Kênh siêu thị và quyền lực ngầm: #2 - Tự cứu mình

Sau vụ Big C ngưng nhận hàng của 200 doanh nghiệp (DN) may mặc Việt Nam, các DN cần rút ra bài học: Hãy tự cứu mình, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm và hợp tác với nhiều kênh phân phối sản phẩm.

Tại buổi gặp mặt một số DN may mặc tại Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Phạm Bình An - Giám đốc Trung tâm WTO TP.HCM cho rằng, vụ ngưng nhập hàng của Big C cho DN một bài học, nếu chỉ trông chờ vào kênh phân phối ở các siêu thị sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là các siêu thị luôn tăng chiết khấu và bổ sung các điều khoản vô lý mà không quan tâm đến nhà sản xuất có lãi hay không. Việc Big C không cam kết phải bán hàng Việt mà đưa hàng Việt vào hệ thống với tỷ lệ phù hợp, hay như việc xem xét lại “kỹ hơn” một số DN chưa bảo đảm cam kết theo hợp đồng, có thể xem là một minh chứng về “quyền lực” của hệ thống bán lẻ này. Trước đó, Big C đã có nhiều chính sách tăng giá chiết khấu lên mức cao nhất so với các siêu thị hiện nay. Động thái này được xem là chiến lược “âm thầm” để đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống Big C. Thực tế cho thấy ở nhiều mặt hàng khác, khi các siêu thị vào tay “đại gia” Thái thì hàng của nước này đã dần phủ quầy kệ và họ giảm kinh doanh hàng Việt.

Luật sư Lê Văn Ngọc - Tổng giám đốc Công ty Luật Thịnh Trí chia sẻ, một số DN cho biết lý do họ bị siêu thị chấm dứt hợp đồng rất vô lý nhưng ở góc độ pháp lý thì lại không thể can thiệp. Bởi có nhiều điều khoản đã ký trong một bộ hồ sơ hợp đồng khoảng 20 trang, trong khi DN thì không phải ai cũng hiểu hết tính pháp lý của từng câu chữ trong hợp đồng, nhất là với các siêu thị đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc soạn thảo hợp đồng với các điều khoản có lợi cho họ mà lại không sai về tính pháp lý. Riêng vụ Big C ngưng nhận hàng may mặc, cần xem lại các điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên.

Cũng từ vụ Big C, nhiều ý kiến cho rằng, các DN Việt nên xem đây là bài học để đầu tư nhiều hơn cho chất lượng sản phẩm. Vì suy cho cùng, siêu thị cũng là đơn vị kinh doanh, mặt hàng nào không ăn khách, không mang lại doanh số cao thì họ từ chối để nhận hàng khác có lợi nhuận cao hơn là đương nhiên.

Nếu so sánh thì MM Mega Market, Big C, Aeon Mall, Lotte Mart có mức chiết khấu cao hơn các siêu thị trong nước như Co.opmart, VinMart từ 3-5%. Song, vấn đề được mong mỏi hiện nay là Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, mặt bằng cho các đơn vị bán lẻ Việt Nam để họ có điều kiện hỗ trợ DN sản xuất trong nước. Đơn cử như VinCommerce, nhiều năm qua đã luôn hỗ trợ DN Việt Nam thông qua các chương trình liên kết như đồng hành thúc đẩy sản xuất, xây dựng bộ tiêu chuẩn kép về chất lượng sản phẩm cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh đó, VinMart và VinMart+ đã hợp tác với hàng trăm nhà cung cấp để đưa sản phẩm vào bày bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đảm bảo tỷ lệ hàng Việt luôn trên 90%. Các nhà cung cấp còn được VinCommerce hỗ trợ về vốn sản xuất, hỗ trợ bày bán sản phẩm tại các vị trí thuận lợi để tăng sức mua cho hàng Việt.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup cho biết: “Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cùng làn sóng DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn gây áp lực lên toàn bộ nền sản xuất nội địa. Tuy nhiên, thách thức luôn mang đến cơ hội và áp lực cạnh tranh chính là cơ hội để các DN Việt chủ động hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại. Vì thế, Vingroup cam kết sẽ chung tay lâu dài vì hàng Việt”.

Tại một hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tuyền - Giám đốc Phòng Giao dịch nhà cung cấp Saigon Co.op lưu ý: “Muốn đưa hàng vào siêu thị, DN cần nghiên cứu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, giám sát, kế hoạch kiểm tra định kỳ, tem nhãn có đúng quy định không, phải chú ý đến hình ảnh sản phẩm, chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi cũng như lập bộ phận giải quyết thắc mắc của khách hàng. Co.opmart luôn có chiết khấu hợp lý và chính sách hỗ trợ hàng Việt để tạo điều kiện cho nhà cung cấp nhỏ và vừa đưa hàng vào siêu thị”.

“Các DN Việt Nam gặp không ít khó khăn khi tham gia vào chuỗi phân phối của siêu thị, bởi ngoài việc phải trải qua quy trình phức tạp về thủ tục còn phải trả chiết khấu cao và đóng hàng loạt phí, như phí trưng bày, phí mở mã, quầy kệ, phí marketing, thưởng doanh số…”.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn