adidas hướng tới sản xuất tất cả giày từ nhựa tái chế vào năm 2024

Thời trang xanh trước giờ vẫn được xem là một thị trường ngách dành cho số hiếm những người tiêu dùng quan tâm tới môi trường. Ngày nay xu hướng này đã bắt đầu được các thương hiệu lớn như adidas, LVHM và Nike để mắt tới.

adidas, thương hiệu giày có doanh thu cao thứ ba toàn cầu theo danh sách Những công ty niêm yết lớn nhất thế giới của tạp chí Forbes, vừa công bố rằng tới năm 2024, doanh nghiệp này sẽ chỉ dùng nhựa tái chế cho tất cả các sản phẩm giày và quần áo.

"Mục tiêu của chúng tôi là loại bỏ việc sử dụng nhựa mới trong sản xuất vào năm 2024," Eric Liedtke, người đứng đầu của adidas cho hay.

Số lượng giày làm từ nhựa tái chế của adidas đã tăng từ 1 triệu đôi vào năm 2017 lên 5 triệu vào năm 2018 và dự tính sẽ chạm tới con số 11 triệu vào cuối năm 2019.

Số lượng giày làm từ nhựa tái chế của adidas dự tính sẽ chạm tới con số 11 triệu vào cuối năm 2019

"Chỉ trong năm 2018, chúng tôi đã tiết kiệm được hơn 40 tấn rác thải nhựa dùng trong văn phòng, cửa hàng bán lẻ, kho hàng và các trung tâm phân phối trên toàn thế giới và sử dụng các giải pháp bền vững để thay thế," Gil Steyaert, giám đốc vận hành toàn cầu của adidas phát biểu trong thông cáo báo chí.

Các hãng thời trang lớn khác trên thế giới cũng không đứng ngoài đường đua xanh. Inditex, công ty mẹ của thương hiệu thời trang nhanh Zara, đã cam kết tới năm 2025, tất cả các bộ sưu tập của hãng sẽ được sản xuất từ vải tái chế bền vững hữu cơ.

Người khổng lồ ngành thời trang LVHM đã mua cổ phần của hãng thời trang bền vững Stella McCartney. Bản thân nhà thiết kế Stella McCartney cũng sẽ gia nhập LVHM và giữ vị trí cố vấn bền vững cho công ty.

Nike cũng theo đuổi chiến lược sử dụng vật liệu xanh, tuy vậy không mạnh mẽ và triệt để như adidas: "Trong năm tài khóa 2018, 19% nhựa dùng trong các sản phẩm của chúng tôi đã được tái chế," hãng đồ thể thao tuyên bố trong Báo cáo tác động của Nike năm 2018. Nike cũng cho biết 50% đế của dòng giày Nike Air được sản xuất từ nguyên liệu tái chế từ năm 2008.

Bất chấp nỗ lực hướng tới phát triển bền vững của các tên tuổi lớn trong giới thời trang, ảnh hưởng môi trường của ngành vẫn còn đó.

Theo báo cáo Nhịp đập ngành công nghiệp thời trang 2019 của Boston Consulting Group, thời trang sẽ tiếp tục tăng trưởng lên mức 81%, tương đương với 102 tấn sản phẩm, trong năm 2030 và sẽ tiêu tốn một lượng tài nguyên không hề nhỏ cho quá trình sản xuất.

"Nếu các công ty có thể tái chế hàng tỉ tấn quần áo và chai nhựa thành những sản phẩm mới, điều này sẽ giúp chuỗi cung hoạt động kinh tế hơn và hành tinh này sẽ được cứu sống," Ann Cantrell, giáo sư ngành quản lý kinh doanh thời trang tại Học viện Thời trang công nghệ nhận định.

"Các công ty thời trang không ứng dụng các giải pháp bền vững kịp thời sẽ phải đối đầu với rủi ro gây nên các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và xã hội," Boston Consulting Group cảnh báo.

Sử dụng một chỉ số đo lường riêng có tên gọi Pulse Index, Boston Consulting Group chỉ ra rằng chỉ số này của ngành thời trang đã tăng từ 32 trong năm 2017 lên 42 điểm trên thang điểm 100 vào năm 2019. Tuy vậy cơ quan nghiên cứu này cho rằng ngành thời trang vẫn còn một chặng đường dài phía trước để được công nhận là phát triển bền vững.

"Các công ty cần phải nỗ lực nhiều hơn, đặt ra các mục tiêu cụ thể và thực hiện đồng bộ để có thể vượt qua những thách thức kinh tế và kỹ thuật sẽ gặp phải trong tiến trình phát triển bền vững," báo cáo Nhịp đập ngành công nghiệp thời trang 2019 kết luận.

PAMELA N. DANZIGER
Nguồn Forbes Vietnam