“Cuộc chiến ngọt ngào” và sự rút lui của một thương hiệu trà sữa

Khi cơn bão trà sữa tại thị trường Việt Nam qua đi, mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp, việc Ten Ren đóng cửa cũng là điều dễ hiểu.

Đại diện Công ty cổ phần TMDV Trà cà phê VN (The Coffee House) - đơn vị nhận nhượng quyền độc quyền chuỗi Ten Ren's tea tại thị trường Việt Nam - cho biết việc đóng cửa 23 cửa hàng ở TP.HCM và Biên Hòa sẽ được thực hiện từ ngày 15/7 và ngày hoạt động cuối cùng của thương hiệu trà này ở Việt Nam là 15/8.

Đây là thông tin được đánh giá là vừa bất ngờ vì thị trường trà sữa đang có tốc độ phát triển mạnh, nhưng lại không quá bất ngờ bởi sự cạnh tranh của thị trường này cũng không kém phần khắc nghiệt.

Thương hiệu trà sữa Ten Ren’s Tea của Đài Loan có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 thông qua nhà nhận nhượng quyền thương hiệu độc quyền là công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Trà - Cà phê Việt Nam, cũng là công ty sở hữu chuỗi cà phê The Coffee House.

Ten Ren cho biết sẽ ngừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam với ngày hoạt động cuối cùng là ngày 15/8/2019

Ten Ren cho biết sẽ ngừng kinh doanh tại thị trường Việt Nam với ngày hoạt động cuối cùng là ngày 15/8/2019

Chia sẻ về quyết định này, đại diện The Coffee House (TCH) cho biết sau khi đã cân nhắc họ nhận thấy mô hình kinh doanh hiện tại của mình chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng. Hai năm đầu tiên hoạt động là bước thử nghiệm mô hình kinh doanh trước khi vào giai đoạn phát triển mở rộng. Tuy nhiên đối với Ten Ren, TCH nhận thấy chưa trả lời được đâu là công thức thành công cho ngành trà sữa, đặc biệt khi thị trường có nhiều biến động và nhu cầu người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng.

Công ty đang muốn tập trung hơn cho chuỗi cà phê The Coffee House. Toàn bộ nhân viên của Ten Ren hiện tại cũng sẽ được đào tạo phục vụ cho chuỗi cà phê hiện hữu. Đây không phải là việc sáp nhập vào The Coffee House mà lý do Ten Ren đưa ra là "mô hình kinh doanh hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng".

Thị trường trà sữa ở Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng rất khốc liệt. Theo thống kê, cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa với khoảng 100 thương hiệu đang cạnh tranh. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, một số cửa hàng trà sữa nhỏ bắt đầu rút lui và thị trường ít ghi nhận sự góp mặt của những tên tuổi mới. Có ý kiến cho rằng thị trường đang đi vào thoái trào nhưng cũng có quan điểm không đồng tình.

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ 2 năm trước. Khảo sát của một số công ty khác cũng đưa ra con số ấn tượng: Tại Việt Nam, trà sữa đang đứng thứ 2 về lượng người ưa chuộng sử dụng với 23% và hầu hết tập trung vào đối tượng là nữ giới (53%) và người trẻ từ 15 đến 22 tuổi (35%).

Sau thời gian tăng trưởng "nóng" đến 200%, thị trường trà sữa đã dần đi vào ổn định. Nếu cà phê là thức uống phổ biến của người Việt thì trà sữa cũng đã có nhóm khách hàng chuyên biệt, nữ tính hơn nên vẫn rất tiềm năng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư quán trà sữa rẻ hơn so với quán cà phê nhưng hiệu suất trên mặt bằng, doanh số không thua kém quán cà phê, lợi nhuận thậm chí cao hơn.

Sau thời gian tăng trưởng "nóng" đến 200%, thị trường trà sữa đã dần đi vào ổn định.

Sự cạnh tranh trên thị trường trà sữa hiện ở giai đoạn mạnh mẽ nhất, không chỉ sự tham gia của các thương hiệu mà còn cả các nền tảng như Grab, Now, Go-Food... Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn và mức độ trung thành giảm đi.

Khi cơn bão trà sữa tại thị trường Việt Nam qua đi, mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp, việc Ten Ren đóng cửa cũng là điều dễ hiểu. Hiện tại, thị trường trà sữa vẫn còn nhiều thương hiệu khác như DingTea, Gong Cha, KOI, Royal Tea, TocoToco...

Dingtea có lẽ là thương hiệu “trùm” hiện nay tại thị trường Việt Nam, mặc dù nó chỉ phủ sóng ở Hà Nội nhưng số lượng cửa hàng rất lớn lên tới 89 cửa hàng toàn quốc. Xếp sau Dingtea là một loạt các thương hiệu như Toco Toco (61 cửa hàng), Gong Cha (15 cửa hàng), Trà Tiên Hưởng (47 cửa hàng). Thêm vào đó những thương hiệu Việt cũng gia tăng sự cạnh tranh với sự xuất hiện của Phúc Long – một thương hiệuViệt rất ưa chuộng (16 cửa hàng), Hoa Hướng Dương (18 cửa hàng), Bobapop (49 cửa hàng)…

Linh Nga
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp