Xu hướng bao bì tại Triển lãm Luxe Pack 2019

Tại Triển lãm Bao bì sáng tạo Luxe Pack New York 2019, các giải pháp bao bì bền vững không còn là một “thiểu số đơn độc” chỉ đến từ các doanh nghiệp tiên phong về bảo vệ môi trường mà đã hầu như chiếm lĩnh hội chợ thương mại này.

“Mười năm trước, chúng tôi sẽ nói với bạn rằng tính bền vững là một xu hướng. Nhưng nó hiện không là một xu hướng nữa, mà trở thành trọng tâm trong sáng tạo bao bì. Điều thực sự thú vị và quan trọng là vấn đề này hiện nay đã trở thành một ý thức chung. Nếu các thương hiệu không hành động, lĩnh vực của họ sẽ thất bại và họ đang đón nhận các giải pháp bền vững với sự nhiệt thành ngày càng tăng”, Nathalie Grosdidier, Tổng giám đốc của Luxe Pack, nói.

Theo lý giải của Ray Lewis, Chủ tịch Công ty bao bì Nate Packaging, sự chuyển đổi này là do áp lực ngày càng lớn từ phía người tiêu dùng. Trước đây, các thương hiệu lớn có thể dựa vào di sản và danh tiếng của họ để đẩy mạnh doanh số.

Nhưng trong thời đại của “người tiêu dùng có đạo đức”, các doanh nghiệp nhận thấy danh tiếng và xây dựng thương hiệu không còn sức ảnh hưởng mạnh như mục đích và nguyên tắc.

Khi lựa chọn giữa hai thương hiệu, tính bền vững đã trở thành yếu tố quyết định: “Cuối cùng, giá là như nhau, chức năng cũng như nhau, nhưng bây giờ tôi muốn trở nên thân thiện với môi trường hơn”.

Sự xuất hiện vật liệu mới

Ngày nay, thương hiệu và các nhà sản xuất bao bì cũng gắn kết chặt chẽ với nhau hơn vì một mục tiêu chung.

Bằng cách hợp lực với nhau, các thương hiệu và nhà sản xuất bao bì có thể mơ đến những vật liệu mới thân thiện với môi trường nhưng không hy sinh tính tiện dụng. Túi Paptic của Công ty bao bì Hunter là một ví dụ.

Paptic – từ lai giữa “paper” và “plastic” – là một vật liệu mới được làm từ sợi gỗ kết hợp khả năng tái chế của giấy với độ bền và khả năng tái sử dụng của nhựa.

Galeries Lafayette, cửa hàng bách hóa mang tính biểu tượng của Pháp, đã chọn túi Paptic cho chiến dịch thời trang có trách nhiệm “Go For Good”.

Ưu tiên sử dụng vật liệu sau tiêu thụ

Cùng với Nate Packaging, Neopac và Viva cũng là những nhà sản xuất bao bì ưu tiên đưa vật liệu sau tiêu thụ vào sản xuất bao bì của họ.

Viva hợp tác với Unilever để phát triển bao bì cho sản phẩm kem dưỡng da tay của nhãn hiệu Love Beauty and Planet sử dụng 65% vật liệu sau tiêu thụ được tái chế.

“Ngày nay, nhiều người tiêu dùng trẻ thiết tha với việc tái chế, tính bền vững và ý thức về môi trường sinh thái, vì thế, chúng tôi muốn tạo ra một thương hiệu có cùng tư duy như thế.”

Bruno Lebeault
Giám đốc tiếp thị của Viva

“Ngày nay, nhiều người tiêu dùng trẻ thiết tha với việc tái chế, tính bền vững và ý thức về môi trường sinh thái, vì thế, chúng tôi muốn tạo ra một thương hiệu có cùng tư duy như thế”, Bruno Lebeault, Giám đốc tiếp thị của Viva, nói.

Bao bì đơn vật liệu

Theo bà Nathalie Grosdidier: “Các nhà sản xuất cũng đang tìm cách sáng tạo nhiều bao bì đơn vật liệu hơn”. Sự đổi mới này được thúc đẩy do nhận thức tăng lên về khả năng tái chế và thực hiện tái chế.

“Nếu bạn muốn tái chế bao bì, điều đó sẽ dễ dàng hơn nếu sản phẩm của bạn sử dụng bao bì đơn vật liệu”, bà Grosdidier giải thích. Chúng ta đang thấy “tre thay thế cho nhựa và giấy carton, cùng với các vật liệu mới khác.

Công ty Golden Arrow dùng tre để tạo ra bao bì tinh tế và thân thiện với môi trường cho các khách hàng như Apple và Google.

Ống tuýp PICEA của Neopac được làm từ sợi gỗ (95%) đã lọt vào Top 5 giải thưởng Best in Green – Luxe Pack New York 2019.

“Đây là một kỷ nguyên năng động của ngành công nghiệp bao bì. Khi tất cả những công ty này tái tạo bao bì, họ cũng có sức mạnh tái tạo xã hội tiêu dùng của chúng ta”, bà Grosdidier nói.

Mai Quỳnh / JWT Intelligence
Nguồn Doanh Nhân+