanh nghiệp.

Hơn 600 tỷ cho quảng cáo, tiếp thị

Ngoài kết quả kinh doanh tăng mạnh, báo cáo bán niên của Sabeco cũng tiếp tục cho thấy sự chịu chi của các ông chủ Thái Lan trong việc quảng cáo và tiếp thị sản phẩm.

Cụ thể, nửa năm vừa qua, Sabeco đã chi ra tổng cộng 1.336 tỷ đồngchi phí bán hàng, tăng 166 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Gần 50% trong số này là chi phí quảng cáo, tiếp thị và hỗ trợ hoạt động bán hàng.

Con số thực tế mà Sabeco đã chi ra cho hoạt động này trong nửa năm qua lên tới 603 tỷ đồng, tăng hơn 203 tỷ so với cùng kỳ. Đây cũng là chi phí tốn kém nhất của hãng bia này trong cơ cấu chi phí bán hàng hiện nay. Đồng thời là con số kỷ lục mà hãng bia này từng chi ra cho hoạt động tương tự.

Các ông chủ Thái Lan tại Sabeco đặc biệt quan tâm tới việc làm hình ảnh cho thương hiệu bia Sài Gòn. Ảnh: Leicester City FC.

Tính bình quân, cứ mỗi ngày Sabeco chi hơn 3,3 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo và tiếp thị các sản phẩm bia, nước giải khát.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông 2019, lãnh đạo Sabeco cũng đã khẳng định sẽ tăng mạnh chi phí marketing so với năm trước và nhấn mạnh vấn đề không phải là tăng bao nhiêu mà là đem lại hiệu quả thế nào.

“Chúng tôi đảm bảo hiệu quả nhất trong mỗi đồng kinh phí đầu tư vào marketing chứ không phải tiêu vào đó”, Tổng giám đốc Sabeco Neo Bennett cho biết.

CEO Sabeco cũng từng chia sẻ các thương hiệu bia của Sabeco đã hơi cũ và thiếu cá tính so với một số đối thủ trên thị trường trong khi lại không hướng tới một nhóm khách hàng cụ thể nào cả nên cần phải được định vị, phân loại rõ ràng, khác biệt hơn.

Đi kèm với việc tăng mạnh chi phí quảng cáo và tiếp thị Sabeco cũng cắt giảm được tương đối nhiều tiền từ chi phí bao bì hao bể, hay chi phí thuê kho vận với các sản phẩm của mình.

Hiện tại, trên sàn chứng khoán cổ phiếu SAB được giao dịch với giá 278.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 12%.

Tại mức định giá trên, vốn hóa của Sabeco đạt 179.000 tỷ đồng và nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất hiện nay.

Quang Thắng
Nguồn Zing News