7 công ty biểu tượng của Mỹ từng khôi phục trở lại từ bờ vực phá sản

Apple, Starbucks, Netflix cùng nhiều công ty biểu tượng khác của Mỹ đều từng phát triển mạnh mẽ rồi rơi xuống "vực thẳm" hoặc thậm chí phá sản.

Điểm chung khác là tất cả đều đã thay đổi và vực dậy trở thành những gã khổng lồ như hiện nay. Dưới đây là những công ty biểu tượng của Mỹ từng khôi phục trở lại sau khi lâm khủng hoảng, theo Business Insider.

Converse

Hãng giày Converse là một trong thương hiệu biểu tượng của Mỹ vào những năm 1970 - 1980, nhưng trở nên lỗi thời với nhiều người vào những thập niên sau đó. Năm 2002, công ty này chỉ đạt doanh thu 205 triệu USD, theo Quartz. Converse đệ đơn xin phá sản vào đầu những năm 2000.

Từ đó đến nay, thương hiệu giày sneaker biểu tượng môt thời đã làm mới mình nhờ hợp tác với nhiều nhà thiết kế danh tiếng như John Varvatos. Hiện Converse đã được định giá hơn 1 tỷ USD và trở lại là một trong những thương hiệu giày sneaker phổ biến tại Mỹ.

Netflix

Netflix bắt đầu là dịch vụ cho thuê băng đĩa vào năm 1998. Một thập kỷ sau đó, công ty này bắt đầu mở rộng sang dịch vụ phát video trực tuyến, quyết định tách riêng các thuê bao thuê băng đĩa và thuê bao xem phim trực tuyến. Ngay sau công bố này, giá cổ phiếu Netflix sụt mạnh và công ty mất khoảng 800.000 thuê bao.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm sau đó, hãng này bắt đầu vực dậy với bộ phim nội dung gốc đầu tiên và từ đó cứ thế tiến lên. Hiện Netflix trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực này với ngày càng nhiều nội dung gốc đình đám.

Apple

Khi Steve Jobs bị "hất cẳng" khỏi Apple vào những năm 1980, công ty này rơi vào vòng xoáy đi xuống bao gồm loạt sản phẩm thất bại như Newton MessagePad - sổ tay điện tử có giá bán lẻ hơn 700 USD.

Sau khi Jobs trở lại đảm nhiệm vị trí điều hành, Apple mới bắt đầu được vực dậy. Thời điểm quyết định cho sự trở lại của Apple là việc ra mắt máy tính iMac với ngoại hình hoàn toàn khác biệt với các thiết bị khác trên thị trường và có tới 5 màu sắc. Một loạt sản phẩm lịch sử khác nối tiếp nhau ra đời như iPod, iTunes và iPhone. Apple trở thành công ty đầu tiên đạt vốn hoá 1.000 tỷ USD.

Starbucks

Vấn đề lớn nhất của Starbucks là phát triển quá nhanh. Khi Howard Schultz rút khỏi vị trí CEO và chỉ còn làm chủ tịch của Starbucks, chuỗi cà phê này đã tăng số lượng cửa hàng từ 5.000 lên tới 15.000, theo Business Insider. Cổ phiếu công ty này cũng mất 42% giá trị. Năm 2008, Schultz trở lại làm CEO, khi đó, Starbucks đang bắt đầu đóng hàng trăm cửa hàng. Giờ đây, sau 11 năm, Starbucks đạt doanh thu 6,3 tỷ USD và hiện đang có 16,8 triệu người dùng theo chương trình điểm thưởng.

Delta Airlines

Năm 2005, doanh thu trên mỗi ghế/dặm bay của hãng hàng không Delta Airlines chỉ bằng 86% so với mức trung bình của ngành, theo Forbes. Đây cũng là năm hãng này đệ đơn xin bảo hộ phá sản với lý do chi phí nguyên liệu tăng cao. Sau đó, Delta Airlines đã dùng khoảng thời gian này để tái cơ cấu hoàn toàn và tự mình vực dậy, trong khi nhiều hãng hàng không khác nhanh chóng bị mua lại hoặc sáp nhập với nhau.

Tới năm 2007, Delta Airlines bắt đầu tăng trưởng trở lại. Theo Forbes, hãng này đã đưa ra vài quyết định quan trọng, như đưa Atlanta trở thành trung tâm hàng không lớn nhất thế giới, mua chỗ đỗ tại sân bay Heathrow tại London (Anh), tận dụng các sân bay tại New York (Mỹ) như JFK và LaGuardia. Hiện nay, Delta Airlines là hãng hàng không lớn thứ 2 thế giới về quy mô đội bay. Hãng này có 879 máy bay, chỉ sau American Airlines với 956 chiếc, theo Business Insider.

Lego

Lego ra đời vào năm 1923 và trở thành gã khổng lồ trong ngành công nghiệp đồ chơi kể từ đó. Tuy nhiên, vào thời điểm bước sang thế kỷ 21, công ty bắt đầu phải đối mặt với nhiều vấn đề. Dù đã lấy được thoả thuận nhượng quyền sản xuất đồ chơi về những nhân vật nổi tiếng trong "Harry Potter" và "Star Wars", sau khi sức hút từ những bộ phim này giảm sút, doanh thu của Lego cũng sụt mạnh. Tuy nhiên, hãng này vẫn giữ nguyên sản lượng những sản phẩm này. Theo Tweak Your Biz, Lego từng lỗ 1 triệu USD mỗi ngày.

Năm 2004, một CEO mới được bổ nhiệm, khi Lego đang trên bờ vực phá sản. Ông lập tức đưa ra những thay đổi như giảm sản lượng sản xuất, "khai tử" nhiều sản phẩm không mang lại lợi nhuận và đóng cửa mảng game máy tính.

Giờ đây, Lego đã trở lại vị thế dẫn đầu trong mảng đồ chơi lắp ghép và thành công với lĩnh vực sản xuất phim khi cho ra nhiều bộ phim bom tấn.

General Motors (GM)

GM được thành lập vào năm 1908 và trở thành hãng sản xuất ôtô khổng lồ tại Mỹ trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1970, công ty này lâm vào khó khăn do tình trạng thiếu gas trên toàn quốc. Vào thập kỷ tiếp theo, cả ngành công nghiệp ôtô đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu và từ năm 1981 đến 1990, thị phần của GM tại Mỹ đã giảm từ 50% xuống chỉ còn khoảng 30%.

Cuối cùng, vào năm 2009, GM đệ đơn xin phá sản và nhận được một gói cứu trợ của Quốc hội Mỹ. Từ đó, công ty này tái cấu trúc và trải qua nhiều đời CEO trước khi bà Mary Barra trở thành nữ CEO đầu tiên của hãng vào năm 2014. Dưới sự điều hành của "nữ tướng" này, GM dần phục hồi và duy trì được vị trí là nhà sản xuất ôtô số một tại Mỹ. Quý 1/2019, công ty này báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng của các nhà phân tích phố Wall.

Hoài Thu
Nguồn VN Economy