Hơn 1/3 người trẻ đang đi du lịch theo phong trào và nhận định của người khác

Xu hướng này vừa có lợi cho các đơn vị du lịch nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu chất lượng phục vụ có vấn đề.

Thời đại Internet đã thay đổi cách người Việt thiết kế, trải nghiệm các chuyến đi du lịch. Thay vì chỉ hỏi ý kiến những người thân quen như trong quá khứ, ngày nay người Việt có cơ hội tham khảo nhiều nguồn thông tin đa dạng hơn trên các website, nền tảng du lịch online, lắng nghe đánh giá từ những người đi trước,...

Thông thường, một chuyến đi du lịch giờ đây sẽ trải qua 5 bước: Lựa chọn điểm đến; xây dựng kế hoạch; đặt các dịch vụ liên quan như nhà hàng, vé máy bay, khách sạn; trải nghiệm chuyến đi; và cuối cùng là đánh giá, chia sẻ sau khi kết thúc.

"Có một vấn đề đặc biệt là những chia sẻ ở bước 5 lại góp phần rất quan trọng cho việc chọn lựa tour du lịch ở bước 1", ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định như vậy tại sự kiện Ngày du lịch trực tuyến – Vietnam Online Tourism Day 2019 diễn ra ngày 26/6.

Dẫn số liệu từ một nghiên cứu gần đây, ông Bình cho biết có tới 35% người VIệt lựa chọn địa điểm du lịch dựa vào ý kiến của những người đi trước. Đặc biệt, nếu tính riêng trong nhóm đối tượng từ 18-24 tuổi, tỷ lệ này là 38%.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra một vài số liệu đáng chú ý như với sự phát triển của Internet và thiết bị di động, có tới 70% khách chia sẻ kinh nghiệm du lịch ngay trên mạng; 20% thanh niên được truyền cảm hứng từ các chiến dịch online, hay thậm chí 87% thanh niên đi du lịch coi điện thoại thông minh là công cụ tất yếu, "quên gì thì quên chứ không thể quên điện thoại".

"Điều này cho chúng ta thấy việc chia sẻ trên mạng Intenet đã tạo ra những nhận thức về du lịch khác hẳn. Và như vậy với thế hệ trẻ, trên 1/3 đang đi theo phong trào, đi theo nhận định của người khác", ông Bình khẳng định.

Đại diện Hiệp hội du lịch đánh giá xu hướng này đem lại lợi ích nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi với các doanh nghiệp. Nếu làm tốt họ sẽ kéo thêm được nhiều khách du lịch ghé thăm, tăng doanh thu hoạt động. Nhưng nếu làm không tốt, sẽ ngay lập tức tạo ra tác động ngược chiều, ảnh hưởng tới uy tín doanh nghiệp.

"Vì vậy mọi người hãy cẩn thận trong việc thực hiện cam kết của mình với khách hàng. Nếu không, thay vì lợi ích, chính cơ sở của các bạn sẽ phải chịu thiệt hại. Đây cũng là giá trị quan trọng mà du lịch trực tuyến đem lại", ông Bình nhắn nhủ các đơn vị kinh doanh du lịch ngồi dưới.

Ở thời điểm hiện tại, du lịch trực tuyến đang là loại hình mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong quá trình đặt hàng. Với các nền tảng online, họ có cơ hội đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng, tăng khả năng bán thêm dịch vụ đi kèm. Còn người mua cũng sẵn sàng mua thêm để tận dụng các chương trình ưu đãi giảm giá. Nghĩa là du lịch trực tuyến tạo cơ hội để tất cả mọi người hăng hái tham gia: Người bán bán được nhiều hơn, người mua mua được rẻ hơn.

Theo số liệu năm 2017, ngành du lịch đóng góp 9,4% vào tổng GDP của VIệt Nam, trong đó du lịch trực tuyến là 5,8 %. Ngoài ra, tỷ lệ lao động tham gia vào mảng du lịch trực tuyến là 1/13, nghĩa là cứ 13 người Việt Nam thì có 1 người làm trong lĩnh vực này.

Hồng Lam
Nguồn Trí thức trẻ