Tăng trưởng nguồn cung homestay ở Việt Nam 450%?

Kinh doanh homestay không còn là câu chuyện chia sẻ không gian lưu trú mà trở thành cuộc đua của không ít các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thuê lại một căn tập thể cũ gần 60 m2 tại quận Ba Đình (Hà Nội) với giá 5 triệu đồng/tháng, anh Thái Hoàng dự kiến đầu tư khoảng 100 triệu đồng để cải tạo thành homestay cho thuê. Kế hoạch thuê kiến trúc sư, đập tường thừa, sửa nhà vệ sinh, trang trí ban công, mua nội thất... đã được lên đầy đủ. Tuy nhiên, khảo sát mô hình kinh doanh từ một người bạn, anh Hoàng từ bỏ ý định.

Mức độ cạnh tranh hiện nay trên thị trường homestay Hà Nội quá cao: số lượng nhiều, khách không đồng đều. "Nếu vừa bỏ tiền thuê nhà và cải tạo lại vừa thuê người quản lý, vận hành, cộng thêm các khoản chi phí phát sinh thì doanh thu từ homestay thực sự không hấp dẫn, thậm chí không bù đắp được chi phí", anh Hoàng chia sẻ.

Báo cáo khảo sát thị trường của công ty nghiên cứu thị trường AirDNA cho thấy nếu như đầu năm 2017, Hà Nội có khoảng 3.000 homestay thì đến hiện tại, con số đã tăng lên 11.000.

Không chỉ riêng Hà Nội, tại TP HCM, homestay cũng tăng trưởng mạnh trong 2-3 năm qua. Theo báo cáo, lượng homestay ở TP HCM tăng 6 lần kể từ năm 2017, hiện có khoảng 18.000 căn.

Ở các thành phố và điểm du lịch lớn, nhỏ, mô hình homestay đang ghi nhận mức tăng trưởng nóng. Ảnh: ETM Homestay.

Ở các thành phố hay các điểm du lịch nổi tiếng khác, lượng homestay nở rộ. Điển hình, Đà Lạt hiện có hơn 500 cơ sở kinh doanh homestay đang hoạt động với nhiều mô hình khác nhau. Tại Khánh Hoà, Vũng Tàu, Đà Nẵng..., lượng homestay cũng đạt mức cao, từ 1.000 đến gần 3.000 căn.

Xung quanh khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng có khoảng 30 - 40 homestay đang hoạt động. Người dân, nhà đầu tư ồ ạt xây, thuê các mô hình nhà ở để cải tạo thành homestay, quảng cáo trên nhiều website và mạng xã hội.

Hay ở Cà Mau, một số hộ dân cũng bắt đầu bước vào thị trường này với các mô hình chia sẻ nhà ở kết hợp các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, tham quan du lịch.

Theo đánh giá của AirDNA, thị trường kinh doanh homestay tại Việt Nam đang tăng trưởng "nóng" với tốc độ 452% về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, lớn hơn so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu 140% và cao hơn rất nhiều so với ngành khác sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.

Homestay được định nghĩa là một loại hình lưu trú tại nhà dân bản địa khi đi du lịch. Tuy nhiên, sau nhiều năm hình thành và phát triển, loại hình lưu trú này có sự thay đổi về bản chất và trở thành một mô hình kinh doanh được đầu tư bài bản.

Cuộc đua kinh doanh homestay nở rộ ở nhiều địa phương. Bên cạnh bố trí lại ngôi nhà mình đang sống để trở thành cơ sở lưu trú cho khách du lịch, nhiều người thuê lại nhà, hoặc xây mới công trình dạng nhà ở, biệt thự để kinh doanh homestay và xác định các phương án cạnh tranh riêng.

Cuộc đua kinh doanh homestay nở rộ ở nhiều địa phương. Ảnh: Dulichvietnam.

Trong các bài quảng cáo, chủ các homestay thường nhấn mạnh về vị trí của cơ sở lưu trú, dịch vụ tiện ích và những không gian được thiết kế dành riêng cho mục đích check in của giới trẻ. Không ít chủ homestay thừa nhận những yếu tố kể trên quyết định khả năng cạnh tranh trên thị trường hiện nay,

Chủ một homestay ở Quảng Bình chia sẻ: “Khi xác định làm homestay, chúng tôi phải đầu tư làm mới gần như toàn bộ ngôi nhà, từ cấu trúc lại hệ thống phòng, quét sơn, tổ chức nhiều không gian có tính thẩm mỹ cao, trồng cây cảnh, hoa…. Chi phí bỏ ra không hề ít”.

Tại Sóc Sơn, Hà Nội, homestay cũng nở rộ. Hàng loạt hình thức homestay độc đáo ra đời, chẳng hạn thiết kế các thùng gỗ, thùng sắt thành phòng ngủ, lắp nhà gỗ trong các khu rừng thông, thiết kế sân vườn, bể bơi…

Lâm Tùng
Nguồn Người đồng hành